Phóng to |
* Thưa ông, hiện nhiều dự án giao thông tại TP.HCM đang chờ vốn, nhưng với tỉ lệ trung ương điều tiết ngân sách cho TP trong năm 2011 chỉ còn 23% (năm 2010 là 26%) sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án này?
- Cũng như các địa phương khác, TP.HCM không muốn trung ương hạ thấp tỉ lệ điều tiết ngân sách cho mình, dù nguồn này là để đầu tư phát triển cho TP. Vấn đề này TP đã có ý kiến với trung ương vì khi điều tiết nguồn thu còn 23%, TP sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, trong khó khăn TP.HCM phải tìm cách suy nghĩ để khai thác tối đa các lợi thế sẵn có và phát huy những tiềm năng của mình.
* Các dự án giao thông ở TP.HCM thường nối kết với các địa phương lân cận. Vì vậy trung ương sẽ chia sẻ với TP.HCM về nguồn vốn cho những dự án này như thế nào?
- Trung ương hứa sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM thí điểm một số cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn, như gần đây chúng ta đã thành lập công ty đầu tư tài chính (đầu tiên trong cả nước) với nhiều chức năng: phát hành trái phiếu, hợp vốn ngân hàng, tham gia đầu tư... Điều này góp phần tạo thêm nguồn vốn cho các dự án giao thông.
* TP.HCM từng kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án giao thông với nhiều hình thức đầu tư khác nhau. Sắp tới chúng ta có tiếp tục phát huy thế mạnh này để huy động thêm nguồn vốn?
- Vẫn còn nhiều cách huy động vốn cho các dự án giao thông theo hình thức BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao), BT (đầu tư - chuyển giao) và lần này TP.HCM mạnh dạn đăng ký với trung ương cho thí điểm theo hình thức PPP (Nhà nước và tư nhân cùng hợp tác).
TP đang đề xuất trung ương, nếu được sẽ đăng ký dự án đầu tiên là nhà ga khu vực trung tâm TP của các tuyến metro. Theo quy hoạch, phía trên là nhà ga, phía dưới là trung tâm thương mại, dự án tồn tại 100 năm. Với hình thức PPP, Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư, cùng hưởng lợi, cùng chịu rủi ro suốt thời gian trên, được chia theo tỉ lệ góp vốn. Chính vì có sự rủi ro nên TP phải tính toán, cân nhắc nhiều hơn.
Tuy nhiên, về phía tư nhân họ sẽ yên tâm hơn để bỏ tiền đầu tư nhiều hơn vì khi có rủi ro không chỉ mình họ gánh chịu. Đây là hình thức rất mới trên thế giới, ở VN chưa có địa phương nào áp dụng.
Phóng to |
Ông Nguyễn Thành Tài - Ảnh: P.P.H. |
* TP.HCM đã triển khai rất nhiều dự án BOT và điều đó làm xuất hiện dày đặc các trạm thu phí. Thông tin từ Sở GTVT cho biết TP đang tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư bảy dự án BOT với tổng vốn khoảng 84.000 tỉ đồng. Nếu triển khai các dự án này, phí giao thông tiếp tục đè nặng lên vai người dân?
- BOT cũng là một trong những hình thức tạo thêm vốn đầu tư khi ngân sách chưa đủ sức, điều này là đúng, không sai quan điểm, các quy định hiện hành cũng nêu rõ: được huy động mọi nguồn vốn đầu tư để phát triển, trong đó có sự gánh vác của xã hội. Còn làm sao xã hội gánh vác được thì đó là vấn đề cần tính toán để có mức thu hợp lý.
Vừa qua có đơn vị đề xuất tăng phí qua cầu để rút ngắn thời gian thu phí nhưng tôi cương quyết không đồng ý. Thà rằng kéo dài thời gian thu để người dân đỡ hơn một chút, nếu muốn rút ngắn lại thì người dân sẽ phải gánh nặng hơn, không chịu nổi, dù chiếu theo quy định chuyện này không sai. Khi làm thì sản phẩm BOT phải thật sự tốt. Khi đầu tư dự án đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ có nhà đầu tư được lợi, chúng ta phải tính làm sao để Nhà nước, xã hội và cả nhà đầu tư cùng được lợi.
* Có nhiều dự án giao thông chậm trễ khiến số vốn đầu tư đội lên rất cao. Theo ông, ngoài chuyện thiếu vốn, chậm giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư còn rườm rà thì có nguyên nhân nào khác gây nên sự chậm trễ trên?
- Thật ra có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân do thủ tục đầu tư dù TP đã cố gắng tháo gỡ nhưng vẫn còn chậm. Thứ hai, chính sách giải phóng mặt bằng thay đổi liên tục. Hướng là thay đổi tích cực hơn nhưng qua đó cũng bộc lộ những cái không đồng bộ, chồng chéo giữa các quy định của bộ này với bộ kia, khiến giải phóng mặt bằng rất chậm. Trong cơ cấu đầu tư, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 50% vốn dự án, nhưng do kéo dài nên chi phí đền bù tăng, vừa mất thời cơ vừa khiến dự án chậm.
* Một số ý kiến đánh giá TP.HCM thiếu vốn nhưng vẫn còn nhiều dự án đầu tư chưa hiệu quả, thậm chí lãng phí. Ông nghĩ gì về điều này?
- Phải nhìn nhận trong chừng mực việc đầu tư có dàn trải và sắp tới TP sẽ có chính sách tập trung hơn. Nếu rút ngắn được thời gian, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, tổ chức triển khai công việc đầu tư nhanh thì tiết kiệm được chi phí nhiều hơn. Khi các dự án phát huy hiệu quả sẽ tác động trở lại sự phát triển kinh tế.
Theo tôi, TP phải tiếp tục tập trung cải cách hành chính. Làm sao cải cách để thúc đẩy đầu tư trong xây dựng cơ bản, vì trong lúc khó khăn về sản xuất thì dư địa trong xây dựng cơ bản, trong đầu tư hạ tầng còn rất lớn. Biết phát huy dư địa này sẽ góp phần phát triển TP.
Những công trình tạo bước đột phá Ông Nguyễn Thành Tài cho biết trong năm năm qua, mặc dù gặp khó khăn về vốn nhưng TP.HCM đã nỗ lực để xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều công trình, tạo bước đột phá về giao thông, góp phần phát triển kinh tế TP. Điển hình như đại lộ Võ Văn Kiệt (đại lộ Đông - Tây) - một trong những công trình giao thông giải quyết giao thông xuyên tâm, nối kết đông tây, rút ngắn thời gian lưu thông, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm dân sinh, đồng thời khơi dậy sự phát triển cho vùng đất phía đông thuộc quận 2. Bên cạnh đó còn có dự án cầu Phú Mỹ, tuyến vành đai phía đông, đại lộ Nguyễn Văn Linh... góp phần giải quyết tắc nghẽn giao thông cho TP. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận