(Phản hồi bài báo Khánh Hòa: Nguy cơ tuyệt chủng voọc chà vá chân đen ở Ninh Hòa đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 30-1-2009)
Tôi tự hỏi sự nhận thức về việc bảo tồn, thái độ cư xử của người dân với các loài vật hoang dã được giáo dục thế nào? Các thế hệ con cháu chúng ta mai sau liệu có cơ hội chiêm ngưỡng sự tồn tại họ hàng loài voọc nữa không?...
Tôi xin chia sẻ những chuyện tôi tận mắt chứng kiến. Vào một buổi tối tháng 7-2008, tôi được người bạn gọi điện thoại mời đến quán nhậu trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP.HCM) để chung vui vài ly sau khi anh ấy đi thăm bà con ở huyện Bù Đăng (Bình Phước). Anh ấy nói có món đặc sản mang trên đó xuống.
Phóng to |
Khi đến nơi mọi người bảo tôi ăn thử và cho ý kiến. Thật lòng tôi không thấy gì đặc sắc và cũng không phân biệt được đó là loại thịt gì. Sau đó anh ấy khoe đó là thịt loài voọc đã mua được ở Bù Đăng. Tôi cảm thấy rất khó chịu vì đã ăn thịt loài voọc.
Anh ấy bảo mai mốt sang nhà anh ấy nhậu tiếp vì vẫn còn hàng. Anh ấy khoe là mua được hai con voọc với giá rất bèo. Để chứng minh, bạn tôi còn cho xem hai bộ đầu, chân tay và thịt của hai con voọc vẫn còn tươi. Tôi cảm thấy nhói lòng. Bạn tôi cho biết thịt voọc rất dễ mua ở Bình Phước vì các thợ săn thường săn được nhiều con trong đàn nếu một con bị bắn trúng. Khi một con trong đàn bị bắn thì những con khác không bỏ chạy mà thường trốn trong những cây quanh đó và thường ló mặt ra để quan sát.
Màu sắc của loài voọc cũng rất dễ phát hiện, vì thế mỗi lần săn gần như toàn bộ thành viên của đàn voọc bị hạ sát, các thợ săn có thể săn được từ 5-7 con voọc mang về bán. Buổi nhậu đó làm tôi thật sự sởn tóc gáy vì thấy thương quá và cũng lo quá. Lo vì không biết những đàn voọc còn lại có thể tồn tại được bao lâu và ai có thể bảo vệ được sự sống cho chúng?!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận