Cả xã tôi người dân có phong tục “sống có đèn, chết phải có kèn có trống”, ngày nay phong tục đó không những được giữ gìn mà còn làm rầm rộ gấp nhiều lần hơn xưa. Trước những người ra đi từ 60 tuổi trở lên được coi là thọ thì đám ma mới có trống kèn.
Còn nay, chạy đua với “phong trào” nhà nào có người thân mất cỡ 40 tuổi cũng rước phường kèn trống cả.
Thường người chết được liệm khoảng 3g chiều, trống kèn nổi lên gọi là đưa tiễn. Ngay sau đó là giờ của bà con đến viếng, thế là kèn trống rong ruổi suốt đến 7g thì nghỉ khoảng 30 phút để ăn tối, sau đó lại nổi lên rền rĩ.
Trống cái được đánh cật lực bằng hai cái dùi to bằng cổ tay, cộng với tiếng kèn lớn khiến ngồi trong đám ai nấy đều đinh tai rồi. Vậy mà ở nhiều đám phường kèn còn gắn micro vào cho vọng ra loa phóng thanh phóng về bốn hướng làm cho cả làng, cả xã nhức óc suốt đêm.
Nhiều đám có con cháu khá giả thuê luôn dàn kèn đồng, một bộ sáu chiếc kèn này nổi lên là cả làng cầm chắc không ai ngủ được. Chưa hết, ở gần chỗ con cháu ngồi khóc cũng được gắn mấy cái micro để thu tiếng khóc lên loa.
Cứ vậy, có đám tang là kèn, trống suốt ngày đêm, có bơn bớt một chút vào giờ cúng cơm, chỉ đánh trống con và kèn nhỏ, sau đó lại tiếp tục kèn trống lớn cho tận lúc đưa người mất ra đồng. Mồ yên mả đẹp cho người mất rồi, gia đình lại về nhà cúng cả giờ nữa mới dứt điểm.
Đám tang xong, con cháu người mất bơ phờ đã đành, còn cả làng cũng oải theo với tiếng trống, tiếng kèn.
Cũng biết “nghĩa tử là nghĩa tận”, khi một gia đình có tang thì làng xóm chung tay góp sức lo lắng cho chu toàn, bỏ qua những sai sót, bất tiện mà đám tang gây ra. Song chuyện kèn trống trong đám tang đến mức như “tra tấn” cả làng xóm thì cũng nên gia giảm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận