Xóm nhỏ nằm khuất dưới quả đồi, mặt hướng ra biển ấy, trai tráng sinh ra để lặn biển sâu và như là một bộ sử sống về quần đảo Hoàng Sa.
Sinh ra để lặn biển Hoàng Sa
Cha ông đi Hoàng Sa từ con tàu vài chục mã lực, giờ nhà nào cũng có tàu vài trăm đến cả ngàn mã lực dọc ngang Hoàng Sa. Từ quá khứ đến hiện tại, người xóm Gành Cả vẫn nhắc đến Hoàng Sa như một mối quan hệ bền chặt mà ông cụ bách niên đến cậu thiếu niên đều kể được.
Như một thói quen, mỗi lần ghé Gành Cả, chúng tôi đều ghé nhà lão ngư Võ Bông với tuổi gần 80 mà nếu chỉ nhìn bề ngoài chắc chắn nhiều người đoán chừng ông chỉ 60.
Ông Bông kể về lịch sử ngôi làng bắt đầu từ chính gia đình mình: "Cha tôi đi bằng thuyền buồm, đến thời tôi đi tàu 20-30 mã lực, con tui đi tàu trăm mã lực, cháu tui giờ đi tàu hơn ngàn mã lực. Dĩ nhiên đều bám biển Hoàng Sa đánh bắt".
Gành Cả được lập nên bởi bảy dòng họ Bùi, Tiêu, Nguyễn, Trương, Dương, Phạm, Võ. Họ tề tựu về đây từ những năm tháng chiến cuộc. Lý do họ chọn xóm gành bởi bảy dòng họ đều điêu luyện nghề lặn, họ sống gần gành để dễ kiếm cái ăn. Năm 1965, cả xóm chỉ có vài chục nóc nhà, giờ lên đến gần 300 nóc. Ông Bông khẳng định ở xóm Gành Cả 100% gia đình đều đi biển Hoàng Sa nhiều thế hệ và tất cả đều biết lặn biển sâu.
Em ông Bông, lão ngư Võ Hoa (76 tuổi) cũng mới "về hưu", nhường lại biển Hoàng Sa cho con cháu kế nghiệp. Ông Hoa nhớ sau ngày đất nước thống nhất, ba anh em ông lên tàu ra Hoàng Sa, đợt đó có thêm hai tàu cá nữa trong làng đi cùng.
Ra đến đảo Phú Lâm đánh bắt gặp sóng lớn đánh dạt cả ba con tàu lên đảo. Chín ngư dân tháo máy, gạn dầu, nhập ba tàu thành một trở về đất liền.
"Đợt đó tưởng chết rồi, may sao vẫn về tới đất liền. Nhưng tàu nhỏ không về làng mà lại bị sóng đánh dạt vào tận Bình Định. Chín anh em chỉ còn cái mạng trở về", ông Hoa kể.
Dòng họ Võ ở Gành Cả rất nổi tiếng với những ngư dân can trường, gặp bao sự cố vẫn đóng tàu tiếp tục ra Hoàng Sa. Nổi tiếng nhất là ngư dân Võ Văn Lựu (58 tuổi), tháng 7-2016 ông Lựu từng có câu nói để đời: "Tàu có thể chìm, còn ý chí không thể chìm được. Tôi sẽ đóng tàu đi Hoàng Sa, con tôi, cháu tôi cũng sẽ đi Hoàng Sa".
Câu nói ấy phát ra từ trái tim can trường khi tàu cá QNg 904.79 của ông vừa chìm ở Hoàng Sa, nhưng ông vẫn kiên cường về được đất liền. Đó là lần thứ ba ông Lựu bị chìm tàu ở Hoàng Sa.
Chiều 24-2 đầu năm 2023 này, tàu cá QNg 906.27 của ngư dân Võ Văn Lựu cũng vừa trở về từ Hoàng Sa, phiên biển về sớm hơn dự tính bởi ông Lựu đã cứu bốn ngư dân trên tàu cá QNg 905.27 (do ngư dân Võ Văn Kim, 33 tuổi, làm thuyền trưởng) gặp nạn chìm ở gần đảo đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 22-2.
Phiên biển lỗ nặng nhưng ông Lựu vẫn vui vẻ: "Tôi đi Hoàng Sa từ năm 16 tuổi, đến giờ tôi vẫn dặn con cháu đi biển Hoàng Sa phải thường xuyên liên lạc với các tàu, khi cần thì ra tay giúp ngay, vì đoàn kết là sức mạnh của dân mình mà".
Những bộ sử sống Hoàng Sa
Xóm Gành Cả truyền đời đi biển Hoàng Sa, nhà nào cũng ba bốn thế hệ gắn bó với quần đảo máu thịt của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết xóm Gành Cả thuộc nghiệp đoàn, những đoàn viên Gành Cả luôn sống vì nhau, họ không bao giờ gặp hoạn nạn mà rút lui bỏ mặc tàu bạn gặp chuyện nơi đầu sóng ngọn gió...
Từ ngày đi biển, ông Võ Văn Lựu đã rất nhiều lần bỏ biển cứu ngư dân gặp nạn ở Hoàng Sa. Lật cuốn sổ ghi chép, ông Hùng kể lượt qua một số tàu cá được ông Lựu cứu như tàu của ngư dân Võ Nhị, Phạm Văn Mỹ, Nguyễn Cư (xã Bình Châu), Trần Mai (xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định)...
Ông Hùng bảo ra Hoàng Sa, không chỉ gặp thiên tai mà còn cả nhân tai, nhờ tinh thần đoàn kết đã ăn sâu vào máu mà ngư dân Việt cùng ngọn cờ Tổ quốc luôn đứng vững ở vùng biển này qua nhiều thế hệ.
Ngư dân Nguyễn Cư trạc tuổi ông Lựu, ngang dọc biển trời Hoàng Sa hơn 30 năm qua cũng từng cứu nhiều tàu cá Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi. Và ông Cư cũng hai lần mang ơn ông Lựu khi được ông Lựu ứng cứu, không chỉ giữ được mạng mà còn giữ được tàu.
Lần gần nhất vào năm 2014, lúc đó Hoàng Sa là vùng biển đang nóng bỏng, ông Cư sau một ngày lèo lái tàu thoát khỏi tàu Trung Quốc đã bị mắc cạn ở một rạn san hô. Ông Lựu nhận được tín hiệu đã lái tàu đến cứu tất cả ngư dân lên tàu, sau đó hơn 20 trai tráng hợp sức cứu con tàu mắc cạn rồi kéo về đất liền.
Dạo quanh Gành Cả, chúng tôi ghé nhà ông Nguyễn Thanh Nam (60 tuổi), người đi biển đặc biệt ở Gành Cả khi ông bị tai biến trong một lần lặn biển Hoàng Sa hơn 20 năm trước và phải nghỉ biển.
Nhớ biển khơi, ông trở thành người nối biển với bờ, cả ngày ông ngồi trước icom trực thông tin từ Hoàng Sa. Và ông là kênh thông tin Hoàng Sa quan trọng để chính quyền địa phương nắm bắt chuyện biển khơi.
Nhà ông Nam, ba người con trai Nguyễn Thành Linh (37 tuổi), Nguyễn Hữu Cơ (35 tuổi), Nguyễn Hữu Sở (32 tuổi) đều có thâm niên trên dưới 20 năm bám biển Hoàng Sa. "Anh em nó làm thuyền trưởng của ba con tàu, đang ở Hoàng Sa cả rồi.
Hè này nghỉ học, thằng cháu nội tôi cũng sẽ đi Hoàng Sa với cha nó. Mấy thằng cháu tôi có gene di truyền, dượt mấy lần ở gành thấy lặn được phết. Nếu thằng cháu đi biển ổn thì nó là thế hệ thứ 5 đi biển Hoàng Sa của gia đình", ông Nam tự hào.
Xóm Gành Cả có sức hút kỳ lạ với những ai muốn tìm hiểu về Hoàng Sa bằng sự gai góc, can trường. Chuyện của làng như thước phim sống động về vùng biển máu thịt ấy. Ở Gành Cả có những con tàu được dân biển ví von "bình mới rượu cũ".
Đó là những con tàu mãi mãi nằm lại Hoàng Sa, nhưng sau đận thập tử nhất sinh, giữ được mạng trở về, ngư dân đã đóng tàu mới và xin cấp lại số cũ. Như tháng 8-2017, tàu cá QNg 902.89 của ngư dân Bùi Ngọc Lành (62 tuổi) bị chìm ở Hoàng Sa.
Trở về đất liền, được bảo hiểm đền bù, ông vay thêm hơn 1 tỉ đồng đóng tàu mới ra khơi. Ngày xin cấp số hiệu, ông đã xin cấp lại số QNg 902.89 và vươn khơi cho đến giờ.
Ông Lành có mối thâm tình với báo Tuổi Trẻ khi báo đăng bài và phóng viên nhờ luật sư giúp đỡ pháp lý, khởi kiện công ty bảo hiểm để ông được bồi thường công bằng. Con tàu mới, số hiệu cũ 800CV vẫn vươn khơi cho đến giờ.
Người thuyền trưởng lão làng chia sẻ 10 anh em trong dòng họ mấy năm qua vẫn đi chung thuyền ra Hoàng Sa đánh bắt. Hiện con trai ông đang tiếp nối cha, dần cáng đáng việc chỉ huy tàu đánh bắt.
"Tui chắc đi biển vài năm nữa để chỉ bảo thêm cho con, khi nào nó hiểu rõ con nước, gành biển ở đảo Hoàng Sa thì tôi nghỉ ngơi. Thấy nó yêu biển nước mình, tôi cũng mừng", ông Lành nói.
Và lớp con cháu sẽ tiếp tục truyền đời làm bộ sử sống Hoàng Sa...
Giương cờ Tổ quốc thiêng liêng ở Hoàng Sa
Ở Gành Cả những ngày này dễ bắt gặp những thuyền trưởng từng bị tàu Trung Quốc đâm va ở Hoàng Sa. Thuyền trưởng tàu QNg 90399 - Đặng Dũng và thuyền trưởng tàu QNg 95617 - Trương Văn Đức vừa trở về đất liền đã vội neo tàu ở cảng Sa Kỳ nhập tổn phí.
Cách đây tám năm, ông Đức từng may mắn thoát chết ở Hoàng Sa khi được tàu cá trong Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu ứng cứu kịp thời, nhưng con tàu vĩnh viễn nằm lại đáy nước.
Còn ngư dân Đặng Dũng sáu năm trước cũng có ngày trở về kinh hoàng khi chiếc tàu bị đâm rách mạn, vết nứt chạy dài khiến con tàu hư hỏng nặng.
Nhưng nỗi lo nhân tai không thắng được ý chí biển khơi của người Gành Cả. Họ vẫn truyền đời ra biển Hoàng Sa để giương cao ngọn cờ chủ quyền của Tổ quốc mình...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận