14/07/2023 12:22 GMT+7

Xoay trở tự cứu mình giữa cảnh thất nghiệp

Thay vì thở than và bế tắc với cảnh thất nghiệp, không ít lao động trẻ đã rũ bỏ lớp áo công nhân cả chục năm để tự tìm cho mình lối đi mới, cựa quậy trong cái khó mà nhiều người đang cùng đối mặt.

Với chị Thúy Thanh, công việc bán vé số, đồ khô, trái cây vất vả đó nhưng vui - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Với chị Thúy Thanh, công việc bán vé số, đồ khô, trái cây vất vả đó nhưng vui - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Tận dụng các khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, nhiều công nhân phải tập làm quen với những công việc mới, mạnh mẽ bước trên đôi chân mình với hy vọng cuộc sống sang trang.

Dẫu không đỡ vất vả hơn nhưng buôn bán mỗi ngày cũng vui, đôi lúc có phần dễ thở hơn phải đối diện với bao áp lực, cả uất ức của đời công nhân suốt hơn 15 năm qua.

Chị THÚY THANH

Làm "bà chủ" sau chục năm công nhân

Những ngày đầu tháng 7, chị Thúy Thanh - chủ cửa hàng đồ khô, trái cây trên đường Kênh 19-5 (quận Tân Phú, TP.HCM) - khá tất bật, không ngừng tay.

Gọi cửa hàng cho sang chứ thực ra chỉ là khoảng trống chừng 2m2 trước hiên nhà người quen được chị tận dụng kê chiếc bàn nhựa. Trên đó bày biện đủ loại đồ khô, cá khô được người thân bên ngoại ở Kiên Giang làm rồi gửi lên TP cho chị bán. Dưới chân bàn, chị để thêm rổ chôm chôm, đôi ba quả đu đủ, ít cân vải thiều.

Khoản trợ cấp thôi việc 11 triệu đồng nhận được sau lần thôi việc ở một công ty vật tư y tế là tất cả vốn liếng giúp chị Thanh bắt đầu lại. Ngoài đồ khô và trái cây, đều đặn 6h sáng mỗi ngày chị Thanh đạp xe chừng ba cây số đi lấy thêm 200 tờ vé số về bán.

Cỡ 11h trưa, khi khách đi đường vắng bớt, chị tạm đóng cửa hàng, đạp xe rảo quanh các quán cơm, khu chợ gần đó bán vé số. Đầu giờ chiều, khi công nhân vào ca làm việc, chị lại chạy về kê bàn, bày hàng tiếp tục làm "bà chủ".

Mùa này trời Sài Gòn mưa hoài, làm khó người bán vé số. Nên cũng có ngày sát giờ xổ mà tập vé số trong tay chị Thanh vẫn còn dày cộm. Những lúc như thế, chị Thanh ghi vội dòng chữ nguệch ngoạc đề sẵn giá từng món hàng lên tấm bìa "khách mua tự cân và trả tiền ở tiệm kế bên giúp" rồi tất tả chạy đi bán cho hết những tờ vé số còn lại.

Bữa giờ, bà con trong một con hẻm trên đường Tân Hòa Đông (quận 6, TP.HCM) cũng dần quen với quầy hàng nhỏ của chị Mai Thị Ny. Thuê mặt bằng 2 triệu đồng/tháng, chị bày bán cũng hơn trăm mặt hàng đủ loại, khách vào ra liên tục nên "bà chủ" cũng chạy tới lui phờ phạc.

Vài tháng trước, chị Ny vẫn đang là công nhân một công ty chuyên về suất ăn công nghiệp. Rồi giờ làm liên tục bị giảm, chị gửi đơn xin nghỉ, giảm bớt gánh nặng cho công ty. Vốn mê kinh doanh, chị Ny đánh liều đầu tư hơn trăm triệu mở quán.

Ngày nào may mắn cũng bán được cỡ 7 triệu đồng tiền hàng. Có tiền, chị Ny lại nhập thêm hàng bù vào để đa dạng nguồn hàng. "Mở quán cũng áp lực vì phải liên tục nhập hàng, vậy khách mới ghé mua lâu dài. So với làm công ty, làm "bà chủ" đỡ hơn, mình chủ động được nhiều việc, chẳng phải chạy theo ai", chị Ny cười.

Rời phố về quê

Hơn một tháng rời TP.HCM về Trà Vinh, vợ chồng anh chị Lâm - Liên cho biết đã dần ổn định. Qua điện thoại, hai vợ chồng nói chắc kết thúc đời công nhân luôn sau gần 20 năm vì đã quyết định sẽ "cắm đô" ở quê, không lên TP nữa.

Thời trẻ anh chị rời quê lên Sài Gòn mong thoát khỏi công việc nuôi trồng, làm nông tối ngày dầm mưa dãi nắng của cha ông bấy lâu. Như bao người rời quê, anh chị cũng hy vọng về một tương lai tươi sáng, dễ thở hơn. Mọi thứ vẫn đang suôn sẻ cho đến khi đùng một cái thất nghiệp.

Gần 90 triệu đồng công ty hỗ trợ nghỉ việc là tất cả gia tài mà hai vợ chồng lận lưng cho lần hồi hương này. Nhưng với nhiêu đó cũng khó lòng kinh doanh gì. Sẵn nhà còn ba công ruộng, hai vợ chồng bàn nhau, quyết định cải tạo lại, đầu tư làm thành ao nuôi tôm.

Là con nhà nông chính tông chứ để kiếm lời từ con tôm ở thời điểm hiện tại không dễ. Gặp thời tiết lúc này hay thay đổi thất thường, ngày càng có vẻ khắc nghiệt hơn khiến anh Lâm cũng nơm nớp lo.

Chưa kể đầu tư làm ao nuôi tôm cũng ngốn chi phí ban đầu khá cao, rồi chuyện thức ăn tăng giá chóng mặt nhưng giá thu mua tôm lại rẻ bèo... "Nhưng chắc chắn sẽ có cách, nhiều người vẫn sống được ở quê thì mình cũng sẽ làm được và tin vào công việc hiện tại đang làm, chỉ cần nỗ lực thêm chút nữa", anh Lâm nói.

Không dễ kinh doanh

Chị Hương (quê Quảng Bình) chia sẻ khi thôi việc ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, chị bắt đầu tập tành bán trà sữa. Đầu tiên là xin vào một tiệm trà sữa học việc với phí 3 triệu đồng. Sau một tháng học cách pha chế, đun nấu, chị thuê một gian trọ nhỏ sát bờ kênh 19-5 (quận Tân Phú) bắt đầu mở quán.

Mỗi tháng, tiền thuê mặt bằng hết 5,5 triệu đồng. Chị Hương đầu tư mua bàn ghế, ly chén, nhập thêm bánh tráng trộn, đồ ăn vặt... bán kèm. Tính sơ sơ ngót nghét 50 triệu đồng, cũng là toàn bộ số tiền trợ cấp thôi việc chị được công ty hỗ trợ đợt rồi, xem như toàn bộ gia tài có được.

Hết tháng đầu khai trương, doanh thu tiệm trà sữa được 15 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, xem như có ít tiền công. Nhưng càng về sau, doanh thu cứ liên tiếp sụt giảm. Có tháng bán đủ 30 ngày nhưng tiền thu vào không đủ trả tiền mặt bằng.

"Đến tháng thứ tư, tôi phải gọi chủ nhà xin trả lại mặt bằng. Chiếc xe đẩy, tủ kính cùng mớ đồ đạc dù chấp nhận bán lỗ vẫn chưa thanh lý được. Kinh doanh thời này đúng là chuyện không dễ", chị Hương tâm sự.

Không thất nghiệp nhưng chẳng có việc làmKhông thất nghiệp nhưng chẳng có việc làm

TTCT - Có lẽ, hầu hết mọi người thường có ít nhất một đồng nghiệp mà họ vô cùng thắc mắc: "Rốt cuộc ông bà này làm gì ở công ty vậy".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên