Người lao động góp ý kiến về tuổi nghỉ hưu - Ảnh: Đ.BÌNH
Bạn thắc mắc, ngạc nhiên ư? Bài viết này sẽ mang đến cho bạn một góc nhìn.
Tuổi càng cao sức ì càng lớn
Không phải tất cả giáo viên lớn tuổi đều hết nhiệt huyết lao động, nhưng có thể khẳng định 60-70% thầy cô giáo hiện nay đang ở độ tuổi trên 50 đã có nhiều biểu hiện năng lực của tuổi "xế chiều".
Sức ì của những giáo viên lớn tuổi này "phát huy" ở rất nhiều mặt, từ việc dạy đến các hoạt động, sinh hoạt, giáo dục học sinh.
Thay vì từng tiết học phải tổ chức các hoạt động học tập sao cho hay, cho sinh động để thu hút sự chú ý của các em thì những thầy cô ấy khi vào lớp cứ ra bài cho học sinh làm còn mình thì ngồi một chỗ cho nhanh hết tiết để bước ra.
Rồi thay vì phải đi từng nhóm, nhìn từng em để giúp đỡ, hỗ trợ thì những giáo viên ấy chỉ trung thành duy nhất với một cách dạy mang tên truyền thống.
Nhiều hoạt động của trường đề ra, trong khi các lớp giáo viên và học sinh hồ hởi tham gia thì những giáo viên này phản đối việc triển khai hoặc chỉ làm cho có.
Những thầy cô này ít chịu học hỏi, càng không bao giờ bỏ công tìm hiểu để nâng cao sự hiểu biết của mình, để cập nhật những kiến thức mới phù hợp với những đòi hỏi hiện tại.
Những điều họ dạy chủ yếu là kinh nghiệm và kiến thức được tích lũy từ thời đi học sư phạm. Những bài dạy chỉ là "bổn cũ soạn lại" mà không hề có sự đổi mới hơn.
Không ít thầy cô (do lớn tuổi hoặc thay đổi tâm sinh lý) nên bệnh tật hành hạ như mắt mờ, họng đau vì bệnh nghề nghiệp, tay chân nhức mỏi luôn tỏ ra cáu bẳn, quát nạt học sinh mà ít có sự gần gũi, thân thiết với các em.
Điều bất lợi nhất chính là ít ai có thể làm thay đổi họ. Chính Ban Giám hiệu nhà trường ít nhiều còn phải nể họ vài phần vì ngoài lớn tuổi, họ cũng từng là những giáo viên có khá nhiều thành tích trong quá khứ.
Học sinh thiệt thòi nhiều
Khi không được học, không được tiếp cận những phương pháp dạy học mới, cập nhật những kiến thức mới (ngoài sách vở), học sinh sẽ vô cùng thiệt thòi.
Ngoài ra, các em cũng ít được vận động, ít được tổ chức các hoạt động học tập đúng nghĩa, do đó kỹ năng sống sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Với 2 bậc học mầm non và tiểu học, việc tăng tuổi hưu cho giáo viên càng không phù hợp. Ở lứa tuổi này, học sinh luôn tỏ ra hào hứng khi được học với các thầy cô giáo trẻ, xinh xắn và năng động. Với giáo viên lớn tuổi, nhiều em tỏ ra không thích.
Chưa kể giáo viên dạy mẫu giáo, tiểu học phải luôn hát múa, kể chuyện, đóng hoạt cảnh cùng các em, nhưng với giáo viên lớn tuổi, điều này sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Thế nên mới nói tăng tuổi nghỉ hưu giáo viên chưa phải là người chịu thiệt thòi nhất mà chính là học sinh.
Học sinh chịu thiệt thòi, còn giáo viên vẫn ngày 2 buổi thong thả cắp cặp tới trường. Vào lớp vừa dạy vừa ngồi, cuối tháng nhận lương cao gấp nhiều lần những thầy cô giáo khác.
Vậy nên, nếu vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục, xin đừng tăng tuổi nghỉ hưu cho nhà giáo!
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Bạn có đồng ý với góc nhìn này, hoặc có ý kiến gì liên quan vấn đề này? Mời bạn gửi ý kiến ở ô Bình luận dưới bài hoặc gửi email tới địa chỉ: [email protected]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận