21/05/2011 10:03 GMT+7

Xóm "nhà không nóc"

NGUYỄN VIỄN SỰ
NGUYỄN VIỄN SỰ

TT - Nhiều phụ nữ nghèo khó và lỡ làng, gần 20 năm qua đã tụ về Bực Lở - một xóm biển heo hút nép dưới chân núi ở Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) dựng chòi nương thân. Và không ít đứa trẻ ở đó đã ra đời mà chưa một lần biết mặt cha.

Read this on Tuoitrenews.vn

Nếu không có bà trưởng thôn Nguyễn Thị Tráng dẫn đường, có lẽ tôi cũng bị nhầm là một ông khách ghé lại mua vui khi bước vào những căn chòi lụp xụp này.

aguAT2rx.jpgPhóng to

Hai đứa con của Hồng đút chè cho nhau trước bậc cửa và đã quen với cảnh có khách lạ mỗi ngày - Ảnh: VIỄN SỰ

Bực Lở chỉ là tên thường gọi, trên giấy tờ vùng đất giáp ranh giữa Bình Thuận và Ninh Thuận này có tên là thôn Vĩnh Hưng. Bực Lở hiện được phân chia thành hai khu vực dân cư: ngoài khu vực nằm ở ven biển là những cư dân lâu đời, sống hợp pháp, còn khoảng 60 nóc nhà tạm bợ của cư dân từ nhiều nơi lấn đất bất hợp pháp dọc quốc lộ 1A từ Dốc Dù đến sát khu du lịch Cà Ná (Ninh Thuận), gọi là xóm “liều” Bực Lở.

Chính quyền xã Vĩnh Tân cho biết đã vận động và xin kinh phí xây được 31 căn nhà tình thương cho người dân Bực Lở.

Con không cha

Căn chòi đầu tiên tôi bước vào là của Hồng (*), một bà mẹ 27 tuổi dạt vào Bực Lở từ một xóm biển Mỹ Tường ở Ninh Thuận. Hồng luống cuống mời người khách lạ và bà trưởng thôn ngồi bệt dưới sàn nhà. Được che bằng tôn lá mỏng tang, nóng hầm hập, căn chòi của ba mẹ con Hồng quá hẹp để kê thêm được vật gì khác ngoài chiếc giường với tấm vải hoa kéo ngang, nơi đủ chỗ cho Hồng và những ông khách đường xa ghé chân...

Chân mày kẻ đậm, môi son đỏ chót, Hồng đang chuẩn bị cho những cuộc tiếp khách như bao ngày khác. Ôm đứa con gái 8 tuổi và thằng nhỏ mới hơn 3 tuổi vào lòng, Hồng thiệt thà: “Ổng bỏ về Bình Định hai năm rồi. Em đi “bán” (tiếp khách) không đủ tiền nuôi con, nghèo quá ổng bỏ đi”.

Như giải thích cho thái độ ráo hoảnh của Hồng trước câu chuyện vừa kể, bà Danh - mẹ Hồng - phân trần: “Ở xóm này nhiều đứa như nó lắm chú ơi. Muốn “bán” được nhiều thì phải kiếm thằng chồng để bảo kê. Nhưng chỉ sinh con được ít lâu là cha bỏ đi biệt”. Bà Danh kể với thái độ cũng bình thản như con gái mình.

Bởi gần 20 năm trước bà là một trong những người đã “khai sinh” ra xóm này - không chồng, một mình với bầy con, bám theo mép biển từ Mỹ Tường vào đây dựng chòi. Và bây giờ những bà mẹ đơn thân thế hệ thứ hai ở ngay cạnh hay cách nhà bà Danh cả cây số đều đang sống bám vào những căn chòi lụp xụp che tạm bằng tôn, chỉ đủ kê một chiếc giường và tấm màn như con gái bà...

Theo chân bà Tráng đi dọc quốc lộ 1A ngang qua Bực Lở dài hơn 4km, tôi đếm được hơn 30 nóc chòi lụp xụp như căn chòi của mẹ con Hồng.

Những đứa trẻ mồ côi thật, mồ côi “giả” ở Bực Lở mỗi năm lại nối dài, khi nhiều cô gái ở Bực Lở đi làm ăn xa hoặc quen với những thanh niên đi bạn (đi biển) từ xứ khác đến cũng rơi vào cảnh làm mẹ đơn thân, lại dắt díu nhau ra ven quốc lộ dựng chòi nuôi con.

Bà Tráng nói nếu là mồ côi thật thì xóm Bực Lở chỉ có 37 đứa, còn mồ côi “giả” - cha bỏ đi đâu không biết, có cũng như không, phải hơn 70, chưa khi nào thống kê nổi.

“Bạn con cũng giống vậy!”

Ngày đến nhà Hồng tôi gặp hai đứa bé đang đút chè cho nhau trước bậc cửa, cả hai vội vàng lẻn ra cửa sau, cài khóa trốn mất. Hai đứa nhỏ hành động theo một phản xạ quen thuộc khi những ông khách lạ đến tìm mẹ chúng.

Tôi hỏi bé lớn của Hồng, đang học lớp 3, có nhớ ba không, bé cúi mặt lí nhí: “Dạ có, nhưng con đâu biết ba ở đâu mà tìm”. Rồi như nhớ ra điều gì, cô bé lại thản nhiên: “Nhưng mà đi học con không bị chọc đâu chú, vì ở lớp cũng nhiều bạn như con...”.

Trước lúc rời khỏi căn chòi của mẹ con Hồng, bé lôi trong vách nhà ra hai tờ giấy khen học sinh tiên tiến lớp 3 và lớp 2 hồn nhiên khoe: “Con còn một tờ giấy khen hồi lớp 1 nữa mà làm rơi mất rồi chú”. Nơi bé lấy ra tờ giấy khen cũng là góc kê sách vở học hành, chỉ cách chiếc giường có tấm màn che mà Hồng thường tiếp khách hơn nửa mét. Thấy tôi quan tâm đến chuyện học hành của con, Hồng tần ngần: “Em “bán” buổi chiều lúc tụi nhỏ đi học, còn sáng thì đi lặn rong (rau câu), nó ham nên cho học đến khi nào không kham nổi nữa thì nghỉ...”.

Cùng hoàn cảnh ấy, hai anh em Phạm Thiên Thành (13 tuổi) và Phạm Bích Ngọc (8 tuổi) mỗi ngày đều đặn lội bộ 5km quốc lộ để đến trường ở trung tâm xã Vĩnh Tân. Chị Trần Thị Nhưng, mẹ của Thành và Ngọc, nói: “Ổng bỏ đi bảy năm rồi, năm trước có ghé về thăm hứa mua cho hai đứa chiếc xe đạp, chờ hoài không thấy quay lại...”.

Bà Tráng cho hay những đứa trẻ không cha ở Bực Lở hầu như không đứa nào có hộ khẩu, để chúng được đi học mấy bà mẹ phải về tận quê xa làm lại giấy khai sinh. Nhưng năm nào cũng vậy, đến cuối năm chỉ còn phân nửa theo lớp, còn thì rơi rụng đâu đó từ giữa năm học. Bà bùi ngùi: “Nghỉ học thì tụi nhỏ ở nhà chỉ có đi khiêng cá mướn, còn lớn lên chút nữa thì chưa biết chừng...”. Bà Tráng bỏ lửng câu nói...

oOo

Tôi rời Bực Lở vào buổi trưa trời cháy nắng, trước những căn chòi lụp xụp từng nhóm trẻ rúc mình trong những bóng me vẫy xe quá giang đến trường. Nhiều bác tài đã mủi lòng dừng lại. Nhưng biết bao giờ mới có một chuyến xe cho bọn trẻ “quá giang” một chặng đường dài hơn?

______________

(*) Tên một số nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.

NGUYỄN VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên