TTCT - Sao lại phải cúi gằm mặt khi đi ngang quầy vé để rồi tung tăng cười đùa khi vào đến bên trong? Ảnh: Pinterest Tôi ghé mua một bó hoa trước khi tiến vào viếng ngôi chùa vàng Shwedagon. Bàn chân trần của tôi đặt lên từng bậc tam cấp đá lạnh, tôi như được nhấc khỏi cái nóng bức phía ngoài. Gần đến quầy bán vé cho khách du lịch nước ngoài, tôi dừng lại thò tay vào balô để lấy ví tiền của mình ra. Ngay lúc đó, một giọng nói tiếng Việt vang lên ngay cạnh tôi: “Mấy em tách ra, đi qua bên trái và cứ bước vào nha, người ta gọi thì cứ làm ngơ, coi như mình là người bản địa là họ không nói gì mình đâu. Vậy là khỏi mua vé!”. Tôi nhìn chằm chằm vào những vị khách du lịch nước tôi và đứng sững như trời trồng khi họ làm đúng như những gì người đàn ông kia vừa hướng dẫn. Ở trong quầy bán vé, cô gái người Myanmar cố nhoài người gọi, nhưng họ cứ làm ngơ, từng người đi thẳng vào trong chùa. Tôi nhìn thấy chị ấy lắc đầu rồi quay trở lại công việc của mình. Tôi cứ ôm bó hoa và “đứng hình” một lúc lâu, tự hỏi mình đang chứng kiến điều gì ngay trước cổng chùa linh thiêng? Tôi đến mua vé rồi vội vàng bước nhanh theo những người khách ấy. Tôi hỏi họ: “Anh chị có vé chưa? Tôi thấy cô bán vé gọi theo các anh chị kìa?”. Họ trả lời: “Mua làm gì, chùa này miễn phí cho người bản xứ mà, mình cứ tự coi mình là người bản xứ đi, chút nữa chúng tôi cúng dường là được”, rồi họ bận bịu với chiếc điện thoại và liên tục selfie. Họ đã trốn vé bằng cách vờ làm người bản xứ, đó là hành động dối gạt người trong khi lại đang đi viếng chùa?! Họ nghĩ rằng họ đã qua mặt được người bán vé nhưng tôi biết rằng họ không thể, người bán vé không chạy theo họ bởi vì một lý do nào đó, nhưng người bán vé đã biết sự thật. Mà cho dù họ dối gạt được người bán vé thì liệu họ có thể dối gạt chính họ? Một chiếc vé chẳng đáng giá bao nhiêu để vào ngôi chùa là kiệt tác kiến trúc của thành phố Yangon, Myanmar. Sao lại phải cúi gằm mặt khi đi ngang quầy vé để rồi tung tăng cười đùa khi vào đến bên trong? Tôi đi vòng quanh bảo tháp giữa cái nắng chiều mà thấy lòng hoang mang. Phải chăng nhiều người Việt mình đang tự tạo ra hình ảnh xấu xí khi đi du lịch nơi này nơi kia mà không hề nhận ra điều đó? Có phải họ nghĩ rằng ở một nơi xa lạ, đâu ai biết ai thì... sợ gì? Những cách trốn vé như tôi chứng kiến có phải được những người đi trước rỉ tai cho những người đi sau để “tiết kiệm” một ít tiền? Và khi trên mạng xã hội, những bức hình tung lên có kèm câu chuyện họ trốn vé? Tiết kiệm khi đi du lịch là điều không ai chê trách, nhưng bằng cách gian lận và trốn vé để rồi vung tay khi đi mua sắm, có phải là một câu chuyện đáng xấu hổ? Bất giác tôi thở dài khi nhớ đến lời của một người bạn Myanmar: “Tôi không thích người Việt Nam các bạn, tôi đã gặp rất nhiều người Việt đến đất nước nghèo và mộ đạo của chúng tôi, bỏ tiền ra và đòi hỏi những dịch vụ sang trọng, bỏ tiền ra để cố ép chúng tôi phục vụ theo ý các bạn. Nhưng khi vào chùa họ lại không mua vé bởi cho rằng chùa phải là miễn phí. Và các bạn vào chùa hành lễ thì ít mà chụp hình cười nói thì nhiều”.■ Tags: Tiết kiệmDu lịch trách nhiệm
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.