Đại diện các doanh nghiệp tham gia Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp - chính quyền TP.HCM ngày 28-10-2016. Tại hội nghị này nhiều doanh nghiệp “than” thủ tục hành chính - Ảnh: Tiến Long |
Chia sẻ với TTO, một độc giả cho biết anh loay hoay cả mấy tháng nay vẫn chưa làm xong thủ tục cho một miếng đất ở quận 8. Sau khi bổ sung hàng tá giấy tờ thì nhận được biên nhận trả hẹn nhưng đến hẹn thì không thấy kết quả.
Trong khi đó, một độc giả khác cho biết mình làm hồ sơ chuyển nhượng hơn hai tháng ở một quận khác mà chưa có sổ. Anh Thanh Hùng kể mình đi làm hồ sơ tặng đất của các con cho lại mẹ mình mà đến lần thứ mười vẫn chưa xong.
"Nộp hồ sơ xong rồi, cán bộ bảo cứ về đi, hẹn một tuần sau sẽ giải quyết, đến hẹn, tôi lại đến gặp cán bộ, thì cán bộ nói còn thiếu giấy tờ này nọ cần phải bổ sung. Đến khi tôi bổ sung đầy đủ giấy tờ rồi thì cán bộ nói: bác cứ về đi khi nào “có gì” thì tôi sẽ giải quyết - bạn Thành kể với TTO.
Một người dân đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường lập một trang web để trả lời các câu hỏi, kiến nghị, thắc mắc để người dân có chỗ mà hỏi, hỏi có người trả lời và câu trả lời đó được thực hiện.
Phục vụ thay vì ban phát
Theo các chuyên gia, phải xác định hành chính công là dịch vụ hành chính, là nền công vụ phục vụ người dân đóng thuế chứ không phải là nền công vụ ban phát, có như vậy mới thay đổi được vấn đề.
Dẫn chứng, luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) cho biết luật quy định công dân có đất thì có quyền đăng ký để có giấy chứng nhận quyền sử dụng, nhưng có công chức cứ nghĩ Nhà nước có quyền cho họ cái giấy chứng nhận, trong khi đó là nghĩa vụ của Nhà nước buộc phải làm để ghi nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân.
“Tức là, thay vì để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với công dân, các công việc thủ tục hành chính được xem như việc đăng ký các điều kiện để người dân thực hiện quyền, thì hiện nay người dân doanh nghiệp toàn phải đi xin tất cả các loại giấy tờ thủ tục từ nhà nước ”, LS Lê Cao nêu.
“Phiền hà, phiền nhiễu là những từ người ta hay dùng để nói về quá trình thực hiện các thủ tục hành chính hiện nay. Có những thủ tục mà đơn vị ngoài Nhà nước có giấy phép được thực hiện như công chứng thì các phòng công chứng tư lại làm nhanh chóng hơn các cơ quan nhà nước.
Nếu công vụ Nhà nước kém cả dịch vụ tư nhân thì mất uy tín quá và người dân cũng sẽ chạy dần sang sử dụng những dịch vụ tư nhân nếu có thể”, PGS.TS Vũ Hào Nguyên, nguyên viện phó Viện dư luận xã hội nêu nhận xét.
Cốt lõi là con người
LS Lê Cao cho rằng cốt lõi của cải cách hành chính là con người chứ không phải máy móc, thiết bị hiện đạt đồng nghĩa với việc thủ tục nhanh, gọn.
“Chúng tôi đã từng có dịp đến cơ quan hành chính của một vài địa phương, dù trụ sở khá cũ kỹ, trang thiết bị có phần lạc hậu nhưng năng lực, trình độ chuyên môn cao, đạo đức chức nghiệp tốt thì việc giải quyết cho người dân vẫn nhanh gọn. Cán bộ không nề hà và không vẽ thêm việc cho dân.
Ngược lại, có nơi máy móc thiết bị hiện đại nhưng thái độ phục vụ người dân không tốt thì việc giải quyết thủ tục hành chính sẽ trì trệ”, ông Lê Cao nêu ý kiến.
Ngoài ra, theo các chuyên gia các cơ quan Nhà nước cũng nên cải tiến, ứng dụng các công nghệ, phần mềm mới nhiều tiện ích để việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân được nhanh chóng, tiện lợi hơn.
Chẳng hạn UBND tỉnh Đồng Nai sẽ sử dụng một ứng dụng nhắn tin, điện thoại miễn phí trên điện thoại di động để tra cứu các nội dung liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, thông tin bộ thủ tục hành chính và là kênh để người dân góp ý về công tác cải cách hành chính của tỉnh. Một số bệnh viện cũng sử dụng dịch vụ này để người bệnh đăng ký khám, nhận kết quả xét nghiệm, đơn thuốc… mà không cần phải mất quá nhiều thời gian đợi chờ ở bệnh viện.
Các chuyên gia nhận định cải cách thủ tục hành chính không chỉ có lợi cho người dân, doanh nghiệp mà còn yêu cầu sống còn, đảm bảo sự phát triển cho địa phương, quốc gia. Một bộ máy hành chính đình trệ sẽ cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh - vốn là nền móng của sự phát triển.
Để người dân chấm điểm, giám sát
Các chuyên gia cho rằng hiệu quả thực sự của cải cách hành chính, sự tốt xấu của một nền công vụ không phải tự các cơ quan Nhà nước chấm điểm cho nhau hay thông qua những cuộc khảo sát nặng tính hình thức.
Cách tốt nhất để người dân, người thực sự thụ hưởng sự phục vụ - giám sát, chấm điểm và đánh giá.
“Phải có cơ chế để khi người dân bị phiền hà, hạch sách, sách nhiễu thì họ có nơi để trình bày và làm sao để những phản ảnh của họ được lắng nghe, giải quyết, danh tính của họ được bảo vệ. Nếu cứ áp dụng các cơ chế cũ như đoàn kiểm tra này, đoàn kiểm tra kia hay cấp dưới báo cáo cấp trên thì không giải quyết được vấn đề, những cán bộ gây phiền hà, hạch sách dân sẽ không bị phát hiện”, PGS.TS Vũ Hào Quang nêu kiến nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận