21/06/2021 07:58 GMT+7

Xin dành sự tri ân cho đội ngũ y bác sĩ

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Việt Nam đang bước vào đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Với mỗi người làm báo, đặc biệt là phóng viên phụ trách mảng y tế, được sống, tác nghiệp trong giai đoạn này mang lại nhiều cảm xúc khó quên.

Xin dành sự tri ân cho đội ngũ y bác sĩ - Ảnh 1.

Phóng viên Hoàng Lộc (thứ hai từ trái qua) mặc đồ bảo hộ tác nghiệp trong khu cách ly điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 ở Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi (TP.HCM) ngày 15-6 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đó là cảm xúc âu lo trước những thông tin về số ca bệnh tăng nhanh, những khu vực phải cách ly phong tỏa; vui mừng xen lẫn tự hào mỗi một ca bệnh nặng được cứu sống và thở phào khi một chuỗi lây nhiễm được "chặt đứt".

"Chạy vắt giò", "không kịp ngáp", đó là những câu từ dân dã cánh phóng viên phụ trách mảng y tế như chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau. 

Thật vậy, trong suốt hai năm đưa tin dịch bệnh COVID-19, mọi thói quen sinh hoạt của chúng tôi dường như phải thay đổi. Tất cả đều xuất phát từ áp lực thông tin cần phải được xác minh xử lý nhanh chóng, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.

Với sự tự "đòi hỏi" của bản thân và từ tờ báo, trong suốt thời gian đưa tin chống dịch, chúng tôi và đồng nghiệp của mình có nhiều cơ hội tiếp cận với những con người tuyến đầu chống dịch ở các điểm nóng; trong khu cách ly đặc biệt, nơi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM…

Ở đó Tuổi Trẻ đã ghi dấu ấn với nhiều bài viết thú vị như: Việt Nam giúp tôi hồi sinh; Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM: "Rất may điều tôi lo lắng đã không xảy ra"; Vào nơi "chia lửa" điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Củ Chi. Trong đó, "Việt Nam giúp tôi hồi sinh" trở thành dấu ấn đậm nét khi Tuổi Trẻ trở thành tờ báo đầu tiên, duy nhất ở Việt Nam tiếp cận phỏng vấn được bệnh nhân phi công người Anh.

Để có được bài phỏng vấn này đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 19-6-2020, phía sau đó là cả một quá trình lao động nghề nghiệp âm thầm, vất vả. Khi ấy, Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi điều trị cho bệnh nhân - không thể "tự quyết" việc cho phóng viên tiếp cận, buộc chúng tôi phải tìm đủ cách kết nối, xin ý kiến từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ. Khi được vào khu cách ly, chúng tôi phải đối diện với một số nguy cơ có thể lây nhiễm.

Từ bài phỏng vấn này, báo Tuổi Trẻ đã thực hiện được vai trò của mình là "cầu nối" để bệnh nhân chia sẻ cảm nhận về sự tận tụy của ngành y tế Việt Nam; góp phần truyền thông điệp để dư luận thế giới biết thêm về một Việt Nam nghĩa tình, đoàn kết, kiên cường đang từng ngày chống chọi lại bệnh tật có hiệu quả. 

Còn có rất nhiều dấu ấn khó quên trong suốt thời gian đưa tin về công tác phòng chống dịch của lực lượng tuyến đầu và chúng tôi nghĩ đó sẽ là "ký ức may mắn", bởi không phải ai cũng được trải nghiệm trong cuộc đời mình.

Ngày 21-6 năm nay lại đến, cũng lại rơi vào thời điểm cả nước đang gồng mình chống dịch. Đặc biệt, TP.HCM - địa phương đang có số ca nhiễm ngày một tăng cao, nhiều chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây.

Xin gác lại niềm vui của nghề, để dành sự tôn vinh cho những y bác sĩ, các lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm căng mình chống dịch. Chính họ đã giúp Việt Nam đứng vững qua 4 đợt dịch; tạo ra những điều kỳ diệu ở nhiều ca bệnh thập tử nhất sinh và cũng chính họ đã cho cả thế giới thấy được một Việt Nam đã, đang và sẽ chống dịch hiệu quả…

Khi cả nước sạch bóng virus corona, khi đó ắt hẳn niềm vui sẽ rất trọn vẹn với tất cả chúng ta, với những người mang trên vai sứ mệnh cầm bút…

Bạn đọc không còn đọc báo một chiều Bạn đọc không còn đọc báo một chiều

TTO - Mỗi năm, ngày 21-6 luôn là ngày người dân bày tỏ tình cảm, sự quý trọng đối với nghề báo. Cùng với đó còn là sự trăn trở với những mong chờ báo chí đổi thay trong một tương lai gần. Dưới đây là ba điều mà một bạn đọc như tôi trăn trở.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên