24/10/2020 08:18 GMT+7

Xin tri ân tuyến đầu chống dịch COVID-19

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Hôm nay 24-10, tại TP.HCM, chương trình “Tri ân tuyến đầu chống dịch COVID-19”, do báo Tuổi Trẻ tổ chức, tuyên dương 130 cá nhân, 16 tập thể ở miền Nam. Dự kiến cuối tháng 10 sẽ tổ chức hai đợt tri ân tại Hà Nội và Đà Nẵng.

Xin tri ân tuyến đầu chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thành Được (29 tuổi) và Dư Lê Thanh Xuân (28 tuổi) cùng công tác tại khoa cấp cứu hồi sức tích cực - chống độc người lớn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM

Tất cả 130 cá nhân và 16 tập thể được tuyên dương trong chương trình "Tri ân tuyến đầu chống dịch COVID-19" lần này đến từ rất nhiều lực lượng, bao gồm đội ngũ y bác sĩ, công an, quân đội, hàng không và tình nguyện viên… 

Ở họ tuy khác nhau về vai trò nhiệm vụ, nơi làm việc nhưng tất cả đều có chung một quyết tâm: "gác lại niềm riêng" cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Hoãn cưới… chống dịch

Trong danh sách 130 cá nhân ở khu vực phía Nam được tuyên dương có một cặp uyên ương rất đặc biệt: hai bác sĩ Nguyễn Văn Thành Được (29 tuổi) và Dư Lê Thanh Xuân (28 tuổi), cùng công tác tại khoa cấp cứu hồi sức tích cực - chống độc người lớn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Tháng 4-2020, khi cả hai đang háo hức chuẩn bị đám cưới thì bất ngờ dịch COVID-19 ập đến. Cả hai quyết định gác lại đám cưới để cùng nhau ra tuyến đầu chống dịch. Dù hơi "hụt hẫng" đôi chút nhưng sau đó cả hai lấy lại tinh thần, cùng động viên nhau hẹn một ngày "trọn niềm vui" khi dịch được đẩy lùi. 

"Đều làm trong ngành y, chúng tôi đã lường trước được diễn biến của dịch bệnh và quyết định dời đám cưới. Đó như một thử thách khiến chúng tôi hiểu và trân trọng nhau hơn", Thành Được nói với Tuổi Trẻ.

Đám cưới tạm hoãn, cả hai lao vào "cuộc chiến" thực sự bởi trước mắt là các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng cần được điều trị. Đặc biệt trong số này có bệnh nhân 91 (phi công người Anh). 

Ở bệnh viện, Được và Xuân đều có vai trò quan trọng trong chăm sóc điều trị cho bệnh nhân nhiễm bệnh. Vào trực, nguy cơ lây nhiễm cao, do đó khi ngơi tay hai anh chị lại lao vào tìm tòi, đọc các bài báo cáo trên thế giới nhằm hiểu thêm về virus corona, học cách ứng phó với các ca nhiễm COVID-19 nặng và cách sử dụng những loại thuốc rất mới.

"Tôi không sợ nguy hiểm, chỉ sợ khi nghe tin một bệnh nhân nào đó có diễn biến xấu đi", bác sĩ Xuân nói. Và mới đây, khi dịch cơ bản được kiểm soát, việc hạn chế tụ tập được dỡ bỏ, ước hẹn đám cưới của họ mới trở thành sự thật.

Không chỉ bác sĩ Được và Xuân, còn có rất nhiều câu chuyện "gác lại niềm riêng" lo chống dịch, như điều dưỡng Phạm Thị Hoàng Yến (28 tuổi, Bệnh viện Q.Thủ Đức) vừa mới tổ chức đám cưới xong đã xung phong trực chiến cả tháng trời ở Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ. 

Rồi còn có điều dưỡng Lê Thị Hiếu (22 tuổi) suốt 2 tháng tình nguyện ở lại bệnh viện chăm sóc bệnh nhân dương tính mà không thể về thăm ba mẹ.

Là những chiến sĩ bộ đội biên phòng An Giang, Long An bỏ lại nỗi lo mẹ già đau bệnh, con thơ ngây, thiếu thốn bủa vây… phía sau để ngày đêm canh giữ biên giới không cho người nhập cảnh trái phép, hay như dốc sức đón lượng lớn người nhập cảnh về ở Hậu Giang...

Trong cao điểm "chống dịch như chống giặc", nhiều người trong cuộc nói vui rằng chưa lúc nào các dự định tốt đẹp lại bị "đóng băng" lâu đến thế và chưa lúc nào "lời hẹn sau dịch" lại được hứa nhiều đến thế. 

Như bác sĩ trẻ Phan Minh Phương (30 tuổi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP), trực chiến cả tháng trời trong các khu điều trị những ngày "nóng bỏng", nói mình "thích đủ thứ", nào là được ngắm cảnh người qua lại, vẽ tranh, đánh đàn, ngắm sông, ngắm hoa…

Và tất cả những mong ước ấy đều được hẹn "sau khi hết dịch".

Xin tri ân tuyến đầu chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Lao vào tâm dịch

Khi Đà Nẵng trở thành tâm dịch, các bệnh viện ở TP.HCM như Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, ĐH Y dược và Bệnh viện Q.Thủ Đức đồng loạt cử nhân viên y tế giàu kinh nghiệm chi viện chống dịch.

Chỉ ít ngày sau khi điều trị thành công cho bệnh nhân 91, bác sĩ Trần Thanh Linh - phó khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy - cùng với gần 20 đồng nghiệp chia làm nhiều đợt tức tốc lên đường lao vào tâm dịch Đà Nẵng. 

"Hơn bao giờ hết, đây là lúc người bệnh cần đến nhân viên y tế nên mọi hiểm nguy chúng tôi xem nó rất nhẹ nhàng. Trước khi lên đường, tôi đã hứa với lòng: dốc sức cứu sống người bệnh, khi nào hết dịch mới về", bác sĩ Linh chia sẻ.

Với bác sĩ Linh, dịch đợt một mà anh trải qua tuy khốc liệt nhưng chưa thấm tháp gì so với dịch đợt hai, mà tâm dịch gọi tên Đà Nẵng. Lần này không phải là một bệnh nhân 91, mà là rất nhiều "bệnh nhân 91" như thế. 

rực chiến liên tục, hiếm khi anh cùng đồng nghiệp được nghỉ ngơi trọn vẹn, có lúc sụt sùi bởi nhớ mẹ già, vợ và con thơ da diết. Hay như câu chuyện của bác sĩ Huỳnh Quang Đại (Bệnh viện Chợ Rẫy) đột ngột hay tin người cha của mình lên cơn nhồi máu cơ tim khi đang túc trực điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Quảng Nam. Lòng như lửa đốt nhưng anh không thể về...

"Hơn bao giờ hết, đây là lúc người bệnh cần nhân viên y tế nên mọi hiểm nguy chúng tôi xem rất nhẹ nhàng, coi đó như một phần của nghề nghiệp. Mà đã là nghiệp, trong dịch bệnh thế này, tôi nghĩ bất cứ anh em bác sĩ, nhân viên y tế nào cũng không thể bỏ rơi người bệnh được", bác sĩ Linh chia sẻ thêm về những ngày tháng mà mình cũng như đồng nghiệp cùng nhau chống dịch COVID-19.

Đến hôm nay khi dịch cơ bản được kiểm soát, gặp lại giữa Sài Gòn, tất cả các y bác sĩ đều cho biết cảm thấy tự hào vì đã góp phần nhỏ bé trong cuộc chiến lịch sử chống lại COVID-19.

Tuyên dương 56 tập thể và 256 cá nhân

y bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân dương tính trong phòng cách ly của bệnh viện chợ rẫy

Y bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân dương tính trong phòng cách ly của Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: D.PHAN

Với mong muốn góp phần cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch COVID-19, báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM phát động chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành tích cực của các cá nhân, doanh nghiệp trong, ngoài nước.

Tính đến ngày 20-10, chương trình tiếp nhận tiền mặt và hiện vật trị giá hơn 28 tỉ đồng. Từ nguồn đóng góp này, chương trình có nhiều hoạt động hỗ trợ trang thiết bị y tế, sẻ chia với lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, đồng thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do đại dịch.

Ngoài ra, chương trình còn trao học bổng "Tiếp sức đến trường" dành cho 211 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Đặc biệt có 56 tập thể và 256 cá nhân ở tuyến đầu được tuyên dương bởi có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, mỗi tập thể được tuyên dương nhận biểu trưng, quà tặng và 10 triệu đồng tiền mặt; cá nhân nhận biểu trưng, quà tặng và 5 triệu đồng tiền mặt.

Tổng kinh phí cả ba đợt hơn 1,8 tỉ đồng, từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp và bạn đọc báo Tuổi Trẻ trên cả nước.

Bác sĩ CKII Nguyễn Tri Thức (giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM):

Lao vào "cuộc chiến" không hề đắn đo

bác sĩ ckii nguyễn tri thức-giám đốc bệnh viện chợ rẫy

Bác sĩ CKII Nguyễn Tri Thức

Điều khiến tôi tâm đắc nhất là dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, toàn dân đều chung tay chống dịch dưới màu cờ duy nhất đó là: "Ban chỉ đạo quốc gia". Theo tôi, đây là yếu tố quyết định sự thành công của "cuộc chiến" chống dịch COVID-19.

Bệnh viện Chợ Rẫy vinh dự được sự tin tưởng và bước đầu điều trị thành công cho ba ca nhiễm COVID-19 đặc biệt gồm cha con người Trung Quốc (nhiễm bệnh đầu tiên ở VN) và bệnh nhân 91 (nhiễm bệnh nặng nhất lúc bấy giờ). Và khi dịch đợt 2 bùng phát tại Đà Nẵng, chúng tôi có 7 lần chi viện với gần 20 nhân viên y tế điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 với tâm niệm "Hết dịch mới về".

Cùng với cả nước, đội ngũ nhân viên của bệnh viện đã gác lại mọi niềm riêng lao vào "cuộc chiến" với quyết tâm cao độ. Họ luôn trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh, vui vẻ lên đường không hề đắn đo một điều gì cả.

TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu (giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM):

Nhiệm vụ phải làm khi có dịch

ts

TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu

Tôi cùng với đồng nghiệp trải qua rất nhiều đợt dịch nguy hiểm nên khi dịch COVID-19 bùng phát, việc lao vào "cuộc chiến" tôi coi đó là việc bình thường, là nhiệm vụ của những người mang trên mình màu áo blouse trắng.

Trong dịch bệnh, tôi thấy có một điều thật tuyệt vời là mọi người xích lại gần nhau, hỗ trợ nhau vì mục tiêu duy nhất là đẩy lùi dịch bệnh. Và tôi vô cùng cảm động khi đủ mọi thành phần trong xã hội đã dành tình cảm đặc biệt cho các lực lượng tham gia chống dịch, đặc biệt là nhân viên y tế. Đó chính là sức mạnh tinh thần lớn lao giúp chúng tôi cảm thấy không còn đơn độc, dốc sức đẩy lùi dịch bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Duy Long (giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, TP.HCM):

Căng sức vận chuyển người cách ly

bác sĩ nguyễn duy long

Bác sĩ Nguyễn Duy Long

Khi dịch COVID-19 bùng phát với lượng người cách ly tăng, áp lực càng đè nặng lên cả hệ thống y tế, trong đó có cấp cứu 115. Ngoài nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện, chúng tôi phải căng sức vận chuyển các ca có triệu chứng (nguy cơ nhiễm COVID-19 cao) từ khu vực sân bay đến các khu cách ly tập trung và từ các khu cách ly đến các bệnh viện. Từ nhân viên trực tổng đài đến nhân viên vận chuyển hầu như không có thời gian cho riêng mình và họ phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Tuy vậy, nhờ sự động viên, hỗ trợ về vật chất, phương tiện máy móc, bảo hộ, nhu yếu phẩm từ các ban, ngành, tổ chức, cá nhân nên tất cả đều vững tin vượt qua mọi trở ngại. Tôi đặc biệt cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã tổ chức chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19". Chính điều đó động viên anh em chúng tôi rất nhiều.

Tiêu dùng hồi phục nhanh nhờ người Việt lạc quan về chống dịch COVID-19 Tiêu dùng hồi phục nhanh nhờ người Việt lạc quan về chống dịch COVID-19

TTO - Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan hơn các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. 55% cho rằng kinh tế sẽ tốt hơn trong 6 tháng tới, so với 45% của các nước trong khu vực, các hoạt động mua sắm, du lịch đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên