Công nhân Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) tan ca vào chiều 3-11 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Từ thông tin trên mạng xã hội, chúng tôi liên hệ qua điện thoại của một công ty chuyên ngành may mặc - sản xuất và buôn bán trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM).
Cần giấy xét nghiệm, kinh nghiệm tính sau
Nghe chúng tôi nêu nguyện vọng làm công nhân may vì "chỗ làm cũ đóng cửa, mất việc 5 tháng nay", đầu dây bên kia xưng là người ở phòng nhân sự của công ty lập tức hỏi chúng tôi đã tiêm vắc xin chưa, tiếp đó mới là các câu hỏi về kinh nghiệm, trình độ học vấn, nơi làm việc trước đây.
"Công ty đang có nhu cầu tuyển nhiều lao động cả nam lẫn nữ, nhưng vì dịch bệnh nên khâu tuyển dụng phải được thực hiện kỹ hơn. Yếu tố đầu tiên là phải được tiêm vắc xin rồi mới đến các thứ khác, đang mùa dịch nên tụi anh không nhận đại trà được. Trước khi đến phỏng vấn, em phải có "thẻ xanh" và giấy xét nghiệm COVID-19 còn thời hạn" - người này nói và dặn chúng tôi "nếu có bạn bè đang thất nghiệp, muốn làm công nhân thì cứ giới thiệu đến phỏng vấn chung luôn".
Trong khi đó, một công ty ở quận 12 cũng đăng tin tuyển 100 nam/nữ lao động phổ thông phụ việc dây chuyền sản xuất bao bì giấy với mức lương 190.000 đồng/ngày, tiền chuyên cần cộng thêm 10.000 đồng/ngày, bao cơm trưa và nhận lương theo tuần.
Nơi này yêu cầu chúng tôi muốn đi làm phải tiêm ít nhất một mũi vắc xin hoặc F0 có giấy chứng nhận. "Khi đến xin việc thì em sẽ được công ty xét nghiệm COVID-19 miễn phí" - giọng nam cho biết, đồng thời kêu ứng viên gửi hồ sơ qua Zalo để xem trước, nếu thấy được sẽ gọi đi phỏng vấn.
Tiếp tục tìm hiểu thực tế nhu cầu tuyển người, chúng tôi liên hệ xin việc ở công ty chuyên về thủy sản đông lạnh tại Khu công nghiệp Tân Bình. Doanh nghiệp này cần tuyển 20 công nhân làm việc toàn thời gian cho các việc: cân hàng; phân size; dán bao bì, tem nhãn; đóng hàng vào túi, thùng nội địa; hỗ trợ chất hàng lên xe - đối với nam; và một số công việc khác theo sự phân công của công ty.
Một chị ở phòng nhân sự công ty hỏi chúng tôi đã tiêm vắc xin chưa. "Phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19, 14 ngày sau khi tiêm mũi 1 mới có thể làm việc tại công ty". Khi chúng tôi nói đã tiêm đủ, người này kêu gửi hình "thẻ xanh" và chứng minh nhân dân hai mặt qua để kiểm tra.
"Bây giờ em đi xét nghiệm COVID-19 và gửi kết quả xét nghiệm qua cho chị nhé! Hai ngày sau chị sẽ mời em nhận việc" - chị ta nói và cho biết phí xét nghiệm COVID-19 người xin việc tự chi trả. Chúng tôi thắc mắc khi nhận việc có cần trình độ, kinh nghiệm gì không, vì trong lúc trao đổi không nghe hỏi gì, chị này cho biết chỉ cần công nhân trung thực, lanh lẹ, tỉ mỉ là được.
Trên bản tin tuyển dụng của công ty, ngoài lương cố định 5 triệu đồng/tháng thì lao động còn được tiền chuyên cần và thưởng hiệu suất làm việc, thưởng lễ tết, sinh nhật, du lịch.
"Ngoài các khoản trên, công ty còn hỗ trợ tiền cơm: 730.000 đồng/tháng (theo ngày làm việc thực tế). Tăng ca thường xuyên có thể lên đến 2 - 5 triệu đồng/tháng. Thời gian làm việc: sáng 7h30 - 11h30, chiều từ 13h - 17h. Mỗi tháng, người lao động có 4 ngày nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Những ngày xưởng hết việc vẫn được hưởng lương". Mẫu tin tuyển dụng công ty ghi rõ.
Công ty trong Khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM) thông báo tuyển dụng - Ảnh: N.THỊNH
Giữ được 70% lao động sau giãn cách
Sau khi vào vai công nhân xin việc, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu doanh nghiệp đang cần gì ở người lao động. Ông Trương Quang Văn - tổng giám đốc một công ty chuyên sản xuất bao bì giấy - cho biết trong thời gian giãn cách xã hội, công ty vẫn trả lương cho công nhân. Theo đó, mức lương người lao động tại đây nhận được phụ thuộc vào thời gian làm việc tại công ty.
Đối với người lao động làm việc trên 1 năm được trả 100% lương cơ bản trong thời gian giãn cách. Người làm việc từ 6 tháng trở lên sẽ được trả 70% và hỗ trợ mỗi tháng 1,5 triệu đồng cho người mới vào công ty.
"Thời gian qua, công ty tôi luôn trả lương cho người lao động, đến khi không gánh nổi công ty mới tìm giải pháp mới. Chính vì vậy suốt mấy tháng giãn cách, số lượng người lao động của công ty không có biến động nhiều. Đến hiện tại, có trên 70% nhân sự vẫn tiếp tục gắn bó với công ty" - ông Văn nói.
Về việc tuyển người lao động, ông Văn cho hay công ty chú trọng về chất lượng trong công tác tuyển dụng. "Dù tuyển chậm nhưng phù hợp với công ty sẽ lợi hơn nhiều so với việc tuyển nhân viên nhanh chóng, đại trà".
Ngoài ra, ông Văn cho biết hiện nay vấn đề không phải "thiếu lao động" mà là "thiếu lao động phù hợp". Do đó, khi tuyển được người phù hợp yêu cầu, công ty luôn hỗ trợ đầy đủ chế độ phúc lợi, lương thưởng.
Hỗ trợ người lao động tìm việc
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - trưởng phòng dịch vụ việc làm Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM (gọi tắt là trung tâm) - nhận định từ khi TP bắt đầu "bình thường mới", trung tâm đã tư vấn cho hơn 2.000 lao động, trong đó tư vấn giới thiệu qua doanh nghiệp 108 lao động.
"Trung tâm đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ lao động trong việc kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ giới thiệu các khu nhà trọ, xét nghiệm nhanh miễn phí cho lao động khi đến doanh nghiệp phỏng vấn, nhận việc" - bà Thảo cho hay.
Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn việc làm, trung tâm nhận thấy nhiều người lao động đang gặp một số vấn đề như còn e ngại dịch bệnh, chưa muốn đi làm, muốn tìm việc mà có thể làm tại nhà, hoặc công việc gần nhà để hạn chế di chuyển, đang chăm con nhỏ vì trường học chưa mở cửa...
Về nhu cầu tuyển dụng, bà Thảo thông tin hiện đã có hơn 200 doanh nghiệp với hơn 50.000 chỉ tiêu tuyển dụng, đa dạng ngành nghề. "Hiện nay trung tâm đang hỗ trợ lao động với combo việc làm 3 trong 1: Nhà trọ 0 đồng, xét nghiệm nhanh miễn phí, có việc làm ngay" - bà Thảo cho biết.
"Doanh nghiệp cần có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút lao động. Ví dụ: chính sách lương, các khoản trợ cấp, hỗ trợ tiền thuê trọ, hỗ trợ xét nghiệm nhanh cho lao động..." - bà Thảo gợi ý.
Thuận lợi và khó khăn
Thông tin từ các doanh nghiệp mà chúng tôi trao đổi đang cho thấy có nhiều dấu hiệu khả quan. Nhiều công ty tuyển dụng người, và nhiều lao động cũng đang nhanh chóng xin việc làm để trang trải cuộc sống khi tết nhất gần tới.
Tuy nhiên cũng có vài vấn đề mà các chủ doanh nghiệp đang gặp khó là nhiều lao động từ các tỉnh vào thành phố chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Họ phải chờ hoàn tất mới dám nhận. Ngoài ra, trường lớp chưa mở cửa dạy học cũng khiến nhiều lao động, nhất là lao động nữ gặp khó khăn vì phải giữ con.
"Thật sự, tôi rất muốn xin việc nhưng không thể. Hai con nhỏ đều ở nhà, vợ chồng cũng phải có một người ở nhà để giữ con. Chúng tôi đang gặp khó khăn vì chỉ có một suất lương của chồng" - chị Hoàng Thị Hải, công nhân may đang thất nghiệp (ở phường Bình Trị Đông B, Bình Tân, TP.HCM), cho hay.
Ngành kinh doanh có nhu cầu việc làm cao nhất
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực tập trung ở các ngành kinh doanh, thương mại (chiếm 20,16% ); điện tử, công nghệ thông tin (chiếm 10,96%); dịch vụ, phục vụ (chiếm 7,25%); cơ khí, tự động hóa (chiếm 5,60%); vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng (chiếm 5,41%); dịch vụ cá nhân, chăm sóc sức khỏe và y tế (chiếm 5,37%); dịch vụ thông tin tư vấn, chăm sóc khách hàng (chiếm 4,13%); dệt may, giày da (chiếm 3,61%); kinh doanh tài sản, bất động sản (chiếm 3,24%); tài chính, tín dụng, ngân hàng (chiếm 3,75%); kế toán, kiểm toán (chiếm 3,15%); du lịch, nhà hàng, khách sạn (chiếm 2,86%).
Riêng quý 4, với tổng cầu khoảng từ 71.950 - 77.100 chỗ làm việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận