18/11/2009 01:13 GMT+7

Xóm nghề lông mi giả

DUY KHANG - BỈNH HIẾU
DUY KHANG - BỈNH HIẾU

TT - Ở Sóc Trăng có một xóm chuyên nghề làm lông mi giả do hai cô gái Kim Ngoan, Mộng Thùy ở ấp Mỹ Tân, xã Nhơn Mỹ truyền nghề.

Xóm nghề lông mi giả

TT - Ở Sóc Trăng có một xóm chuyên nghề làm lông mi giả do hai cô gái Kim Ngoan, Mộng Thùy ở ấp Mỹ Tân, xã Nhơn Mỹ truyền nghề.

ImageView.aspx?ThumbnailID=375741

Kim Ngoan (phải) hướng dẫn một bạn gái trong xóm làm lông mi giả - Ảnh: Bỉnh Hiếu

Kim Ngoan, Mộng Thùy bảo chúng tôi: “Bà con địa phương xã mình thu nhập chủ yếu từ ruộng, vườn khá bấp bênh nên không ít thanh niên xã rủ nhau lên TP.HCM làm đủ nghề kiếm sống. Thậm chí có bạn gái còn được gia đình khuyến khích lấy chồng Đài Loan với hi vọng đổi đời”.

Chứng kiến những cảnh “đổi đời” sau nhiều năm bị hành hạ nơi đất khách, vài cô gái trẻ trở về quê không một xu dính túi, Thùy và Ngoan bảo nhau cố học cho được một nghề để có thể làm tại nhà, bám trụ với mảnh vườn, thửa ruộng quê hương. Kim Ngoan cho biết nghề làm lông mi giả rất đơn giản, chỉ cần một chút kiên trì, khéo tay là được. Chính vì vậy nên vừa học vừa làm chưa đầy nửa năm, hai chị em đã tự tin trở về quê mở cơ sở sản xuất độc lập, mạnh dạn nhận hợp đồng cung ứng sản phẩm cho đơn vị đầu mối.

Nghề làm lông mi giả ở đây gần như được làm thủ công. Đáng kể nhất là máy xén tóc chuyên dụng nhỏ như cái cân bàn loại 10kg được điều khiển bằng tay. Ngoan đưa lọn tóc vào, canh chỉnh độ dài, cắt và giới thiệu ngắn gọn: “Máy này từ Đài Loan, đặt mua 4 triệu đồng. Tóc mua trong xóm, giá 350.000-400.000 đồng/kg. Thắt lông mi sợi tóc chỉ cần dài độ 16cm, 1kg tóc thắt được khoảng 3.000 cặp lông mi”.

ImageView.aspx?ThumbnailID=375742

Một công đoạn trong nghề làm lông mi giả - Ảnh: Duy Khang

Khi thắt lông mi, từng sợi hoặc từng đôi tóc được xếp lại và buộc rút vào một sợi chỉ, sau đó quét qua lớp keo mỏng giữ chắc mối thắt. Lông mi có loại thưa, ngắn hoặc dày, dài. Mỗi chiếc dài 3,4-3,5cm tùy yêu cầu khách hàng. Thắt là công đoạn đầu tiên, để được chiếc lông mi hoàn chỉnh phải thực hiện tiếp các công đoạn cần thiết như ủi, hấp, uốn cong và cắt tỉa.

Tại cơ sở sản xuất, mọi người vừa làm vừa nói cười rôm rả, xúm xít như một gia đình. Họ đang thực hiện những công đoạn cuối để cho ra sản phẩm và hầu hết là người cùng xóm. Tiền công mỗi người được 600.000-800.000 đồng/tháng. Còn sản phẩm thô, tức lông mi thắt ở giai đoạn đầu, Thùy và Ngoan thu mua từ các “cơ sở vệ tinh” là những người làm việc tại nhà riêng trong xã Nhơn Mỹ.

Ngoan kể ban đầu hai chị em phải đến từng nhà thuyết phục học nghề bởi ai cũng rất ngại khi thấy cách tỉ mỉ thắt từng sợi, từng đôi tóc. Nhưng với sự kiên nhẫn của hai cô gái, giờ đây ở ấp Mỹ Tân nhà nào cũng có người làm lông mi giả.

Hiện mỗi tháng cơ sở của hai cô gái nhận hợp đồng cung ứng 40.000 cặp lông mi giả. Chị Nguyễn Thị Yến Phương, Hội Phụ nữ xã Nhơn Mỹ (Kế Sách, Sóc Trăng), cho biết thêm: “Thấy nghề làm lông mi giả giúp bà con nông thôn trong xã thêm thu nhập nên hội phụ nữ đã tổ chức hai lớp dạy nghề cho 30 người, do Thùy và Ngoan tự nguyện đứng lớp”.

DUY KHANG - BỈNH HIẾU

DUY KHANG - BỈNH HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên