​Xin dạy đạo đức miễn phí

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Đó là trường hợp của thầy Trần Tuấn Anh - giáo viên môn giáo dục công dân Trường THCS Bạch Đằng, quận 3 và ThS Bùi Gia Hiếu - hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM.

Nhiều học sinh đã khóc khi nghe chuyên đề - Ảnh: H.Hg.
Nhiều học sinh đã khóc khi nghe chuyên đề - Ảnh: H.Hg.

Một ngày cuối năm 2014, thầy Tuấn Anh chạy xe máy ào vào sân Trường THPT Nhân Việt - điểm hẹn để các giáo viên cùng đến Trường giáo dưỡng số 5 (nơi quản lý, giáo dục người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật - NV) ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Biết mình là người đến điểm hẹn sau cùng, Tuấn Anh phân trần: “Chiều nay tôi dạy năm tiết ở trường, dạy xong là chạy đến đây ngay”. Đó cũng là lý do khiến buổi nói chuyện chuyên đề với học sinh Trường giáo dưỡng số 5 bắt đầu lúc 19g50 mà không thể diễn ra vào ban ngày.

Tiết học cảm động

Thầy biết có những bạn đã khóc. Hãy biến những giọt nước mắt của mình thành những việc làm có ý nghĩa thì hay hơn. Em ơi, hoa này tàn thì hoa khác nở. Mất mẹ rồi không biết tìm đâu. Đừng để một lúc nào đó những giọt nước mắt này không còn ý nghĩa gì nữa...
Thầy TRẦN TUẤN ANH

Với chuyên đề “Lắng nghe và chia sẻ”, ThS Bùi Gia Hiếu đã kể những câu chuyện có thật được lấy từ sách báo cho học sinh suy ngẫm. Sau những kết luận rằng muốn thành công trong cuộc sống thì trước hết con người phải biết lắng nghe; rằng chúng ta hãy thử một lần lắng nghe, quan tâm và chia sẻ với những người thân xung quanh mình để hiểu họ hơn, yêu thương cuộc sống hơn...

Buổi học bắt đầu chuyển sang chuyên đề “Biết ơn cha mẹ” do thầy Trần Tuấn Anh trình bày. Trên màn hình hiện ra hình ảnh một con cá, thầy bắt đầu câu chuyện: “Đây là con cá lóc mà người miền Bắc thường gọi là cá chuối, cá quả”.

Dân gian có câu: “Cá chuối đắm đuối vì con” là sao em? Là cá mẹ dẫn một đàn con đi kiếm ăn nhưng ở dưới ao ít thức ăn quá, nó bèn quăng mình lên bờ cho đàn kiến bu lại, ráng chịu đau cho kiến cắn, khi đàn kiến bu lại thật đông thì nó nhảy xuống nước cho đàn kiến nổi lên mặt nước, con mình có cái để ăn”.

Màn hình tiếp tục hiện ra hình ảnh một thai nhi đang nằm trong bụng mẹ. “Em thử hình dung xem chúng ta vác balô vài ký trên vai suốt mấy tiếng đồng hồ đã cảm nhận sự mệt nhọc và khó chịu đến chừng nào. Còn đây, người mẹ phải mang thêm 10-12kg. Vậy mà khi đứng, khi ngồi, kể cả khi nằm, người mẹ đều phải nhẹ nhàng, không dám làm nặng sợ bị ảnh hưởng đến con mình.

Tục ngữ có câu “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Biển có sóng, có nước, có phong ba, bão tố. Một con thuyền lênh đênh trên biển có thể bị nhấn chìm giữa phong ba, bão tố bất cứ lúc nào. Qua đó cho thấy việc đi biển vô cùng nguy hiểm. Mẹ sinh ra con nguy hiểm cũng giống như đi biển vậy, nhưng sự nguy hiểm này chỉ một mình mẹ gánh chịu, không có người thứ hai chia sẻ.

Ví như cái thai nằm đúng chiều đúng hướng, mẹ sinh ra dễ thì mẹ đau ít. Nhưng vì lý do gì đó thai nhi nằm nghiêng, nằm ngược thì khi sinh con ra mẹ đau đớn vô cùng. Có trường hợp khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời là lúc mẹ vĩnh viễn ra đi. Nhưng em ơi, thiên chức của người mẹ khiến mọi sự đau đớn ấy tan biến hết, thay vào đó là niềm hạnh phúc:

À ơi con khóc chào đời. Vầng trăng tỏa sáng, cha cười mẹ vui”. 

Những giọt nước mắt

Ấp ủ một dự án

“Trước đây, tôi có quen một cán bộ ở Trường giáo dưỡng số 4. Trò chuyện với anh nhiều lần, tôi nảy ra ý định xin được giảng dạy chuyên đề đạo đức cho học sinh trường giáo dưỡng. Vì đặc thù của mô hình trường học này không dễ gì được vào dạy ở đây.

Tuy nhiên, với mục đích tốt đẹp và dạy miễn phí, tôi lại có người quen hỗ trợ nên cuối cùng chúng tôi đã có một buổi lên lớp tại Trường giáo dưỡng số 4 (tỉnh Đồng Nai) vào cuối tháng 11-2014. Nhờ thành công của buổi học này mà chúng tôi tiếp tục xin được dạy ở Trường giáo dưỡng số 5 dễ dàng.

Tôi và anh Tuấn Anh đang ấp ủ một dự án giảng dạy đạo đức cho thanh thiếu niên chậm tiến ở các địa phương trong thời gian tới”.

Ths BÙI GIA HIẾU

Với chất giọng truyền cảm, thầy Trần Tuấn Anh tiếp lời: “Sau khi sinh con xong, mẹ nuôi nấng, chăm sóc, mẹ lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ, mẹ quạt nồng ấp lạnh. Rồi những khi trái gió trở trời, mẹ dẫn con đi bác sĩ, khi về mẹ ru cho con yên giấc mà mẹ vẫn chưa yên lòng. “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ. Năm canh chầy mẹ thức đủ năm canh”.

Mẹ thương con vậy đó, còn cha thì sao? Tình thương của cha dành cho con uy nghi, cao cả, cứng rắn như núi, còn mẹ thương con nhẹ nhàng, êm ái như chính dòng sữa mẹ.

Màn hình hiện ra hình ảnh một người đàn ông lam lũ đang đạp xe ba gác trong cơn mưa tầm tã. Cha suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để nuôi con. Thầy biết có những bạn khá giả hơn, bố mẹ không phải làm những công việc nặng nhọc như thế này. Nhưng em ơi, tiền không phải từ trên trời rơi xuống. Khi sử dụng những đồng tiền, có bao giờ em nghĩ đến cảnh ở cơ quan công việc nhiều quá, bố mẹ chúng ta phải gục đầu bên bàn phím?

Có những người không chịu được áp lực của công việc mà đột quỵ ngay tại chỗ... (cả hội trường lặng đi, rất nhiều học sinh cúi mặt xuống giấu đi những giọt nước mắt...).

...Rồi đến một lúc nào đó mẹ già mẹ yếu, trên đầu mẹ có những sợi tóc bạc như thế này. Bà mẹ nào rồi cũng có hai màu tóc: màu đen cho con và màu trắng cho mình.

Con cò tượng trưng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nói chung và hình ảnh người mẹ nói riêng: Cò ơi cò, cò làm cò để nuôi ai, mà áo cò rách mà vai cò mòn? Thiếp làm thiếp để nuôi con, áo rách mặc áo, vai mòn mặc vai. Cánh cò cõng nắng cõng mưa. Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương”.

Không khí trong hội trường chùng xuống, thầy giáo đề nghị tắt hết đèn và: “Em hãy dành ba phút để nghĩ về ba mẹ mình”. Hội trường với hơn 300 học sinh và giáo viên của Trường giáo dưỡng số 5 mà tuyệt nhiên không có một tiếng động, thi thoảng có tiếng thút thít, tiếng nấc nghẹn ngào của ai đó...

Nhân chứng sống

Chuyên đề hôm ấy không chỉ có bài giảng của thầy mà còn có cả tâm sự của học sinh Trường THPT Nhân Việt. “Ba mẹ mình đi làm tới 10g, 11g đêm mới về, ít quan tâm đến con cái nên ngay từ lớp 6 mình đã kết nhóm chọc phá mọi người và đi xin đểu. Đến lớp 9 thì mình đã quậy nổi tiếng rồi, đâm thuê, chém mướn cũng có, hút chích cũng có.

Khi biết sự thật, ba mẹ đã gửi mình vào Trường Nhân Việt để tách khỏi nhóm côn đồ gần nhà. Nhưng mình chỉ thật sự thay đổi khi nghe tin thằng bạn thân bị sốc thuốc chết. Và mình quyết tâm học, mình không thể để ba mẹ tiếp tục phải cúi mặt xuống đường khi có người nhắc đến tên mình. Bây giờ mình đã là sinh viên năm nhất Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM, vừa học vừa đi làm thêm để có thêm thu nhập.

Mình mong các bạn hãy thay đổi bằng hành động cụ thể, hãy tìm con đường đẹp để đi chứ đừng rơi vào vực thẳm...” - chia sẻ của T.D.Lâm, cựu học sinh Trường Nhân Việt, khiến nhiều học sinh dưới hội trường sửng sốt.

Kết thúc chuyên đề, thầy Trần Tuấn Anh đã mời một học sinh nam và một học sinh nữ trường giáo dưỡng chia sẻ về cảm xúc của mình. Cả hai học sinh đều trình bày khá giống nhau: “Em sẽ ráng rèn luyện để sớm được về nhà với ba mẹ”.

Theo dõi chuyên đề, chúng tôi thấy một học sinh nữ khóc rất nhiều, khóc suốt từ đầu đến cuối chuyên đề.

Em là H., quê ở Kiên Giang, phải vào trường giáo dưỡng vì tội giết người: “Từ trước tới giờ em oán trách ba mẹ rất nhiều. Ba bỏ em từ khi em còn rất nhỏ. Mẹ lấy chồng khác, để em sống với bà ngoại và dì. Em luôn nghĩ ba mẹ không thương mình. Nhưng hôm nay... (H. nghẹn ngào, nước mắt tuôn như mưa) em chỉ mong có cơ hội làm lại cuộc đời, báo hiếu cho cha mẹ”.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên