Rừng thông ở Mộc Châu, Sơn La - Ảnh: GIA TIẾN
Điểm yếu nhất của du lịch Việt Nam, cũng là của nhiều ngành khác, chính là yếu tố con người. Mọi yếu kém và cản trở hiện nay đều do con người tạo ra, từ quy hoạch, chính sách, môi trường, giáo dục đến vệ sinh thực phẩm, an ninh xã hội, giao thông, dịch vụ…, nhìn đâu cũng có vấn đề.
Tài nguyên du lịch thuộc hàng khủng nhưng sản phẩm nghèo nàn, đơn điệu. Biển miền Trung na ná giống nhau. Tâm linh đa phần chùa mới, hoành tráng mà thiếu bề sâu. Tây Nam bộ thì chèo xuồng, tát mương bắt cá, đờn ca tài tử, cá lóc nướng trui, cá tai tượng chiên xù, bông điên điển. Phía Bắc thì hồ, núi, đèo, cá suối, heo bản, gà đồi…
Bãi biển ở Cù lao Câu, Tuy Phong, Bình Thuận - Ảnh: GIA TIẾN
Đi một tỉnh là biết hết cả vùng. Văn hóa đám đông lậm vào trong du lịch, bắt chước mà thiếu sáng tạo. Ẩm thực đa dạng nhưng món ngon không có tên riêng.
Để du lịch Việt Nam phát triển, phải liên kết, hợp tác. Ai cũng biết vậy. Đã có nhiều ban bệ thành lập và nhiều hội thảo. Phương hướng thống nhất nhưng cách làm cụ thể thì lúng túng.
Món lẩu mắm miền Tây - Ảnh: GIA TIẾN
Bên cạnh nhiều điểm đến bất ngờ và những sáng tạo mới; vẫn tồn tại khá phổ biến nhiều cách làm cũ.
Liên kết chỉ hiệu quả khi có sản phẩm đặc thù để kéo khách đến và giữ khách ở lại. Muốn vậy, từng địa phương phải chọn ra được sản phẩm riêng, tránh trùng lặp.
Đặc thù phải mới lạ. Ở đời, ngon hay đẹp là do khẩu vị và cảm nhận từng người, từng vùng. Nhưng mới, lạ là nơi khác chưa có, rất dễ thống nhất.
Các đoàn famtrip khảo sát và bàn việc hợp tác được tổ chức liên tục. Từ Tây Bắc qua Đông Bắc, về Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, ra miền Trung. Dù thời tiết bất tiện, các đoàn vẫn lên đường, tìm sản phẩm mới, tới đâu cũng được đón tiếp thân tình, niềm nở, làm việc khẩn trương.
Có khoảng cách giữa các chuyên gia thực tiễn và quản lý tại chỗ. Được miễn phí đi lại, ăn ở, đón tiếp nồng nhiệt; nhiều đại biểu vẫn quen nếp cũ, tụng ca với những mỹ từ có cánh. Cách làm này có thể tạo cho địa phương cảm giác tự sướng và ngộ nhận, mà thiếu những phản biện và đề xuất cách làm thiết thực.
Hải sản trên đảo Phú Quý, Bình Thuận - Ảnh: GIA TIẾN
Đồi chè Tâm Châu, Bảo Lộc, Lâm Đồng - Ảnh: GIA TIẾN
Cũng cần tránh cái nhìn bi quan, tiêu cực làm nản lòng các điểm đến mới. Hãy thôi kêu ca. Hết "nhân lực thiếu và yếu", đến "giao thông khó khăn", rồi "tài chính eo hẹp". Chẳng có tiên bụt giúp mình đâu. Mấy trăm ngàn cử nhân, cao đẳng thất nghiệp, thiếu là sao? Yếu thì đào tạo lại, cầm tay chỉ việc. Mù chữ cũng làm du lịch được nếu thật lòng và được tạo điều kiện. Dĩ nhiên, tốt nghiệp đại học học vẫn tốt hơn.
Giao thông khó khăn, nhưng xe dưới 16 chỗ vẫn chạy vào được. Chờ mở đường nâng cầu cần nhiều thời gian, nhưng thương nhau mấy núi cũng trèo. Sản phẩm nghèo nàn thì cạnh nhà cũng chẳng ai ngó tới. Tiền trong dân, tiền doanh nghiệp không thiếu, chỉ thiếu các dự án thiết thực, đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Để tăng tốc sau đại dịch COVID-19, tôi đề xuất mô hình 3 - 6 - 6 với du lịch Việt Nam.
3 là 3 đặc thù của từng tỉnh thành. Mỗi đơn vị chọn ra 3 nét đặc trưng nhất để xây dựng các sản phẩm tương ứng. 6 là số lượng món ngon phải thử khi đến địa phương đó.
Các tỉnh thành tổ chức sưu tầm, thi món ngon; chọn ra 6 món độc đáo nhất và đặt tên riêng cụ thể, có địa chí du lịch rõ ràng.
Du khách trên bãi biển Đà Nẵng - Ảnh: GIA TIẾN
6 cũng là đề xuất chung, không riêng địa phương nào.
1. Làm du lịch là làm kinh tế chứ không phải phong trào. Không chạy theo số lượng với các lễ hội tốn kém (tốn tiền, kém hiệu quả).
2. Thay đổi tư duy phục vụ. Lấy nụ cười và sự thân thiện làm vũ khí cạnh tranh, bên cạnh cải thiện chất lượng dịch vụ.
3. Đoạn tuyệt với thói quen gắp đồ ăn cho khách, dùng nước chấm chung, dùng đũa muỗng riêng lấy thức ăn chung.
4. Ưu tiên phát triển du lịch xanh, bền vững. Hạn chế tối đa du lịch bê tông, phá vỡ cảnh quan, xâm hại môi trường.
5. Bớt hội thảo, hội nghị; dành thời gian đi thực tế để tư vấn, góp ý thực tiễn. Dành kinh phí lễ hội để hỗ trợ người dân làm du lịch. Tư vấn phải đồng hành và bảo hành.
6. Xây dựng mối quan hệ tam giác đều, tác động qua lại, thúc đẩy và hỗ trợ nhau giữa NHÀ NƯỚC - LỮ HÀNH & NGƯỜI DÂN - DU KHÁCH.
Mời bạn tham gia Diễn đàn hiến kế liên kết du lịch TP.HCM và các tỉnh thành
Sở Du lịch TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn hiến kế trực tuyến liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Mục tiêu của diễn đàn là mong lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như độc giả cả nước trong việc phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai. Diễn đàn này cũng nhằm mở ra chương trình kích cầu du lịch của TP.HCM giai đoạn 2 với tâm thế "With COVID-19" (Cùng với COVID-19).
Diễn đàn mong nhận được nhiều bài viết hiến kế đóng góp của độc giả, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trên cả nước từ nay đến 30-11-2020. Ý kiến xin gửi về email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận