13/11/2024 09:01 GMT+7

Xoay chuyển tình thế với các dự án hạ tầng lớn

Đại biểu Quốc hội hỏi phát triển đất nước ưu tiên cho cái gì, Thủ tướng nói ngoài thể chế, phân cấp phân quyền thì sẽ ưu tiên cho tăng trưởng.

Xoay chuyển tình thế với các dự án hạ tầng lớn - Ảnh 1.

Công trình nhà ga hành khách - trái tim của sân bay Long Thành - đã hoàn thành toàn bộ phần bê tông cốt thép cột, dầm sàn 4 lầu - Ảnh: A LỘC

Ngày 12-11, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngay sau phần chất vấn của ba bộ trưởng trong hai ngày 11 và 12-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Sẽ tập trung cải cách thể chế gắn phân cấp phân quyền với quan điểm nhất quán không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính và không quản được thì cấm để huy động nguồn lực và mở ra không gian phát triển sáng tạo cho người dân, doanh nghiệp".

Phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp với những cam kết mạnh mẽ trong chỉ đạo, quản lý, điều hành; đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành với tinh thần nói đi đôi với làm và làm ngay, có giải pháp mới để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Chủ tịch Quốc hội TRẦN THANH MẪN
Xoay chuyển tình thế với các dự án hạ tầng lớn - Ảnh 2.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Ba ưu tiên cho phát triển

Mở đầu phiên chất vấn, Thủ tướng khẳng định Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng khoa học công nghệ, chấp nhận rủi ro và kiên trì trong hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo...

Đại biểu sau đó nêu thẳng việc phân cấp phân quyền vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và hỏi Thủ tướng giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phân cấp phân quyền giữa Chính phủ với các bộ ngành, địa phương. Đại biểu khác đề nghị Thủ tướng làm rõ những điểm nhấn quan trọng nhất trong thời gian tới.

Trả lời, Thủ tướng nhấn mạnh ba lựa chọn ưu tiên: cải cách thể chế, phân cấp phân quyền và tăng trưởng. "Tháo gỡ các vướng mắc về thể chế sẽ giúp huy động các nguồn lực cho đất nước, khi tới đây chúng ta thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược. Để làm được phải có nguồn lực, vì nếu tăng trưởng bình bình 6 - 7% sẽ khó đạt được mục tiêu.

Do đó phải ưu tiên tăng trưởng, tháo gỡ thể chế để huy động nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, xã hội và nguồn lực hợp tác công tư, nguồn lực đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cụ thể giải pháp làm thành công các dự án quan trọng quốc gia, theo Thủ tướng, việc thực hiện các dự án hạ tầng lớn gồm sân bay, đường cao tốc, dự án năng lượng, điện hạt nhân... sẽ giúp chúng ta tháo gỡ được các điểm nghẽn cho phát triển, tạo động lực trăng trưởng, là xu thế mới của phát triển. Đó sẽ là những công trình mang tính "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái" chứ không thể "bình bình" như hiện nay.

Vì vậy, ông nhấn mạnh cần phải hoàn thiện thể chế, cơ chế huy động các nguồn lực gồm nguồn lực trong nước, nguồn lực của Nhà nước, địa phương, hợp tác công tư, đi vay... để thực hiện các dự án.

Xoay chuyển tình thế với các dự án hạ tầng lớn - Ảnh 3.

Thủ tướng trả lời chất vấn - Ảnh: GIA HÂN

Xử lý dự án tồn đọng

Một nguồn lực lớn đang "bỏ hoang phí", theo đại biểu, là một số dự án tồn đọng và tổ chức tín dụng yếu kém vẫn chưa được xử lý và đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân, giải pháp. Thủ tướng cho hay Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ nỗ lực xử lý và đến nay 12 đại dự án tồn đọng kéo dài cơ bản đã xin chủ trương xử lý, giải quyết sau khi rà soát và đánh giá.

Chính phủ thực hiện đúng chức năng, quyền hạn, báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền xin ý kiến Quốc hội.

Theo Thủ tướng, kinh nghiệm này sẽ vận dụng cho các dự án còn lại, rà soát lại còn dự án nào tương tự sẽ xử lý với tinh thần tôn trọng hiện tại. "Thất thoát, mất mát rồi, ai vi phạm xử lý rồi, còn nếu thực hiện theo pháp luật sẽ vướng, nên phải tiếp tục tháo gỡ vướng mắc pháp luật. Với hướng như vậy ta sẽ xử lý được, như tinh thần xử lý 12 dự án thì sẽ xử lý đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, dự án khí Lô B, nhiệt điện Thái Bình 2.

Chúng ta phải tôn trọng thực tại, tôn trọng cái đã vỡ rồi thì không thể lành được, phải chịu sự mất mát, hàn gắn rồi thì cũng thành sẹo, từ đó cho cơ chế chính sách để xử lý", Thủ tướng nói.

Ông nhấn mạnh tới đây sẽ khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật. Đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

Xoay chuyển tình thế với các dự án hạ tầng lớn - Ảnh 4.

Đầu tư công nghệ giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh hơn trên thị trường - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Báo chí Cách mạng thì Cách mạng phải nuôi"

Sáng 12-11, vấn đề về quản lý hoạt động báo chí cũng đã được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Một số đại biểu hỏi về giải pháp thúc đẩy kinh tế báo chí, để các cơ quan báo chí sống được và cạnh tranh với mạng xã hội. Về thúc đẩy kinh tế báo chí, ông Hùng nêu lại quan điểm "Báo chí Cách mạng thì Cách mạng phải nuôi".

Vì vậy, trong chỉ thị Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách, yêu cầu các bộ ngành và chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình, có bộ máy, kế hoạch và ngân sách hằng năm đưa thông tin. Vì vậy từ năm trước các cấp chính quyền và bộ ngành tăng ngân sách cho báo chí.

Ngoài ra trong sửa luật báo chí sắp tới, ông Hùng cho hay sẽ có mục nói về kinh tế báo chí, cho phép một số đơn vị báo chí lớn kinh doanh về nội dung, xung quanh lĩnh vực truyền thông, kinh doanh để làm báo.

Cùng với đó là tạo điều kiện cho nhiều cơ quan báo chí chủ lực trên cơ sở giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù cho nhóm này.

Đại biểu HỒ THỊ MINH (Quảng Trị):

Quyết liệt tinh gọn bộ máy

Một số bộ ngành khẳng định nếu tinh giản vài ba chục cán bộ vẫn có thể hoạt động thông suốt, vậy tại sao chúng ta không quyết liệt làm ngay sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo. Thời gian qua, có một số nơi đã tinh giản cơ học theo kiểu cán bộ nghỉ hưu và không tuyển dụng mới.

Vì vậy, để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng như để đảm bảo việc tinh giản đạt hiệu quả cần rà soát và cơ chế phù hợp đối với đối tượng thuộc diện tinh giản. Cùng với đó có tiêu chí cụ thể đánh giá cán bộ để làm cơ sở thực hiện tinh giản đúng đối tượng, đảm bảo tinh gọn cả bộ máy và nhân lực.

Các chỉ tiêu năm 2025 được Quốc hội thông qua

* Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6,5 - 7% và phấn đấu 7 - 7,5%.

* GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD.

* Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%.

* Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4,5%.

* Tỉ lệ lao động qua đào tạo 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 29 - 29,5%.

* Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

* Tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 0,8 - 1%.

* Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 15 bác sĩ. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 34,5 giường bệnh.

Xoay chuyển tình thế với các dự án hạ tầng lớn - Ảnh 5.Quốc hội 'chốt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt khoảng 4.900 USD

Theo nghị quyết được thông qua, Quốc hội quyết nghị mục tiêu năm 2025, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu 7 - 7,5%.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên