06/08/2024 20:26 GMT+7

Xin giao rừng làm dự án rồi để mất rừng

Sau khi giao rừng cho doanh nghiệp làm dự án, nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng tại Kon Tum đã biến mất khi cơ quan chức năng đi kiểm tra.

Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nơi có diện tích che phủ rừng lớn tại tỉnh này - Ảnh: TẤN LỰC

Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nơi có diện tích che phủ rừng lớn tại tỉnh này - Ảnh: TẤN LỰC

Những năm qua tỉnh Kon Tum đã giao đất, giao rừng cho nhiều doanh nghiệp triển khai dự án kinh tế, du lịch tại huyện Kon Plông. Trong số này, không ít doanh nghiệp được giao quản lý các vùng rừng xanh tốt nhưng tới khi cơ quan chức năng đi kiểm tra chỉ còn đất trống.

Giao rừng, kiểm tra còn đất trống

Cụ thể, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, Công ty cổ phần dược liệu Mekong được giao dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng một số cây dược liệu quý hiếm tại thị trấn Măng Đen.

Thời điểm giao rừng khu vực này rừng tự nhiên thường xanh. Sau thời gian hoạt động, cơ quan chức năng đi kiểm tra phát hiện hơn 23.000m2 rừng tại đây không còn rừng.

Cây rừng bị chặt hạ tại một dự án giao rừng cho doanh nghiệp ở huyện Kon Plông, Kon Tum - Ảnh: L.T

Cây rừng bị chặt hạ tại một dự án giao rừng cho doanh nghiệp ở huyện Kon Plông, Kon Tum - Ảnh: L.T

Hay dự án đầu tư nông trại hữu cơ của HTX Tuyến Sơn Kon Plông được giao cho thuê rừng tự nhiên, rừng hỗn giao tại tiểu khu 474, xã Măng Cành. Sau khi giao rừng, cơ quan chức năng đi kiểm tra phát hiện hơn 11.000m2 không còn rừng.

Tương tự, 7.500m2 rừng tự nhiên, rừng trồng thông ba lá tại tiểu khu 488 dự án khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Măng Đen cũng biến mất sau khi Nhà nước giao rừng.

Ngoài ra, một số dự án mất rừng diện tích lớn khác như: dự án vườn hoa Măng Đen mất gần 8.700m2 rừng; dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và trồng dược liệu dưới tán rừng mất gần 8.500m2 rừng;

Dự án đầu tư nuôi cá nước lạnh, trồng dược liệu kết hợp du lịch sinh thái làm mất 5.400m2 rừng…

Buộc nộp phạt, trồng lại rừng

Sau khi phát hiện nhiều diện tích rừng bị mất, Hạt kiểm lâm huyện Kon Plông lập hồ sơ phân loại xử lý.

Đối với các dự án có dấu hiệu hình sự, cơ quan này lập thủ tục kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, sau đó cơ quan chức năng đã ra quyết định không khởi tố vụ án vì xác định nhiều diện tích rừng bị mất trước khi có quyết định cho thuê rừng.

Thay vào đó, các doanh nghiệp bị xử lý vi phạm hành chính và buộc phải trồng lại rừng. Nhiều dự án không ra quyết định xử phạt hành chính do đã hết thời hiệu.

Về diện tích rừng bị mất, Hạt kiểm lâm huyện Kon Plông đang điều tra, xác minh đối tượng phá rừng để xử lý theo quy định.

Đại diện Hạt kiểm lâm huyện Kon Plông cho hay qua kiểm tra xác minh có một số người tham gia phá rừng là người của doanh nghiệp tự chặt phá. Nhưng do diện tích tính trên một trường hợp không đủ để khởi tố vụ án nên cơ quan chức năng xử lý hành chính.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nam - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum - cho biết tới nay cơ bản đã xử lý xong các trường hợp sai phạm. Các tổ chức, cá nhân đã thực hiện nộp tiền xử phạt hành chính và triển khai biện pháp khắc phục, trồng lại rừng.

Theo ông Nam, qua xem xét có những dự án mất rừng nhưng doanh nghiệp không thuộc trường hợp cố tình phá rừng. Việc mất rừng chủ yếu diễn ra trong thời gian dịch COVID-19, các dự án không có người quản lý nên có thể người dân tranh thủ lấn chiếm.

Doanh nghiệp cũng thừa nhận có trách nhiệm trong việc này và một số doanh nghiệp bị phạt rất nặng, tới hàng trăm triệu đồng.

Theo ông Nam, việc mất rừng có nhiều nguyên nhân. Ví dụ như việc lập hồ sơ không cập nhật được biến động diện tích rừng trước khi cơ quan chức năng cho doanh nghiệp thuê.

Việc tư vấn, lập hồ sơ dự án không chặt chẽ, chưa xác định chính xác việc biến động rừng tại thời điểm giao rừng. Trong việc này ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp còn có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng kiểm lâm.

Trường đại học bị xử phạt vì phá rừng

Trong số các dự án vi phạm, dự án Trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao công nghệ của Trường đại học Cần Thơ đã san ủi đất vào lâm phần rừng của Công ty Lâm nghiệp Kon Plông với diện tích 370m2 tại tiểu khu 488, thị trấn Măng Đen.

Với lỗi này, Hạt kiểm lâm huyện Kon Plông đã xử phạt hành chính Trường đại học Cần Thơ 10 triệu đồng về hành vi phá rừng trái pháp luật, buộc trồng lại rừng đến khi thành rừng. Đơn vị này đã nộp tiền phạt và trồng lại rừng trên diện tích thiệt hại, cam kết chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cho đến khi thành rừng.

Giao đất rừng phòng hộ cho người nhà nguyên bí thư huyện: Kiểm tra dấu hiệu vi phạm 21 đảng viênGiao đất rừng phòng hộ cho người nhà nguyên bí thư huyện: Kiểm tra dấu hiệu vi phạm 21 đảng viên

Liên quan vụ giao đất rừng phòng hộ cho người nhà nguyên bí thư huyện, lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) cho biết nhiều đảng viên ở huyện này bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên