Cầu sắt Bình Lợi mới hoàn thành, các tàu, sà lan trên 1.000 tấn có thể đi qua - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khởi công từ năm 2015, dự án BOT Bình Lợi làm cầu mới thay cho cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền từ 1,5m lên 7m và cải tạo luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi (TP.HCM) đến cảng Bến Súc (Bình Dương) dài 70km. Dự án này do liên danh Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Đô Thị Xanh (GUD), Công ty cổ phần đầu tư & xây dựng STD Việt Nam (STD) làm nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH MTV BOT Bình Lợi.
Tháng 9-2019, nhà đầu tư đã thực hiện xong cầu sắt Bình Lợi mới để đưa vào khai thác, đồng thời năm 2020 cũng hoàn thành tháo dỡ các nhịp cầu sắt cũ, chỉ giữ 2 nhịp để bảo tồn theo yêu cầu của TP.HCM. Vì vậy, các sà lan không còn cảnh phải nằm chờ nước rút mới "chui" qua cầu như trước đây.
Tuy nhiên do vướng mắc về vốn và cảng, nhà đầu tư đã tạm dừng thực hiện các công việc tiếp theo, đồng thời kiến nghị Ban quản lý dự án 7 (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) xem xét xin dừng dự án. Nhà đầu tư cho biết nguồn thu để hoàn vốn cho dự án được thu từ các tàu có tải trọng toàn phần từ 300 tấn trở lên khi đi từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc và ngược lại, tức sẽ tiến hành thu phí khi phương tiện vào các cảng An Sơn, Bến Súc và Rạch Bắp (Bình Dương).
Nhưng đến nay cảng An Sơn mới đầu tư xây dựng một phần, cảng Rạch Bắp chưa đầu tư. Bộ GTVT cũng đã có điều chỉnh quy hoạch bỏ cảng Bến Súc và thay bằng cảng khác. Vì vậy, khi dự án hoàn thành sẽ không có cảng để thu phí như phương án đã lập. Do đó, dự án sẽ không có nguồn thu hoàn vốn.
Về vốn đầu tư, nhà đầu tư cho hay khi lập dự án tỉnh Bình Dương cam kết cho vay 300 tỉ đồng và không tính lãi. Tuy nhiên, do nguyên nhân chủ quan và khách quan, đến nay không thể giải ngân theo cam kết. Mặt khác, hợp đồng tín dụng với ngân hàng bị phá vỡ do cơ cấu vốn thay đổi vì thiếu hụt phần vốn cam kết của tỉnh Bình Dương...
Nhà đầu tư dự án BOT Bình Lợi cho biết dù đã rất nỗ lực tìm kiếm nhà tài trợ vốn, nhưng đến nay chưa có kết quả. Vì vậy, đề xuất Ban quản lý dự án 7 xem xét và báo cáo Bộ GTVT làm việc với các bộ ngành, báo cáo Thủ tướng chấp thuận dùng vốn ngân sách nhà nước mua lại dự án BOT này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận