25/09/2018 11:26 GMT+7

'Xin việc làm ở Mỹ' phiêu lưu ký

ĐOÀN LÊ QUỲNH TRÂN (Từ Hoa Kỳ)
ĐOÀN LÊ QUỲNH TRÂN (Từ Hoa Kỳ)

TTO - Buổi tối năm 2013 ấy đánh dấu một cột mốc trong đời tôi. Tôi vui mừng vì mình đã hoàn thành hành trình nộp đơn du học Mỹ.

Xin việc làm ở Mỹ phiêu lưu ký - Ảnh 1.

Quỳnh Trân tốt nghiệp đại học vào tháng 5-2018 - Ảnh: NVCC

Nhưng tôi của buổi tối hôm ấy chưa hề biết rằng có một hành trình khác, dài hơn, khó khăn hơn, căng thẳng hơn đang chờ tôi phía trước: hành trình xin việc làm ở Mỹ.

Một, hãy mang dép xỏ ngón lúc đi bộ và chỉ thay giày cao gót trước khi bước vào văn phòng công ty. Và hai, đừng bao giờ nản lòng, hãy cứ tiếp tục cố gắng hết sức vì một khi ta còn cố gắng, cơ hội sẽ tiếp tục đến với ta.

ĐOÀN LÊ QUỲNH TRÂN

313.000 hồ sơ và 3%

Trong suốt ba năm cấp III, cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh việc học để điểm trung bình trên 9 phẩy, học để điểm SAT trên 2200, học để được giải nhất học sinh giỏi thành phố. 

Khi không học, tôi tham gia hoạt động ngoại khóa ở mái ấm cho các em bệnh nhân HIV. 

Những cố gắng của tôi được đền đáp khi vào một buổi tối năm 2013, tôi nhận được thư chấp nhận kèm học bổng toàn phần từ một trường đại học ở bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Vừa vào ngưỡng cửa đại học, tôi đặt mục tiêu sẽ tốt nghiệp với hai chuyên ngành toán và kinh tế. Suốt hai năm đầu, điểm trung bình của tôi luôn trên mức 3.8/4 (tương đương với trên 9.5/10). 

Vào học kỳ đầu tiên của năm thứ hai, tôi được một công ty tài chính ở Philadelphia mời đến phỏng vấn vòng đầu tiên. 

Tôi không được vào vòng tiếp theo, nhưng từ hôm ấy tôi đặt một mục tiêu mới cho bản thân: xin được việc làm ở một công ty tài chính tại Mỹ sau khi tốt nghiệp. 

Muốn được như vậy, tôi phải có kinh nghiệm thực tập ở Mỹ vào mùa hè năm 2 và năm 3. Nhưng suốt 2 năm tiếp theo, tôi đã phải trải qua biết bao thử thách trên hành trình kiếm việc nơi xứ người.

Mùa hè năm thứ hai, tôi về Việt Nam thực tập ở một ngân hàng đầu tư lớn nhất nhì trong nước. 

Với kinh nghiệm thực tập ở Việt Nam, tôi quyết định sẽ nộp đơn xin việc ở hơn một chục ngân hàng đầu tư nổi tiếng nhất Phố Wall, thành phố New York. Tôi không nghe được phản hồi gì từ hơn chục ngân hàng này.

Sau khi nói chuyện với một anh bạn người Việt cựu học sinh trường tôi, hiện đang làm việc ở Phố Wall, tôi biết được rằng trừ khi tôi là sinh viên các trường Ivy League (top 8 trường đại học tốt nhất ở Mỹ, bao gồm Harvard, Yale, Princeton...) hoặc các trường lớn khác, các ngân hàng Phố Wall sẽ không buồn đọc hồ sơ gửi online của tôi. 

Những ngân hàng này nhận được hàng trăm nghìn hồ sơ mỗi năm, nhưng chỉ nhận một phần rất ít. 

Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ, nhận được 313.000 hồ sơ xin việc vào năm 2016, nhưng chỉ 9.700 ứng viên được nhận. 9.700 tương đương với 3% tổng số hồ sơ.

Anh bạn chia sẻ rằng, để được là một trong số 3% ứng viên đấy, tôi phải bắt đầu tạo lập quan hệ với nhân viên ở đây, cụ thể là cựu sinh viên trường đại học tôi đang học. 

Khi có được những mối quan hệ này, tôi sẽ nhận được sự hỗ trợ từ những người đi trước có kinh nghiệm và khả năng vào được vòng phỏng vấn sẽ cao hơn.

Cơ hội cuối cùng đã đến

Tôi làm theo lời khuyên của anh. Năm thứ ba đại học của tôi là một chuỗi những đêm thức khuya để học bài hoặc bổ sung kiến thức tài chính và những chuyến tàu lên New York để gặp gỡ cựu sinh viên trường tôi hiện đang làm việc cho các ngân hàng đầu tư. 

Trong thời tiết dưới 10 độ, tôi đang mặc váy công sở, mang giày cao gót 10 phân, khập khiễng đi xuyên qua khu Time Square, trung tâm thành phố New York, để đến trạm xe buýt trở về Pennsylvania sau một ngày dài tham gia sự kiện networking (tạm dịch "mở rộng quan hệ") nhưng không mang lại kết quả gì. 

Nhìn dòng du khách ăn uống, nói cười, chụp hình với người thân ở Time Square, tôi chợt thấy chạnh lòng.

Tôi ước gì có mẹ tôi ở đây. Mẹ luôn biết cách an ủi tôi khi tôi cảm thấy căng thẳng, thất vọng. 

Nhưng tôi lại tự động viên bản thân rằng tôi phải tiếp tục cố gắng để đạt được mục tiêu kiếm việc làm tốt ở Mỹ, để tôi có thể dẫn ba mẹ tôi đến nơi làm việc của mình ở New York.

Cơ hội cuối cùng cũng đến với tôi. Sau ba vòng phỏng vấn, tôi được một ngân hàng lớn nhất của Anh, nằm trong top 10 ở Phố Wall, mời đến văn phòng của họ ở New York để phỏng vấn vòng cuối. 

Cũng với bộ váy công sở ấy, đôi giày 10 phân ấy, tôi khập khiễng đi bộ đến văn phòng công ty cho buổi phỏng vấn quan trọng, vừa đi vừa lẩm nhẩm giá dầu, giá trái phiếu chính phủ của ngày hôm ấy. Thế nhưng kết quả đã không như mong đợi.

Sau nhiều lần bị từ chối, tôi biết được thêm thông tin rằng sinh viên quốc tế gặp nhiều khó khăn hơn sinh viên Mỹ vì một lý do chính yếu: vì chính sách nhập cư chặt chẽ của Mỹ, để thuê nhân viên người nước ngoài, công ty Mỹ sẽ phải tốn nhiều thời gian và chi phí để tài trợ visa việc làm H1B cho các nhân viên này. 

Vậy nên, giữa hai ứng viên ngang tài ngang sức, công ty vẫn sẽ nhận ứng viên người bản xứ.

Khi tôi nộp đơn xin việc online cho hàng chục công ty tài chính nằm ngoài top 10 Phố Wall, đa phần các công ty đều nói thẳng về chính sách tuyển dụng người nước ngoài của họ trên trang web công ty: nếu bạn không phải là công dân Mỹ, chúng tôi sẽ không thể thuê bạn. 

Tôi được mời phỏng vấn qua điện thoại từ một số công ty, nhưng cuối buổi phỏng vấn họ luôn hỏi tôi câu hỏi tôi đã nghe nhàm tai: "Bạn có phải là công dân Mỹ không?". Khi tôi trả lời không, người phỏng vấn sẽ bắt đầu: "Xin lỗi, hồ sơ của bạn rất tốt nhưng…".

Sau bốn năm học dài, hơn chục chuyến tàu đi Philadelphia, New York, Washington DC và vài chục lời từ chối từ nhà tuyển dụng, cuối cùng tôi nhận được lời mời làm việc cho một công ty tư vấn chiến lược doanh nghiệp ở khu vực Washington DC. 

Tôi có thể thở phào nhẹ nhõm, tự thưởng cho bản thân và cô bạn thân một bữa ăn ngon ở nhà hàng Thái Lan.

Hai điều nằm lòng

Hiện nay tôi đã tốt nghiệp và đi làm được gần ba tháng. Tôi sắp đạt được mơ ước dẫn ba mẹ tôi đến nơi tôi làm việc, dù nó ở thủ đô Washington DC cổ kính, chứ không phải thành phố New York náo nhiệt, xô bồ.

Nếu có cơ hội quay lại buổi chiều tháng 10 vào hai năm trước ở quảng trường Time Square, New York ngày hôm ấy, tôi sẽ khuyên tôi của năm 20 tuổi hai điều.

Một, hãy mang dép xỏ ngón lúc đi bộ và chỉ thay giày cao gót trước khi bước vào văn phòng công ty. Và hai, đừng bao giờ nản lòng, hãy cứ tiếp tục cố gắng hết sức vì một khi ta còn cố gắng, cơ hội sẽ tiếp tục đến với ta.

ĐOÀN LÊ QUỲNH TRÂN (Từ Hoa Kỳ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên