Một góc cảng biển Dung Quất, nơi dự kiến sẽ nạo vét luồng tuyến tạo ra khối lượng vật chất dư thừa 15,5 triệu m3 đang xin nhận chìm - Ảnh: TRẦN MAI
Xin nhận chìm cách đảo Lý Sơn 28km
Ông Nguyễn Thế Đồng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho biết báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhận chìm 15,5 triệu m3 chất nạo vét ở cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) đã được các sở, ngành, UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất đề xuất vị trí cụ thể.
Theo đó, Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất xin nhận chìm ở một khu vực biển cách cảng Hòa Phát gần 7km về hướng Đông, cách đảo Lý Sơn khoảng 28km. Khu vực biển này có hình thoi, tổng diện tích khoảng 1,8km2, sâu 50-55m, không nằm trong khu vực đường hàng hải, cách đường cáp ngầm dẫn điện ra đảo Lý Sơn hơn 12km.
Tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo để Bộ TN-MT thẩm định ĐTM nhận chìm tại vị trí này. Ông Nguyễn Thế Đồng - cũng là chủ tịch Hội đồng thẩm định - cho biết với dự án nhận chìm 15,5 triệu m3 chất nạo vét ở cảng Dung Quất, ngoài đơn vị tư vấn xây dựng ĐTM, chủ dự án thuê hai đơn vị tư vấn là hai viện nghiên cứu để điều tra, đánh giá hiện trạng nơi nhận chìm, tính toán chạy mô hình lan truyền chất nhận chìm.
Trong đó, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật chịu trách nhiệm điều tra toàn bộ về hiện trạng đa dạng sinh học nơi dự kiến nhận chìm. Viện Địa lý chịu trách nhiệm tính toán và chạy mô hình lan truyền vật chất nhận chìm, khả năng phát tán chất nạo vét khi nhận chìm.
Tuy đã có đơn vị trên, thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân vẫn giao Tổng cục Môi trường tìm đơn vị uy tín để thẩm định, kiểm định kết quả chạy mô hình của đơn vị tư vấn. Do đó, Hội đồng thẩm định đã mời Viện Cơ học Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, đơn vị đầu ngành về cơ học biển, mô hình lan truyền, tham gia.
Khu vực biển mà Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất đang xin nhận chìm vật chất nạo vét sau nạo vét cảng -Ảnh: TRẦN MAI
Nhận chìm bằng công nghệ "hút bụng xả đáy"
Trả lời Tuổi Trẻ Online về hiện trạng đa dạng sinh học nơi dự kiến nhận chìm, ông Nguyễn Thế Đồng cho biết: "Căn cứ vào báo cáo của các viên nghiên cứu là đơn vị tư vấn, căn cứ vào hình ảnh điều tra toàn bộ vùng dự kiến nhận chìm kèm giới thiệu của UBND tỉnh Quảng Ngãi, nơi dự kiến nhận chìm không có san hô và là vùng có đa đạng sinh học nghèo".
Tuy nhiên, theo ông Đồng, trong thẩm định ĐTM, hội đồng đặc biệt quan tâm đến các tính toán mô phỏng và công nghệ nhận chìm.
"Nhà đầu tư đã cam kết thuê một đơn vị chuyên nghiệp của nước ngoài sử dụng công nghệ hiện đại nhất phụ trách phần về nạo vét và nhận chìm. Bên cạnh đó, hội đồng cũng đưa ra các yêu cầu phải có đầy đủ các giải pháp giám sát chặt chẽ từ quá trình nạo vét, vận chuyển đến vị nhận chìm", ông Đồng nói.
Theo đó, trình bày với Hội đồng thẩm định, chủ dự án đưa ra phương án sử dụng công nghệ tàu "hút bụng xả đáy": sử dụng đội tàu 15 chiếc, tải trọng hơn 35.000m3, dùng vòi hút, ép sát đáy biển để hút bùn, cát lên khoang, sau đó đóng kín và di chuyển đến vị trí nhận chìm, hạ khoang chứa bùn, cát xuống đáy và mở cửa xả đáy, không dùng vòi hút từ khoang tàu ra.
Hòa Phát sẽ đưa phương án nhận chìm tham vấn ý kiến người dân nằm trong vùng dự kiến nhận chìm vật chất nạo vét. Ngoài ra, chủ đầu tư sẽ lắp đặt các phao nổi đánh dấu vị trí nhận chìm, sử dụng lưới chắn bùn cỡ nhỏ để giảm thiểu tối đa tác động tới vùng nguồn lợi thủy sản.
Hòa Phát cũng cam kết sẽ đưa các trạm quan trắc môi trường tự động lắp đặt tại nhiều vị trí, toàn bộ quá trình nhận chìm và vị trí nhận chìm sẽ tự động truyền dẫn kết quả đến cơ quan chức năng giám sát 5 phút/lần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận