Phóng to |
Bà Ngọc gọi điện thoại cho cô gái mang bầu tên P. - Ảnh: N.K. |
Phóng sự “Thêm chiêu trò mua bán trẻ sơ sinh” trên truyền hình báo Tuổi Trẻ |
Chiều 3-3, qua số điện thoại trên website www.mangtha..., ông T. hẹn gặp bà Ngọc ở một quán nước trong hẻm đường Hoàng Dư Khương (Q.10) để nhờ tư vấn về “dịch vụ” cho nhận con nuôi.
Bà Ngọc vào thẳng vấn đề hiện đang có một cô gái có dáng người cao, khỏe mạnh sắp sinh một bé trai; sau khi “cho” và “nhận” thì đường ai nấy đi, hai bên cắt đứt liên lạc.
Ra giá 70 triệu đồng
“Bắn hình qua cho chị coi” Ngày 7-3, khi nhận được điện thoại của một cô gái nói: Đang cần cho bé, có phải chị Ngọc phát tờ rơi ở khu công nghiệp không? Bà Ngọc nói: “Đúng rồi” rồi hỏi dồn dập “Có bầu mấy tháng rồi?”, “Trai hai gái?”, “Em có hình không, bắn hình cho chị coi được không?”, “Cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu?”, “Em có xinh gái không?”. Và bà Ngọc nói số tiền “bồi dưỡng” khi cho bé là 20 triệu đồng. |
Sau vài câu mào đầu, bà Ngọc ra giá chi phí để xin đứa trẻ sơ sinh là 70 triệu đồng, rồi gọi điện thoại cho cô gái mang bầu sắp sinh và hẹn ông T. ngày hôm sau gặp cô gái “cho con” để xem mặt, nếu đồng ý thì đặt cọc 50%, tức 35 triệu đồng.
Chiều 4-3, tại quán cà phê trên đường Cao Thắng (P.12, Q.10), bà Ngọc bày ông T. chỉ cần cung cấp thông tin trên chứng minh nhân dân của người nhận con. Khi bên “cho” nhập viện, bà Ngọc sẽ khai khống tên người cần nhận con để hợp thức hóa tên người “nhận” trên giấy chứng sinh. Giá 70 triệu đồng/trẻ sơ sinh theo bà Ngọc là không thể bớt.
“Không phải mình chị làm. Giống như một công ty nó đã thu chi, có quản lý... Chị là người trực tiếp đi ra ngoài đường...” - bà Ngọc nói.
Sau khoảng 15 phút ra khỏi quán, bà Ngọc trở lại với hai bản hợp đồng thanh toán đánh máy. Theo đó, bên A là “công ty dịch vụ cho nhận con”, người đại diện có tên N.N.Q.N., số CMND 211... Hợp đồng này có nội dung: Bên A đã tìm cho bên B (bên nhận con) một đứa con với giá 70 triệu đồng. Khi mọi việc đã được thỏa thuận và đồng ý sau khi gặp mặt, cả đôi bên, bên B phải đặt cọc cho bên A số tiền 50%. Khi bên A làm xong các thủ tục giấy tờ và bên B nhận được con, lúc đó bên B thanh toán hết số tiền còn lại.
Bà Ngọc mách nước trong trường hợp bé sơ sinh đã có giấy chứng sinh, bà có thể làm lại giấy chứng sinh đã thay tên đổi họ với giá 30 triệu đồng. Nói xong, bà Ngọc đi đón cô gái mang bầu tên P. dáng người cao, nước da ngăm đen. Tới quán, ngoài P. còn có bà N. (ở cùng dãy phòng trọ) trên tay ẵm theo con trai của P.. P. đưa ra một giấy siêu âm và chứng minh nhân dân tên P.T.P. (sinh năm 1990, huyện An Biên, Kiên Giang).
Ông T. kêu bà Ngọc ra ngoài hỏi kỹ thêm về chuyện giấy tờ, tiền bạc thì Ngọc nói: “Mọi người trong cả nước đều biết tụi chị đặt uy tín lên hàng đầu”.
Bà Ngọc quả quyết: “Chị dư khả năng để làm tờ chứng sinh cho em, em muốn bệnh viện nào chị cũng làm được”. Ông T. bày tỏ lo ngại nếu đưa 50% cho bà Ngọc liệu có an toàn thì bà Ngọc nói thẳng: “Nếu em sợ, tất cả mọi người đều sợ thì đâu có một đứa con để nuôi đúng không. Vấn đề bên chị đã làm mười năm nay sao có uy tín để người này tìm tới người kia tìm tới”.
Ông T. còn ái ngại về dịch vụ này thì bà Ngọc nói:“ Đây là dịch vụ đen, mình có gan đủ tự tin tin người ta người ta mới tin mình”. Trong trường hợp trục trặc hay rủi ro gì thì bà Ngọc sẽ hoàn lại tiền cọc. Ông T. không đồng ý đặt cọc và ra về.
Hợp đồng thanh toán bà Ngọc đưa ra - Ảnh: N.K. |
Trục lợi
Chiều 5-3, chúng tôi tìm đến gặp P. tại dãy phòng trọ thuộc xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh). P. kể cô biết đến bà Ngọc qua tờ rơi phát tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân. Tờ rơi này có nội dung gia đình hiếm muộn cần xin con nuôi, mang thai hộ… sẽ lo toàn bộ chi phí và có thù lao cho người “giúp đỡ”.
Giọng P. đượm buồn kể đã ở dãy trọ khoảng 3 năm nay, làm thuê làm mướn với tiền công ít ỏi. P. sống chung với một người đàn ông (chưa có giấy kết hôn - PV) và đã có một con trai. Khi P. có thai đứa thứ hai được hai tháng thì người đàn ông này lấy hết tiền bạc và chiếc xe máy của P. rồi bỏ đi.
Sợ không nuôi nổi con, P. liên hệ theo số điện thoại trên tờ rơi gặp bà Ngọc thì được bà này hứa khi cho bé, P. sẽ được 20 triệu đồng. Dù vậy, P. và bà N. - người đi theo - cùng đều nói với bà Ngọc đây không phải bán con nên không đòi hỏi, do khó khăn quá nên không nuôi nổi.
P. kể chiều 4-3, bà Ngọc chở P. đi siêu âm thì thai nhi đã được 36 tuần. Siêu âm xong thì bà Ngọc đòi P. mổ để lấy con ra sớm nhưng P. không đồng ý. Khi nghe giá bà Ngọc “hét” với ông T. là 70 triệu đồng thì P. phản ứng cho là bị ăn hết 50 triệu.
Bà N. – người đi cùng P., bức xúc: “Người ta đẻ người ta không ăn cái giá đó, bà ấy chỉ làm cò thôi ăn tới 50 triệu đồng, ăn trên đầu trên cổ người ta. Con người ta bình thường đẻ được mà kêu người ta mổ. Bà ấy chỉ biết làm tiền chứ không biết sinh mạng người ta”.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục giữ liên lạc với P. và được biết ngày 8-3 P. đã sinh một bé trai nặng 3,3 kg. Ngay khi xuất viện, P. đã trao đứa bé này cho cô nhi viện và không đòi hỏi tiền bạc gì. Nhờ bà N. và những người quen biết giúp đỡ, P. đã có đủ tiền đóng viện phí. Còn bà Ngọc sau khi bị vạch mặt vì ăn tiền trên sự mang nặng đẻ đau của P. đã trốn biệt, cắt liên lạc với P.
Mới đây, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM đã triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh, lập hồ sơ bảy đối tượng, trong đó có Tưởng Đình Thương (thường gọi “Hói”, 35 tuổi, ngụ Q.Ngô Quyền, TP Hải Phòng). Tưởng Đình Thương là đối tượng mà Tuổi Trẻ đã đề cập trong bài viết “” (Tuổi Trẻ ngày 12-8-2013). Qua website www.mamsong... cũng như dán tờ rơi ở cột điện gần bệnh viện và mạng lưới “cò”, Tưởng Đình Thương tiếp cận những người có nhu cầu mua bán trẻ sơ sinh. Cụ thể trên website Thương mời mọc: “Nếu người nhận chưa đủ khả năng kinh tế để mua một chiếc xe máy thì chưa đủ tư cách để xin con nuôi và đừng nghĩ đến việc xin con nuôi khi qua dịch vụ cho nhận con nuôi”. Khi bị bắt, Tưởng Đình Thương khai nhận đã mua bán 20 em bé, thu lợi mỗi bé từ 2-7 triệu đồng. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, người nào có hành vi mua bán trẻ em thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 120 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009. “Theo tôi, các cặp vợ chồng hiếm muộn nếu mong muốn nhận con nuôi thì nên tìm đến các trại trẻ mồ côi, các trung tâm nuôi dưỡng và tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi để xin nhận con nuôi. Không nên mua trẻ em để làm con mình bởi theo quy định tại Điều 120 Bộ luật hình sự thì người mua trẻ em cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em". "Trong trường hợp người phụ nữ do hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi dưỡng nên muốn cho con mình thì có thể tới UBND cấp xã hoặc các trung tâm nuôi dưỡng và tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi để trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng của mình để được hướng dẫn và giúp đỡ giải quyết” - luật sư Nguyễn Văn Hậu tư vấn. |
* Mời xem phóng sự “Thêm chiêu trò mua bán trẻ sơ sinh” trên truyền hình báo Tuổi Trẻ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận