Kỳ 1: Kỳ 2:
Phóng to |
Chị Hà Thị Xuyến với bao cua và bao đậu phộng nhờ tàu đem ra chợ Vinh bán - Ảnh: Viễn Sự |
Trên giấy tờ, bây giờ xóm đã có cái tên Tân Sơn thuộc xã Hương Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình). Nhưng dân quanh vùng và những hành khách chuyến tàu chợ Vinh - Đồng Hới vẫn quen gọi là “xóm đợi tàu”.
Thổi cơm cũng đợi tàu
10 giờ sáng, rời ga Kim Lũ, tàu VĐ32 rúc những hồi còi vang dài cả một khúc đèo Khe Nét, cột khói đen sì phả ra trong gió mùi dầu máy. Nhưng chỉ sau hồi còi ấy, từ trong xóm nhỏ cất lên những tiếng lảnh lót gọi nhau: “Tàu về, tàu về rồi!”. Đó là tiếng gọi thường xuyên mỗi ngày sau hồi còi dài nhất, to nhất của tàu VĐ32, báo hiệu đã qua con dốc cuối cùng của đèo Khe Nét. Từ những mái nhà gỗ lúp xúp, từ các rẫy chuối ven triền núi, phụ nữ, trẻ em, đàn ông ùa ra sân ga, nhiều người đang quẩy gùi măng từ sườn núi cũng chạy xuống. Từ trên tàu từng bó rau, miếng thịt heo, con cá biển muối mặn... được chuyển xuống. Phía cuối đoàn tàu, vài gùi măng còn lấm lem bùn đất, ít bao lạc được chuyển lên... Tất cả chỉ diễn ra trong vòng ba phút, tàu VĐ32 lại hú một hồi còi dài và lăn bánh.
Phía toa cuối đoàn tàu, hành khách duy nhất lên từ ga Đồng Chuối là chị Hà Thị Xuyến đang cẩn thận đặt bao cua đồng hơn 30kg vào dưới gầm ghế, mang ra chợ Vinh bán. Chị Xuyến là một trong những hành khách thường xuyên nhất của tàu VĐ32 lên từ ga Đồng Chuối. Trò chuyện mới biết chị được cả xóm “tín nhiệm” giao cua của cả xóm bắt được đi Vinh bán rồi lại dùng tiền bán cua mua thực phẩm, đồ dùng gia đình mang về. Chị Xuyến nói: “Chừng ni cua là của cả xóm bắt trong hai ngày đó chú ạ! Nỏ được mấy trự (tiền) nhưng may còn có tàu chứ không nỏ biết bán cho ai”. Chuyện của chị Xuyến là hình ảnh rõ nhất cho sự mong ngóng đoàn tàu chợ của xóm núi Tân Sơn. Mỗi ngày hai lượt, gạo, mắm, muối, đường, chất đốt... từ Đức Thọ, Hương Khê (Hà Tĩnh) theo tàu VĐ31 vào; rau, thịt, cá biển... từ Đồng Hới, Quảng Trạch (Quảng Bình) theo tàu VĐ32 ra cung cấp cho cư dân trên đỉnh đèo Khe Nét. Rồi mùa nào thức nấy, bó củi, bao đậu phộng, gùi măng của dân xóm núi cũng từ sân ga gửi theo những chuyến tàu để mai mốt nhận lại thực phẩm, vật dụng từ bạn hàng gửi ra trao đổi.
Anh Nguyễn Đình Trung - trực ban chạy tàu ga Đồng Chuối - nói: “Ga Đồng Chuối nằm chơ vơ trên đỉnh đèo, không có khách đi tàu nào ghé chân. Nhưng ngành đường sắt vẫn cho tàu dừng, chủ yếu là để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho nhân viên nhà ga và dân xóm núi. Ở đây nổi lửa thổi cơm cũng phải đợi tàu anh ạ!”.
Phóng to |
Xóm núi Tân Sơn đìu hiu khi đợi tàu - Ảnh: Viễn Sự |
Một thế giới khác vừa đi qua
Câu chuyện về những nóc nhà bé nhỏ, ngóng đợi đoàn tàu trên đỉnh Hoành Sơn vắt ngang Quảng Bình đã níu chân chúng tôi trở lại. Khi tàu VĐ32 đổ đèo Khe Nét, về đến ga Tân Ấp, chúng tôi đã quyết định quay lại xóm núi Tân Sơn bằng chuyến tàu VĐ31 vừa từ Vinh vào. Cũng chỉ có đúng ba phút, tàu VĐ31 thả những bao gạo, rau xanh... xuống xóm núi rồi rúc hồi còi dài giã biệt. Tàu đi, sân ga Đồng Chuối lại vắng lặng giữa núi rừng vây bọc. Chúng tôi - những người khách phương xa - không mong chờ, háo hức những chuyến tàu như dân xóm núi nhưng vẫn cứ cảm giác như chuyến tàu đã mang một thế giới khác vừa tràn qua đây.
Trong cái rét cắt da, chúng tôi đi len lỏi vào xóm Tân Sơn, lúc này nhờ những bao gạo, bó rau, mớ thịt cá từ tàu chuyển xuống, chái bếp quanh xóm đã ngún khói chuẩn bị bữa trưa. Anh Trịnh Ngọc Sơn, cư dân lâu năm nhất ở đây, cho biết năm 1999 khi thành lập ga Đồng Chuối, anh cùng một vài bạn bè giải nghiệp sơn tràng, không tấc đất cắm dùi lên đỉnh đèo Khe Nét vạt một khoảnh lau lách cạnh nhà ga sinh sống. Ban đầu đôi tàu chợ VĐ chỉ dừng ở Đồng Chuối để tránh nhau, nhờ đó nhân viên ga Đồng Chuối và vài hộ dân dần dần được nhờ vả, gửi tàu mua giúp ít lương thực, đồ dùng từ các ga đồng bằng đem lên. Cứ thế, cùng với nhân viên ga Đồng Chuối chỉ vài người buổi đầu nay đã lên đến 11 người, xóm núi dần đông đúc hơn, nay đã có 15 gia đình quần tụ bên nhà ga.
Cùng sống giữa nơi đèo heo hút gió, cùng phụ thuộc hoàn toàn vào chuyến tàu chợ, dân xóm Tân Sơn với nhân viên ga Đồng Chuối cứ thế gắn kết với nhau. Có những người như anh Nguyễn Đình Trung, từ Nghệ An vào làm việc ở ga Đồng Chuối rồi lập gia đình với thôn nữ của xóm núi. Ở đó còn có cả những biệt lệ ấm lòng: trẻ con xóm núi đi học, sáng cuốc bộ 6 cây số đường rừng nhưng trưa về có khi lại ngồi đợi sẵn dưới tán đa già dưới chân đèo Khe Nét đợi tàu chạy qua, vẫy tay một cái tàu dừng lại để chở về đến Đồng Chuối.
Những câu chuyện ấm lòng về những chuyến tàu và người dân xóm núi bên bát chè xanh ủ nóng cũng không thể kéo dài. Thông tin về việc tàu Vinh - Đồng Hới sẽ ngừng chạy đã đến với cư dân và nhân viên ga Đồng Chuối từ nhiều tháng trước. Mỗi người một nỗi niềm, những người như anh Nguyễn Đình Trung và các nhân viên ga Đồng Chuối thì âu lo về một chuyến rời xa đến nơi công tác mới còn có những nỗi bịn rịn với những cư dân, vùng đất đã trở thành ruột rà. Còn những người dân xóm núi như anh Sơn, chị Xuyến thì âu lo về một chặng đường mưu sinh sẽ không có những chuyến tàu nâng chở. Mắt hướng ra cung đường ray hun hút, anh Sơn buồn bã: “Nhiều người nghe nói cắt tàu đã lục đục tính chuyện dời nhà. Không còn tàu, không còn ga Đồng Chuối chắc cả xóm sẽ dời đi”.
Xóm Ga sẽ xa hơn Đó là lời ông Trần Thanh - phụ trách công tác chạy tàu, gác ghi ở ga Sa Lung, xã Vĩnh Long (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Cũng như xóm Tân Sơn, thôn Thống Nhất ở xã Vĩnh Long chỉ được hình thành từ năm 1981 khi nhà ga Sa Lung được hình thành. Ông Trần Thanh kể tất cả nhu cầu sinh hoạt, hàng hóa của người dân Thống Nhất đều trông chờ cả vào tàu chợ Huế - Đồng Hới, ngày hai lượt dừng lại ga Sa Lung này. Bây giờ dù đã có đường giao thông liên xã thuận lợi, nhưng để bắt xe vào Huế ra Đồng Hới, người dân thôn Thống Nhất và cả xã Vĩnh Long, Vĩnh Chấp vẫn thích ra ga Sa Lung để đi tàu chợ, thay vì phải đi đường bộ xuống thị trấn Hồ Xá xa hơn bắt xe đò. “Cắt tàu, dân xóm ni khó khăn hơn là điều chắc chắn. Dù không phụ thuộc hoàn toàn vào tàu chợ như trước đây nữa nhưng tàu chợ vẫn là phương tiện hữu ích, gắn bó với bao gian khó một thời của vùng đất ni. Chừ nghe cắt tàu, dân cũng buồn mà cán bộ nhà ga như tui cũng thấy lưu luyến” - ông Trần Thanh chia sẻ. |
___________
Kỳ tới: Xuôi ngược cơm gà
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận