02/05/2019 10:33 GMT+7

Xóa rào cản để kinh tế tư nhân bứt phá

LÊ THANH - ÁNH HỒNG - TRẦN MẠNH - TIẾN THẮNG
LÊ THANH - ÁNH HỒNG - TRẦN MẠNH - TIẾN THẮNG

TTO - Ngày 2 và 3-5, Ban Kinh tế trung ương và Văn phòng Chính phủ đồng tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân năm 2019. Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá lại sau gần 2 năm thực hiện nghị quyết trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân.

Xóa rào cản để kinh tế tư nhân bứt phá - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH cơ điện Minh Khoa, huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong báo cáo đánh giá 2 năm thực hiện nghị quyết 10, Ban Kinh tế trung ương nhận định nghị quyết đã thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh hơn và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, nhất là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư, tăng thu ngân, tạo việc làm, cải thiện an sinh xã hội...

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ vẫn còn rất nhiều nút thắt gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN), trong đó có khu vực kinh tế tư nhân.

Đối thoại trực tiếp để gỡ nút thắt

Một trong những hoạt động trọng tâm tại Diễn đàn kinh tế tư nhân năm 2019 là phiên đối thoại cấp cao giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình với hơn 500 DN tư nhân của cả nước về chủ trương, đường lối của Đảng, của Chính phủ trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho cộng đồng DN tư nhân phát triển. 

Đồng thời những vấn đề, nội dung vướng mắc cụ thể về chính sách thuế, hải quan, đất đai, khoa học... mà DN tư nhân đang gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ được DN đối thoại trực tiếp với bộ trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm tháo gỡ những nút thắt, rào cản để kinh tế tư nhân bứt phá, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Diễn đàn còn có 6 hội thảo với chủ đề rất nóng mà DN đặc biệt quan tâm như: Hoàn thiện thể chế và các điều kiện nền tảng để phát triển kinh tế số tại Việt Nam; Khơi thông dòng vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội; Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế; Các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: nút thắt và các khuyến nghị...

Ngoài hơn 500 DN tư nhân, dự kiến có khoảng 1.500 đại biểu là đại diện các địa phương, bộ ngành, nhà khoa học, chuyên gia... tham dự sự kiện này.

Xóa rào cản để kinh tế tư nhân bứt phá - Ảnh 2.

Công nhân sản xuất tại Công ty Lập Phúc, Q.7, TP.HCM, công ty chuyên sản xuất khuôn mẫu và sản phẩm nhựa kỹ thuật cao cho các ngành điện & điện tử, cáp quang, y tế, bàn chải đánh răng... - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mất 1-3 tháng mới hoàn tất thủ tục

Theo báo cáo đánh giá 2 năm thực hiện nghị quyết 10, chỉ số gia nhập thị trường dù có cải thiện nhưng vẫn đang là vấn đề lớn với nhiều DN, khi năm 2018 có 18% DN cho biết phải chờ hơn một tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục nhằm chính thức đi vào hoạt động, 3,5% DN phải chờ hơn 3 tháng. 

Hay theo Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018 (PCI), có đến 34% DN cho biết gặp khó khăn để xin được các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện; 30% DN phải mất thời gian chờ đợi để nhận được giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy.

Mặt khác, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử rất lớn đối với các DN dân doanh khi có đến 39,5% DN cho biết "tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực kinh tế tư nhân". Địa phương ưu ái các DN có phần vốn đầu tư nhà nước hoặc DN FDI trong thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai.

Ban Kinh tế trung ương đã liệt kê một loạt vấn đề cần tập trung xử lý ngay trong thời gian tới để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển. 

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 104/190 quốc gia, vùng lãnh thổ với 8 thủ tục để thành lập doanh nghiệp, trong khi đó Singapore và Hong Kong chỉ có 2 thủ tục; Brunei và Đài Loan có 3 thủ tục; Thái Lan có 5 thủ tục. Để hoàn tất 8 thủ tục, DN của chúng ta phải mất 17 ngày, còn Singapore và Hong Kong mất 1,5 ngày; Thái Lan 4,5 ngày; Brunei 5 ngày; Trung Quốc 8,6 ngày.

Còn thủ tục nộp thuế của Việt Nam xếp thứ 131/190 quốc gia, vùng lãnh thổ với 10 lần nộp/năm và thời gian mất 498 giờ/năm. Trong khi số lần nộp thuế tại Hong Kong chỉ 3 lần; Singapore và Brunei 5 lần và chi phí thời gian chỉ bằng 8 - 40% so với chúng ta. 

Thương mại qua biên giới đứng thứ 100/190 quốc gia với 55 giờ kiểm tra thông quan xuất khẩu và 56 giờ kiểm tra thông quan nhập khẩu, trong khi Singapore là 10 giờ và 33 giờ, Đài Loan 17 giờ và 47 giờ, Trung Quốc 25,9 giờ và 48 giờ, Malaysia 28 giờ và 36 giờ.

Xóa rào cản để kinh tế tư nhân bứt phá - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: V.CƯỜNG

Đóng góp hơn 42% GDP

Trong báo cáo đánh giá sau gần 2 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ DN, Ban Kinh tế trung ương nhấn mạnh kinh tế tư nhân bước đầu có sự phát triển mạnh mẽ hơn cả về số lượng và chất lượng, từng bước khẳng định vai trò quan trọng của nền kinh tế.

Điểm ấn tượng nhất là kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên.

Tính đến năm 2018, ước tính kinh tế tư nhân đóng góp 42,1% GDP. Trong 2 năm 2017-2018, vốn đầu tư của kinh tế tư nhân tăng trưởng lần lượt 17,1% và 18,5% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 11-12%/năm.

Theo đó, tỉ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh như năm 2017 và 2018 đạt lần lượt là 40,6% và 43,27%.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo:

Cần bình đẳng giữa các thành phần kinh tế

Thời gian qua chúng ta đã đặt ra mục tiêu làm sao để kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế, tuy nhiên muốn được như vậy phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, xóa bỏ mọi định kiến, rào cản để thành phần kinh tế này phát triển.

Theo tôi, điều này phải được đưa vào luật và có biện pháp chế tài với các bộ, ngành đi ngược lại tinh thần đó. Ngoài ra, ngoại trừ những ngành đặc thù, không nên duy trì những cơ chế quá ưu đãi cho DN nhà nước mà cần có sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Có như vậy mới kích thích kinh tế tư nhân phát triển, tạo ra động lực tăng trưởng mới, phát huy được lực lượng lao động trẻ, năng động, sáng tạo, có tinh thần khởi nghiệp.

Ông Trần Việt Anh (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Nên tháo gỡ rào cản về vốn cho doanh nghiệp

Hiện nay, DN nhỏ và vừa khi ký kết hợp đồng tín dụng thường phải đưa tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay, thậm chí chủ DN còn phải đưa tài sản của gia đình, của vợ con ra thế chấp. Do đó, các DN rất cần ngân hàng làm sao để nâng hoạt động cho vay tín chấp, xét trên các yếu tố của hoạt động DN như dòng tiền, dự án...

Ngân hàng không nên nhất nhất yêu cầu DN nhỏ và vừa phải có thế chấp, mà cần thay đổi để có cơ chế thoáng hơn. Bởi thực tế việc được vay tín chấp đối với DN nhỏ và vừa hiện tại đang quá khó, trong khi đó họ lại là nhóm DN yếu về tài sản, về thủ tục hành chính, rất cần được hỗ trợ.

Ngân hàng cũng không nên xa cách DN quá nhỏ. Hiện tại, nhiều DN quá nhỏ rất thiếu tự tin khi tiếp cận ngân hàng.

Ông Nguyễn Đức Thanh (nguyên chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam - Vinacas)

Có chính sách bảo vệ ngành sản xuất trong nước

DN sản xuất và xuất khẩu điều nhân Việt Nam đang thua ngay trên sân nhà. Chỉ có một phân khúc mà DN Việt Nam đang có lợi thế đó chính là sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng, cụ thể là mặt hàng hạt điều rang muối. Đây là thị trường đang có sự phát triển rất nhanh không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu.

Tuy nhiên, các DN FDI sau khi chiếm lĩnh thị trường điều nhân sống cũng bắt đầu nhòm ngó đến thị trường này. Nếu không có những chính sách hỗ trợ DN trong nước, hạn chế các DN nước ngoài thì ngành điều Việt Nam sẽ phụ thuộc vào nhóm các DN FDI.

Đó sẽ là một kết thúc buồn cho cộng đồng DN trong nước đã nỗ lực 30 năm qua để đưa ngành chế biến và xuất khẩu hạt điều của Việt Nam dẫn đầu thế giới 13 năm liên tục.

Ông Phùng Văn Hiền (giám đốc Công ty GFF, Bến Tre):

Gói tín dụng riêng cho doanh nghiệp nông nghiệp

Những năm qua Chính phủ đã nói nhiều về các gói tín dụng cho nông nghiệp nhưng thực tế các DN nhỏ, hợp tác xã hay nông dân hầu như không thể tiếp cận các chính sách này.

Thay vào đó, chỉ có những DN quy mô lớn tiếp cận được. Bởi vì các ngân hàng không có sự phân biệt giữa DN vay nông nghiệp hay các ngành nghề khác, do đó họ vẫn yêu cầu phải có tài sản thế chấp mới được vay.

Trong khi đó, DN nông nghiệp đa số là quy mô nhỏ và rất nhỏ, tài sản không có hoặc rất ít, chủ yếu là đất nông nghiệp nhưng được định giá rất thấp so với giá thị trường.

DN đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng để trồng trọt, chăn nuôi như cải tạo đất, hệ thống nhà lưới, kho bãi... rất tốn kém nhưng những khoản đầu tư đó lại không được tính vào như tài sản thế chấp.

Do đó, việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất với DN nông nghiệp vẫn là chính sách xa vời và những cơ hội bị bỏ lỡ đáng tiếc.

Ông Nguyễn Văn Bình (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư

Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế trung ương):

Chúng ta có giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mới góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.

Để tạo dựng môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, một trong những nội dung quan trọng cần làm là đảm bảo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, xây dựng được một kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ phát triển, đặc biệt là phải xây dựng các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư tư nhân tham gia.

Cụ thể, chúng ta phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai, nguồn vốn, lao động, khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch VCCI):

Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và có những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, trong tương quan so sánh với khu vực và thế giới thì môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam còn khá nhiều bất cập, vẫn chưa thật sự thuận tiện, thiếu tính an toàn, thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà, chi phí chính thức và không chính thức vẫn còn rất lớn.

Việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn mang tính hình thức, đối phó. Điều này đã và đang làm cản trở những nỗ lực cải cách của chúng ta.

Và một bất cập nữa vẫn tồn tại trong thời gian qua mà chúng ta chưa giải quyết được là hệ thống thiết chế pháp lý. Doanh nghiệp không thể có những hoạt động đầu tư kinh doanh thuận lợi và an toàn khi mà hệ thống thiết chế pháp lý vẫn đang kém hiệu quả.

Muốn "thực chất" cần nhìn thẳng vào thực trạng doanh nghiệp

taquyetthang

Doanh nhân Tạ Quyết Thắng, tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường, Hải Phòng - Ảnh: T.THẮNG

Đó là quan điểm của ông Tạ Quyết Thắng, tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường.

Theo ông Thắng, Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 được tổ chức là một chủ trương đúng đắn, nhưng để diễn đàn đạt được kết quả thực sự lại là điều vô cùng khó. Cái khó là bởi những thông tin thu thập được thường không chính xác, thậm chí lệch nhau đến 180 độ. Ví dụ điển hình nhất như tình trạng nhiều doanh nghiệp tư nhân hiện nay đang trong tình cảnh "sống dở chết dở", đây là thực chất nhưng không ai dám đưa ra ý kiến này.

"Nếu chúng ta vẫn không dám công khai sự thật sẽ không có thuốc đặc hiệu để chữa và diễn đàn dễ đi theo con đường mòn là được về mặt hình thức, nhưng cái cốt lõi nội dung cũng như mục tiêu vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh" - ông Thắng nhận định.

Theo ông Thắng, sự thật nhiều doanh nghiệp tư nhân hiện nay gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu nằm ở hệ thống pháp luật không phù hợp, sinh ra rất nhiều bất cập. Từ luật, nghị định đến các thông tư, rất nhiều văn bản nhưng ẩn chứa quá nhiều mâu thuẫn để rồi không có tính khả thi trong thực tiễn cuộc sống, khiến các doanh nghiệp ngày càng bị trói buộc vào các văn bản, không còn khả năng hoạt động, các ý tưởng bị bóp chết nên không thể phát triển được.

"Chúng ta đánh giá thấp vai trò, tác dụng của các văn bản pháp quy cho sự phát triển của các doanh nghiệp nên khi ban hành thường chỉ đi theo một chiều, không hội tụ đủ các yếu tố khách quan và mất hẳn tính khoa học là yếu tố bắt buộc" - ông Thắng nêu.

Ông Thắng hình dung mỗi văn bản pháp luật như là một chiếc băng tải giúp hoạch định hành lang pháp lý và là những con trượt cho động lực phát triển. Mỗi một băng tải có kích cỡ và tốc độ khác nhau (đặc trưng cho từng lĩnh vực khác nhau), hàng loạt hệ thống băng tải đó cùng hoạt động mà không cái nào ảnh hưởng đến cái nào, ngược lại nó còn tương tác cho nhau phát triển.

dn3

Sản xuất tại Công ty cơ khí Duy Khanh, Q.Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Tạ Quyết Thắng (66 tuổi, TP Hải Phòng) từng công tác trong ngành công an và nguyên là chủ nhiệm một hợp tác xã rau nổi tiếng tại huyện An Dương.

Ông được nhiều người biết đến bởi thường xuyên có những phản biện và cách làm táo bạo, quyết liệt.

Điển hình trong năm 2012, khi Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án cảng nước sâu Lạch Huyện tại TP Hải Phòng với nguồn kinh phí ODA lên tới 30.000 tỉ đồng, ông Thắng đã tự làm hồ sơ chi tiết, khoa học để phản biện, cho rằng dự án cảng Lạch Huyện chỉ tốn khoảng 18.000 tỉ đồng và có thể huy động nguồn vốn xã hội hóa.

Ông đã nhiều lần viết "tâm thư" gửi bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khi đó là ông Đinh La Thăng nhưng không có kết quả.

Sau nhiều lần đối thoại, phương án của ông vẫn không được chấp nhận.

Công ty TNHH Sơn Trường có trụ sở chính trên đường Hùng Vương, phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, được ông Thắng xây dựng từ hai bàn tay trắng.

Đến nay, công ty đã có 28 năm xây dựng và phát triển. Tại TP Hải Phòng, Công ty TNHH Sơn Trường đã xây tặng địa phương hai công trình tiêu biểu gồm: cầu Tam Bạc trị giá gần 80 tỉ đồng với thời gian thi công kỷ lục khi chỉ mất 50 ngày và công trình xây dựng Trường tiểu học Nam Sơn, huyện An Dương trị giá khoảng 20 tỉ đồng với thời gian thi công 30 ngày.

Tháng 11-2018, doanh nhân Tạ Quyết Thắng gửi thư ngỏ đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói về những "đoạn trường" khi qua các cửa ải thủ tục hành chính của một doanh nghiệp.

Báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân trình Chính phủ

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã có báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp gửi Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.

LÊ THANH - ÁNH HỒNG - TRẦN MẠNH - TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên