Còn hơn tháng mới đến Tết nên nhu cầu có một công việc lúc này càng cần hơn nữa. Giữa thời điểm việc làm eo hẹp, nhu cầu tuyển thêm chưa quá nhiều nên người lao động thất nghiệp càng phải cạnh tranh quyết liệt hơn để tìm được việc làm mới.
Tuổi 40 - 50 không tìm được việc làm
Dãy trọ mấy chục phòng ở xã Trung An, huyện Củ Chi (TP.HCM) đầu giờ chiều vắng vẻ. Dù phần lớn người ở trọ đã đi làm nhưng lác đác vẫn còn phòng có người vì mất việc trước đó chưa lâu.
Kinh tế khó khăn, đơn hàng ít, nhiều lao động ngoài 40 tuổi đã phải... "về hưu" vì là nhóm các công ty cho nghỉ trước tiên khi cần cắt giảm lao động!
Ở nhà chăm cháu ngoại đã gần nửa năm, bà Phượng (47 tuổi) quê Sóc Trăng cười gượng mỗi khi có ai đó nói "Còn trẻ vậy mà về hưu hả cô". Trước đó, bà và con trai cùng làm trong một công ty sắt ở Long An.
Công ty ít việc nên họ giảm bớt người, cứ ai lớn tuổi thì cho nghỉ. "Con trai tôi hơn 30 tuổi nên được ở lại làm tiếp, còn tôi gần 50 nên họ giải quyết cho nghỉ" - bà Phượng kể. Nghỉ việc, bà nhận được khoản trợ cấp hơn 2 triệu đồng của công ty và lãnh bảo hiểm thất nghiệp được hai tháng nay.
Bà Phượng nói mình đâu có tính nghỉ luôn nhưng đã đi xin việc mấy nơi rồi mà người ta đều nói không tuyển người lớn tuổi. Chỉ sang phòng đối diện, bà Phượng nói có xưởng gỗ gần đây cũng đang tuyển nhiều lắm, bà cũng mang hồ sơ tới nộp cùng một bạn 28 tuổi ở phòng đối diện. Họ nhận liền cô bạn 28 tuổi còn bà thì không.
Đồng cảnh ngộ, ông Ngọc Dũng (49 tuổi) ngụ huyện Củ Chi (TP.HCM) đã mấy tháng nay cũng nằm dài ở nhà vì không có việc gì làm. Ông cho biết từng làm công ty gỗ chín năm nhưng từ đầu năm công ty bắt đầu gặp khó khăn, ít đơn hàng nên cho công nhân nghỉ liên tục. Và ông đã xin nghỉ làm.
"Đã ở tuổi này tìm việc vào công ty nào cũng khó nên tôi làm tự do ở ngoài, chỗ nào người ta kêu phụ hồ, sơn phết gì đó thì mình làm. Nhưng mà công việc tự do giờ cũng ít, cũng khó tìm chứ không như hồi trước do lúc này người ta ít xây dựng hơn.
Độ này mấy năm trước công việc sơn phết nhiều lắm mà năm nay đứng luôn" - ông Dũng cười méo xệch.
Khu trọ trống phân nửa
Dãy trọ 160 phòng nằm ngay cụm công nghiệp ở xã Trung An, huyện Củ Chi (TP.HCM) những ngày này thưa thớt hẳn. Ông Lê Tường - chủ dãy trọ - cho biết hồi đỉnh dịch COVID-19, dãy trọ nhà ông cũng trống hơn phân nửa vì nhà máy đóng cửa, công nhân về quê.
Đầu năm 2022, công nhân rục rịch quay lại nhưng cũng chỉ chừng hơn năm, nhiều công ty lại phải cắt giảm lao động vì không có đơn hàng, công nhân mất việc, trả phòng về quê. Dãy trọ nhà ông cứ trống dần, đến thời điểm hiện tại còn chừng nửa số phòng có người thuê.
"Mấy công ty da giày, may mặc, nhà máy gỗ xung quanh cắt giảm vài đợt mà không thấy tuyển dụng lại nên làm gì có công nhân đến thuê phòng" - ông Tường ngao ngán.
Anh Khánh - người trông coi dãy trọ này - tiếp lời: "Chắc chưa khi nào công việc lại khó khăn như năm nay. Nhiều người lên tìm việc, thuê phòng nhưng ở được 1-2 tuần vẫn không kiếm ra việc nên đành trả phòng về quê" - anh Khánh cám cảnh.
Nhiều khu trọ công nhân khác tại TP.HCM vốn từng đông đúc trước đây nay cũng chung tình cảnh. Dẫn chúng tôi vào trong dãy trọ ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân (TP.HCM), bà Trần Thị Xuân Hồng - chủ khu trọ - khá rầu rĩ: "Có chừng 40 phòng mà trên trống tám phòng, dưới này cũng mấy phòng.
20 năm kinh doanh nhà trọ lần đầu tiên tôi rơi vào cảnh này. Kinh tế khó khăn, mình cũng đâu dám lấy giá cao, nợ đôi ba tháng cũng thông cảm".
Nhưng vẫn có bốn phòng trong dãy trọ này cứ im ỉm khóa cửa suốt bốn tháng nay. Khách ở mấy phòng đó làm lao động tự do, thợ hồ, công nhân, đủ nghề hết nhưng đã ngần ấy thời gian họ không ở, không trả tiền phòng nhưng cũng không thông báo trả phòng, cứ khóa cửa để đó.
Dãy trọ khác của ông Xuân Bình ở đường 3A, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân (TP.HCM) dù chỉ có sáu phòng nhưng cũng có phòng bỏ trống mấy tháng qua. "Có nhiều khách cũng ghé xem phòng nhưng rồi đi. Giờ có nhiều phòng trọ trong vùng trống lắm, không có công nhân mới lấy đâu ra người thuê" - ông Bình nói.
Thất nghiệp có giảm nhiệt
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho biết tính đến hết tháng 11-2023, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp khoảng 156.300 người, làm việc tại 3.671 doanh nghiệp.
So với lúc cao điểm tháng 6-2023, số lao động mất việc đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tháng 11-2023 giảm gần 25%.
Trung tâm đã hỗ trợ 1.014 người học nghề. Các ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực gia công xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nhất (dệt may, giày da, chế biến gỗ, điện tử, chế biến thực phẩm...).
Nguyên do các quý đầu năm 2023, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của biến động kinh tế - xã hội trên thế giới.
Một số thị trường xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp giảm đơn hàng do sức tiêu thụ giảm, lượng hàng tồn còn nhiều hoặc yêu cầu bổ sung các chứng chỉ đánh giá chất lượng hàng hóa.
(còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận