Xin đừng thu dép của em

LÝ THỊ THỦY (giáo viên Trường THCS và THPT Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên)
LÝ THỊ THỦY (giáo viên Trường THCS và THPT Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên)

TT - Chiều thứ sáu có đoàn kiểm tra nề nếp học sinh, nhìn cả lớp ai cũng nghiêm chỉnh. Tôi đưa mắt quét qua một lượt khắp phòng học và dừng lại nơi em Hờ Hảo. Em lập cập rúm ró trong bộ quần áo đã ngả màu, đôi dép nhựa cũ kỹ không thoát khỏi ánh mắt đoàn kiểm tra nề nếp trường học.

1vplGweZ.jpgPhóng to
Hờ Hảo (giữa) và các em trước ngôi nhà của mình - Ảnh: T.Thủy

Cả lớp chỉ một mình em không thực hiện đúng nội quy. Tôi nhắc em nộp lại đôi dép cho trường. Lý do đã thông báo từ đầu tuần nếu ai mang dép không có quai hậu sẽ bị nhà trường thu vĩnh viễn (thật ra trường chỉ thu và giữ rồi khoảng một, hai tuần sẽ trả lại).

Em im lặng cúi đầu, tôi thấy nghèn nghẹn như có gì đó chạy dọc tâm can. Rồi bao nhiêu ánh mắt các bạn, thầy cô đổ về phía em. Có bạn ngồi cạnh khều tay khẽ nhắc: “Nộp cho thầy cô đi”. Em lưỡng lự rồi chần chừ cúi xuống trong khi một thầy nhắc nhanh lên. Đôi dép nhựa run run trên tay em hướng về phía tôi, mắt em rưng rưng và rồi em rụt tay lại. Một bạn khác nhắc em từ phía sau: “Cãi thầy cô bị đuổi học bây giờ”.

Em vẫn thế, điềm nhiên đưa đôi dép vào cặp, kéo khóa lại và ôm khư khư nó trước sự ngỡ ngàng của tôi và đồng nghiệp. Định thần lại, tôi lên tiếng: “Tạm thời em ngồi xuống học tiếp, sau tiết học này em lên văn phòng, thầy cô có chuyện muốn nói với em”.

Thế rồi từ cuộc nói chuyện với em tại văn phòng, gặp cô giáo chủ nhiệm, rồi sau đó đến thăm nhà em, tôi mới biết em chỉ có duy nhất đôi dép đó để đến trường. Gia đình thuộc diện nghèo khó, em là chị cả, các em còn nhỏ nên mẹ phải ở nhà trông em, gánh nặng gia đình rơi vào vai người cha quanh năm cày thuê cuốc mướn.

Đã thế, năm nay gia đình còn khó khăn hơn khi em mắc căn bệnh lạ, toàn thân nổi mẩn ngứa, cha mẹ em đã mượn tiền đến bệnh viện nhưng bệnh vẫn chưa dứt, từng mảng dị ứng cứ lặn rồi lại mọc khiến em phải nghỉ học thường xuyên. Đi khắp các bệnh viện, bệnh cũng không khỏi. Bệnh viện ở TP Quy Nhơn giới thiệu gia đình nên đưa em đến bệnh viện trung ương nhưng gia đình không đủ điều kiện. Kinh tế gia đình cứ theo căn bệnh của em mà ngày càng khó khăn hơn, nợ nần chồng chất.

Ba mẹ em là người dân tộc thiểu số, mẹ em tâm sự với chúng tôi bằng tiếng Kinh giọng lơ lớ: “Nó thích đi học lắm, mong sao có đủ tiền để đưa nó vào Sài Gòn khám chữa bệnh một lần, chứ mỗi lần nhìn con mẩn ngứa, mặt mày sưng húp ôm cặp nằm nhà khóc tôi đau lắm”... Chỉ nghe đến đó thôi, tôi hiểu vì sao học trò mình giữ khư khư đôi dép không quai hậu cũ kỹ vì sợ thầy cô thu mất.

Câu chuyện về em được nhắc đến nhiều trong các cuộc họp hội đồng sư phạm, để rồi thầy cô cùng học sinh toàn trường chung tay quyên góp số tiền ít ỏi giúp em vượt qua những khó khăn, thiếu thốn trước mắt, tạo điều kiện tốt nhất cho em đến trường.

Chiều nay em chạy đến bên tôi, mặt em lại đỏ bừng sưng húp, xin cho em nghỉ ba tiết học còn lại. Tôi chở em về, trời nắng, đường xa. Thấy lòng nghèn nghẹn, dặn em rằng hãy cố gắng đi học, khi nào phát bệnh không ngồi học được nữa thì nghỉ, đừng nản lòng rồi bệnh sẽ được chữa lành vào một ngày không xa. Tôi cũng không quên tự dặn mình đừng bao giờ nóng vội phán xét những khuyết điểm, hành động chưa đúng của trò mà hãy cố gắng quan sát, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư tình cảm của các em để yêu thương và bao dung với học trò của mình nhiều hơn nữa.

LÝ THỊ THỦY (giáo viên Trường THCS và THPT Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên