05/08/2024 06:18 GMT+7

Xơ mướp đi... Tây giá cao không tưởng

Trái mướp giờ không còn bèo bọt trên sạp rau chợ và bị giễu 'nghèo như xơ mướp' mà đã được nhiều người chuyển sang bán xơ, trở thành sản phẩm handmade thân thiện môi trường, thậm chí xuất đi nước ngoài để thu về đô la.

Xơ mướp đi... Tây giá cao không tưởng- Ảnh 1.

Sản phẩm handmade xơ mướp được treo mặt tiền sạp chị Hợp trong chợ Tân Định - Ảnh: AN VI

Ghé những khu chợ, không khó để bắt gặp hình ảnh xơ mướp được các tiểu thương xâu thành chuỗi treo trên các sạp hàng. Hay khi gõ từ khóa "xơ mướp" trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm này sẽ hiện ra với đủ hình dạng ngộ nghĩnh có giá trị cao.

Từ thứ cho không ai lấy

Tìm về xã Nghĩa Trung (huyện Bù Đăng, Bình Phước), nơi xơ mướp đã gắn liền với nếp sinh hoạt của đồng bào S'tiêng từ thời nảo thời nao. Họ dùng xơ mướp làm cây gãi lưng, miếng chùi nồi, lót nồi, mà nhiều nhất là trở thành "bảo bối" kỳ cọ rất êm khi tắm.

Mướp khô nếu chưa lột vỏ thì giữ bền bao lâu cũng được, miễn tránh ẩm ướt, khói lửa. Khi dùng chỉ cần tách vỏ và hạt, ngâm nước qua đêm cho mềm là liền trở thành một sản phẩm đa năng.

Xơ mướp có kết cấu rất thú vị, mướp khi khô vỏ bám chặt, khó lột. Bên trong chứa nhiều hạt, phần xơ lại cực kỳ thô ráp. Nhưng sau khi sơ chế, nhúng vào nước lại trở nên mềm mại lạ thường.

Chị Điểu Thị Lai (43 tuổi, ngụ huyện Bù Đăng, Bình Phước) cho biết so với những miếng rửa chén hay bông tắm làm từ nhựa mà chị thường mua thì xơ mướp dùng được lâu hơn nhiều. "Mình xài xong thì cứ vắt lên đó, nó ráo nước sẽ cứng lại, xài cả nửa năm trời mới phải thay vì ố màu", chị Lai tấm tắc khen.

Trong nhà chị Lai, xơ mướp được treo lủng lẳng ngay sàn nước, trước khi dùng chị nhúng chúng vào thau bóp mấy cái cho thấm nước và xà bông. Món đồ tự nhiên này rửa sạch, tắm êm chẳng kém gì những miếng bông tắm sặc sỡ trong siêu thị.

Đa năng, bền bỉ là vậy nhưng theo chị Lai, xơ mướp ở đây không phải là sản vật gì quý, người ta cho nhau về xài, thậm chí nhiều quá dùng không hết còn phải vứt đi. "Mấy nhà ở đây thường rải hạt mướp để lấy trái nấu canh, nếu già thì đợi khô cất để dành chùi nồi hoặc tắm rửa. Có lúc nhiều trái quá cứ để nó chết héo trên dây", chị Lai kể.

Xơ mướp đi... Tây giá cao không tưởng- Ảnh 2.

Vườn mướp khô xuất khẩu của anh Tiến xuất đi khoảng 500kg mướp khô mỗi vụ - Ảnh: AN VI

Nhiều nhất vẫn là khách du lịch nước ngoài, họ đi ngang tò mò hỏi mình, thấy có nhiều công dụng và thân thiện với môi trường là họ mua ngay. Mỗi đoàn mua từ vài cái đến cả chục cái, có khi vừa lấy hàng về được tuần là hết sạch.

Chị Lưu Thị Kim Hợp

Xơ mướp lên sạp hàng handmade

Người dùng không hết, người tìm chẳng ra là hoàn cảnh của bà Trương Thị Ánh Hồng (50 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM). Bà Hồng có thâm niên bán xơ mướp đã gần chục năm ở các khu chợ lớn tại TP.HCM.

Theo lời kể của bà, lượng xơ mướp bà bán ban đầu chỉ vài chục cái, giờ đây đã lên tới hàng trăm, có thời điểm nhiều người đặt mua phải thuê xe tải mới đủ chở giao cho mối.

Trước đây xơ mướp chủ yếu được bà gom từ nhà người quen ở Long An lên bán, sau khi sơ chế giá giao mối dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/cái. Mặt hàng được chuộng khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng không đủ đáp ứng, bà bắt đầu tìm về khu vực Long Khánh (Đồng Nai), Cần Đước (Long An) và nhiều tỉnh miền Tây để thu mua thêm xơ mướp.

"Tìm chỗ mua xơ mướp cũng gian nan lắm, đa phần mỗi nhà chỉ trồng vài dây, nếu trồng nhiều thì cũng để bán trái tươi chứ ít ai dám đợi khô để bán xơ vì họ còn lạ. Chưa kể nếu để trái mướp khô thành xơ đồng nghĩa với việc dây đó sẽ không cho thêm trái được nữa nên người nông dân ít dám bán loại này", bà Hồng lý giải.

Cầm những cái xơ mướp, người phụ nữ tỉ mỉ giới thiệu những quả dài trên 25cm, có xơ dày, hình khối dài to được xếp vào loại nhất. Quả dưới 25cm, xơ mỏng thường sẽ xếp loại 2 với giá bán thấp hơn. Với những cái bị biến dạng khi vận chuyển hay ngả màu do để lâu ngày, bà Hồng bỏ vì mối không nhận.

Theo chân bà Hồng tới giao hơn 50 cái xơ mướp cho một mối quen trong chợ Tân Định (quận 1), vừa vào lồng chợ bà đi thẳng một lèo tới sạp số 666 do chị Lưu Thị Kim Hợp (34 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) làm chủ.

Thấy bà Hồng chỉ xách có mấy chục cái xơ mướp, bà chủ sạp lắc đầu ngao ngán "Gì mà ít dữ vậy?". Bà Hồng giải thích đợt này mới qua mùa nắng, nguồn xơ mướp ít mà mối cũng hối nhiều nên giờ chỉ còn bấy nhiêu. Kiểm tra sơ, chị Hợp xỏ dây vào giữa những ruột mướp rồi treo lên ngay đầu sạp.

Xơ mướp đi... Tây giá cao không tưởng- Ảnh 3.

Xơ mướp được sản xuất thành nhiều loại đồ gia dụng xuất khẩu - Ảnh: AN VI

Và xuất khẩu đi Nhật, Hàn...

Trước đó hơn nửa tháng, chị Hợp vừa bán hết sạch gần 50 cái xơ mướp. Trong đó có hai đoàn khách nước ngoài tham quan chợ mua về dùng thử hơn một nửa.

Chẳng cần nói chi xa, ngồi trò chuyện với chị Hợp, tôi thấy chục ông Tây đi ngang thì hết tám ông đứng ngó nghiêng, sờ thử dàn xơ mướp mà bà chủ sạp trưng bày. "Có nhỏ con gái ở đây phụ thì hay lắm, nó biết tiếng Anh, đứng giải thích cho mấy ổng một hồi là thế nào cũng tò mò mua về dùng thử", chị Hợp cười khúc khích.

Số lượng xơ mướp bay sang nước ngoài đâu chỉ đôi mươi quả, tôi tìm tới vườn của anh Nguyễn Văn Tiến (34 tuổi, ngụ thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) - nơi cung cấp khoảng 500kg mướp khô mỗi vụ xuất đi nước ngoài.

Nhìn giàn mướp thiếu sức sống như bị "bỏ phế" nhưng thực tế vườn anh Tiến lúc nào cũng có ba công nhân làm cỏ, bón phân và thăm trái liên tục. Có thể nói trồng rồi chờ cho trái mướp khô như vậy còn cực hơn bán trái tươi.

Hiện tại vườn anh Tiến đang liên kết với đối tác ở Gia Lai, 3ha mướp của anh sẽ cung cấp nguyên liệu quanh năm để sơ chế và tạo hình thành các mặt hàng xuất khẩu như bông tắm, miếng rửa chén bát, miếng lót giày...

Theo chia sẻ của anh Tiến, thị trường đang chuộng mặt hàng này nhiều nhất là Hàn Quốc. "Bên đó người ta thích sử dụng sản phẩm gia dụng là đồ handmade, đặc biệt từ những nguyên liệu tự nhiên như xơ mướp. Ban đầu họ chỉ mua vài cái về vì thấy lạ, nhưng giờ đã đặt hàng mỗi chuyến vài trăm ký", anh Tiến nói thêm.

Ngoài xứ kim chi, xơ mướp anh Tiến còn đi Nhật, Mỹ và một số nước châu Âu - những thị trường có nhiều quy định hết sức khắt khe, nhất là về tồn dư của phân và thuốc sử dụng trong quá trình chăm sóc.

Về thu nhập, người đàn ông cho biết mỗi vụ lãi khoảng 25 - 30 triệu đồng/ha. Bình quân mỗi năm nếu đối tác thu mua đều đặn anh kiếm về khoảng 300 triệu từ 3ha mướp.

Còn anh Nguyễn Hoàng Long, chủ một cơ sở sơ chế xơ mướp ở huyện Củ Chi (TP.HCM), cho hay anh đã bắt đầu có đối tác nước ngoài được hai năm trở lại đây. Cơ sở của anh đã tạo được nhiều sản phẩm từ xơ mướp, nổi bật là dòng sản phẩm bông tắm được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Sản phẩm cũng đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao.

Ngoài các đơn hàng được đối tác đặt, nhiều khách Tây tìm đến sản phẩm của anh Long qua fanpage và các sàn thương mại điện tử. Anh cho biết sắp tới sẽ đẩy mạnh quảng bá online và tìm thêm những đối tác lớn để xơ mướp có thể đi xa hơn.

Trái mướp không còn bị miệng đời giễu "nghèo như xơ mướp" nữa mà đang mở ra nhiều tiềm năng làm giàu cho nông dân...

"Trung bình các sản phẩm dao động từ 30.000 - 60.000 đồng, còn đi nước ngoài thì tôi đầu tư thêm cái bao bì hai thứ tiếng rồi bán 3 - 5 USD/sản phẩm" - anh Nguyễn Hoàng Long vui vẻ.

Anh cho biết thêm ban đầu chỉ nhận sơ chế để cung cấp cho một số cơ sở spa trên địa bàn TP, đến nay anh cung cấp tới 3.000 - 5.000 sản phẩm đi nước ngoài mỗi tháng, trong đó có hơn một nửa là đi Hàn Quốc và châu Âu.

Trung bình mỗi năm xưởng anh xuất khẩu từ 3 - 5 đơn hàng sang thị trường nước ngoài với trị giá từ 30.000 - 40.000 USD/đơn.

Nhóm bạn trẻ xuất khẩu xơ mướp đi Nhật, Hàn giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệpNhóm bạn trẻ xuất khẩu xơ mướp đi Nhật, Hàn giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp

Từ xơ mướp tưởng chừng như bỏ đi, một nhóm bạn trẻ đã tạo ra hàng loạt sản phẩm như đồ chơi cho thú cưng, đồ dùng chùi rửa nhà bếp, bông tắm… xuất khẩu đi Nhật, Hàn. Những sản phẩm này giúp dự án đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên