Ngư dân trẻ Nguyễn Văn Toàn háo hức chuẩn bị chuyến đi biển mới...
Nhưng dù cha mãi mãi không về, trai tráng Khánh Hội vẫn giong tàu ra khơi. Máu can trường đầu sóng ngọn gió của cha ông luôn chảy trong họ.
Thiệt bụng, nhìn thằng con gan dạ nối nghiệp cha đi biển mà nhiều bữa tui cứ ngỡ ổng trở về.
Bà Trần Thị Lăng
Gần 23 năm sau thời khắc bão Linda gieo nỗi kinh hoàng, tôi trở về xóm biển Khánh Hội. Tháng 3, trời biển xanh ngắt. Men theo rừng tràm đang nở bông thơm phức, cửa biển Khánh Hội dần hiện ra...
Những đôi mắt vẫn ngóng ra biển
Tàu thuyền đang tấp nập ra vào bến. Bên nhóm ngư dân vừa trở về sau chuyến biển dài ngày với đầy sản vật là nhiều trai trẻ khác đang háo hức chuẩn bị chuyến ra khơi tìm tôm cá mới.
Ngay khu vực mua bán hải sản nơi cửa biển, tôi gặp vợ chồng anh Lưu Quốc Tản (51 tuổi) và chị Trần Phương Thúy (49 tuổi, xã Khánh Hội). Năm ấy, khi bão Linda gầm rú trên biển, anh Tản cùng 8 anh em đang câu mực ngoài khơi.
Anh vẫn nhớ như in chuyến biển đó tàu "trúng dữ thần", họ háo hức ngày trở về với khoang đầy mực, nào ngờ cơn bão khủng khiếp ập đến. "Trước đó, lứa tuổi tui chưa bao giờ thấy vùng biển cuối nước này có bão lớn. Đêm trước nghe đài báo tin mà thiệt bụng anh em đâu ai nghĩ nó dữ dằn thế" - anh Tản bồi hồi nhớ lại.
Đêm về khuya, gió mạnh dần, sóng lớn quăng quật vào mạn tàu. Biết chẳng lành, Tản cùng anh em tìm cách về đảo Thổ Chu né bão. Nửa đêm. Chưa kịp vào đảo ẩn nấp, tàu câu mực đã bị sóng biển "đập" nát. Chín con người bám chặt vào nhau, lênh đênh suốt một đêm. "Sống cùng sống, chết cùng chết. Lúc sinh tử đó tụi tui chỉ nghĩ được vậy thôi" - anh Tản xúc động nói.
May mắn tảng sáng, toàn bộ 9 người được hải quân cứu. Và ba hôm sau, tàu hải quân chở những ngư dân may mắn vượt qua bão biển trở về. Ngày đoàn tụ, ông Tản ôm vợ mà nước mắt ròng ròng xót thương bao bạn bè đi tàu khác không được may mắn như mình.
"Cha mẹ già, phụ nữ, trẻ em quỵ xuống nơi cửa biển ngóng con, đợi chồng, đợi cha. Mỗi lần có tàu vào bờ, bà con lại nháo nhào đến xem có người thân của mình trở về không. Xác người, tiếng gào khóc vọng cả cửa biển bao đời hiền hòa. Nỗi tang tóc chưa bao giờ thấy" - bà Thúy nghẹn giọng kể trải nghiệm khó quên.
Đợt bão ấy, bà Thúy may mắn không trở thành góa phụ như nhiều phụ nữ khác. Xóm biển Khánh Hội năm ấy đã có nhiều người vĩnh viễn nằm lại đáy biển đen lạnh, không thể trở về cho vợ con nhìn mặt lần cuối.
...trong khi nhiều phụ nữ ở “xóm vọng phu” Khánh Hội vẫn không rời quê hương - Ảnh: T.NHƠN
Cứ ngỡ chồng trở về
Bà Trần Thị Lăng (60 tuổi, ngụ xã Khánh Hội) cũng mất chồng trong cơn thịnh nộ của biển. Bà trở thành góa phụ năm 37 tuổi, một tay gồng gánh nuôi con. Vừa lớn lên, con trai bà lại ra biển giống cha.
"Thiệt bụng, nhìn thằng con gan dạ nối nghiệp cha đi biển mà nhiều bữa tui cứ ngỡ ổng trở về" - bà Lăng trĩu giọng. 23 năm "vọng phu" nơi cửa biển, bà Lăng thỉnh thoảng vẫn có đêm mơ chồng mình trở về, ghe ông thật nhiều cá và ông cười hiền lành, nắm chặt tay vợ.
Hằng năm, có một ngày mà đầu trên xóm dưới Khánh Hội nhiều nhà nghi ngút nhang khói đám giỗ. Mâm cơm cúng nào cũng hướng ra biển như gọi con, mời chồng, mời cha về. Bên bao mồ mả đã xanh cỏ yên phần trên mảnh đất quê nhà, có không ít nấm mộ chiêu hồn không hài cốt của những người không bao giờ trở về.
Tâm sự với tôi, bà Võ Thị Hương (65 tuổi) cứ chốc chốc lại lau chùi ảnh thờ con trai. Người con của bà vĩnh viễn nằm lại biển khơi khi mới tròn 20 tuổi. "Tàu câu mực của nó ai cũng trở về, trừ nó ra" - bà Hương trào nước mắt kể lại.
Những ngày sau bão, bà Hương ra cửa biển Khánh Hội thất thần tìm con. Một ngày. Hai ngày. Một tháng rồi nhiều tháng trôi qua, con bà vẫn biệt tăm. Rồi một năm trôi qua, bà phải đau đớn tin con mình đã mất và lấy tấm ảnh con phóng lớn đặt lên tủ thờ.
Gần đó, bà Nguyễn Thị Lan (85 tuổi) cũng mất hai con ruột trong chuyến biển định mệnh. "Máu mủ ruột rà ai mà không đau lòng khi ngay cả thi thể tụi nó cũng không tìm thấy. Người ta mồ mả đàng hoàng, còn tụi nó vất vưởng ngoài biển khơi" - bà Lan nói như chực khóc.
Ngay chợ Khánh Hội, giáp cửa biển là tấm bia tưởng niệm đồng bào tử nạn trong cơn bão số 5. Trên bia tạc hình ảnh trận bão biển hung dữ với ngư dân vật lộn tồn sinh trên biển. "Năm 2017, mấy ổng tổ chức lễ tưởng niệm 20 năm bão Linda tại đây. Xúc động lắm, ai cũng mắt đỏ hoe vì thương chồng, nhớ con, nhớ cha" - ông Nguyễn Hoài Bảo sống gần chợ Khánh Hội, chia sẻ.
Vẫn can trường ra khơi
Đối với ông Nguyễn Văn Giang (45 tuổi, ngụ xã Khánh Hội) thì trận bão Linda 1997 là ký ức không bao giờ quên, bởi thời điểm bão ập tới cũng là lúc người vợ trẻ ở nhà đang bụng mang dạ chửa. Tàu câu mực bị sóng đánh chìm, Giang cùng nhiều người trôi dạt giữa biển.
Trong khoảnh khắc sinh tử, Giang nghĩ: "Mình chết đi không biết vợ con ở nhà ai lo". Suy nghĩ ấy cứ đè lên đầu cho đến lúc ông được một tàu đánh cá khác cứu sau đó hai ngày. Trở về xóm biển tang tóc, vậy mà chỉ gần tháng sau ông lại ra khơi.
Cái "máu treo mình trên đầu sóng ngọn gió" của Giang như truyền cho người con trai ra đời cách trận bão dữ chỉ vài tháng. Cha vừa thoát chết đã quay lại biển. Con vừa lớn lên cũng theo nghiệp cha. 23 tuổi, người con Nguyễn Văn To đã có thâm niên hơn 12 năm theo cha bám biển.
Hôm tôi gặp, cha con vừa trở về từ chuyến đánh bắt đầy tôm tít, cá khoai. "Qua mười tuổi tui đã theo cha đi biển. Mà ghiền biển thiệt. Ngày nào ở nhà tay chân như bị ai lấy dây trói lại" - anh To cười chia sẻ.
Còn Lưu Tuấn Anh, con trai anh Lưu Quốc Tản, cũng theo nghề cá của cha mình như cái máu ngư dân can trường truyền lại. Dù cha mẹ đã rời biển làm thương lái hải sản, Tuấn Anh vẫn chọn trùng khơi để vẫy vùng. Anh hồ hởi nói: "Mấy đứa như tui từ nhỏ đã rành rọt nghề biển. Không theo nghề này, chắc hổng chịu nổi".
Đang phơi những chiếc lú bát quái gần đó, anh Nguyễn Văn Toàn (31 tuổi) chen ngang: "Dân miệt này 10 người thì hết 8 người đi biển. Người nào có sức khỏe, vốn liếng thì đi tàu đánh bắt xa, còn không thì đánh bắt gần bờ sáng đi chiều vô. Thu nhập hàng ngày ít vài ba trăm ngàn, may được nhiều có khi cả triệu. Cực và nguy hiểm nhưng ổn hơn mần lúa".
"Chỉ mong trời yên biển lặng để ngư dân tụi tui an tâm ra khơi kiếm cơm. Nghề biển gợi bao ký ức đau thương nhưng cũng cho lại nhiều thứ. Cơm áo từ biển mà có nên cứ bám biển ra khơi" - Toàn trải lòng.
Trận bão lịch sử của miền Tây
Bão Linda hình thành từ một vùng áp thấp trên khu vực nam Biển Đông. Ngày 2-11, tâm bão đi qua phía nam của Côn Đảo với sức gió cấp 10, giật cấp 11, 12. Tối 2-11, bão đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền.
Thiệt hại do bão gây ra: 778 người chết, 2.123 người mất tích. Riêng Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích. Ngoài ra, bão còn khiến 107.892 căn nhà đổ sập, thiệt hại vật chất khoảng 7.200 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận