22/11/2019 10:15 GMT+7

'Xin cô cứ giữ nguyên điểm cho cháu'

THÁI HOÀNG
THÁI HOÀNG

TTO - 'Nếu xin điểm, cháu sẽ nghĩ rằng không cần cố gắng cũng được điểm 9, điểm 10. Điểm cao với xuất sắc làm gì khi tự tước đi sự nỗ lực của con', phụ huynh chia sẻ.

Xin cô cứ giữ nguyên điểm cho cháu - Ảnh 1.

Có những bậc phụ huynh sẵn sàng thoát khỏi bệnh thành tích để con biết được năng lực thật của mình mà phấn đấu. Dưới đây là câu chuyện như thế được một giáo viên ở TP.HCM ghi lại.

Một người mẹ của học sinh trường tôi kể cô giáo chủ nhiệm gọi điện nói tất cả các môn con của chị đều hoàn thành tốt, chỉ có môn thể dục bị 8 điểm. 

"Cháu sẽ không được danh hiệu học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện. Cô chủ nhiệm nói với tôi là sẽ xin thầy dạy thể dục nâng cho con 1 điểm để nhận giấy khen xuất sắc" - người mẹ chia sẻ.

Và chị đã lịch sự từ chối, nói xin cô cứ giữ nguyên điểm cho cháu. Vì con của chị đã biết điểm yếu nhất của mình là môn thể dục và cháu đang nỗ lực khắc phục. Nếu xin điểm để cháu được điểm cao cháu sẽ nghĩ rằng không cần cố gắng cũng được điểm 9, điểm 10. Điểm cao với xuất sắc làm gì khi tự tước đi sự nỗ lực của con. Thật đáng quý biết mấy!

Từ câu chuyện này, tôi lại nhớ câu chuyện của đồng nghiệp tên Tuấn kể bài học rất ý nghĩa học được từ phụ huynh. Tuấn công tác tại một trường tư ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM). Kết thúc học kỳ I, lớp Tuấn làm chủ nhiệm có một sinh học giỏi, điểm trung bình môn rất cao nhưng điểm môn sử gần 6,5 nên xếp loại khá. 

Khi học trò trình bày sang học kỳ II sẽ du học ở Canada, nếu không xếp loại giỏi sẽ không được học trường tốt, em muốn nhờ thầy xin giáo viên bộ môn cho em điểm sử đạt 6,5 để được loại giỏi.

Em là học trò học giỏi lại chăm ngoan, lễ phép nên khi nghe em trình bày nguyện vọng, Tuấn muốn giúp đỡ em. Tuấn đã gặp giáo viên bộ môn trao đổi thì thầy cho hay: "Điểm đã nộp cho nhà trường rồi. Nếu chưa nộp thì tôi có thể cho em làm thêm bài kiểm tra để có cơ hội sửa điểm. Tôi rất tiếc. Thầy có thể trao đổi với ban giám hiệu về trường hợp này".

Nghĩ mình chân ướt chân ráo mới vào trường làm sao có thể gặp ban giám hiệu để xin cho học trò, Tuấn gọi điện cho phụ huynh gợi ý lên gặp ban giám hiệu để xin và vị phụ huynh đồng ý. Dù đã hẹn trước nhưng phụ huynh đến trễ giờ và giải thích: "Chị cố tình đến trễ để không gặp ban giám hiệu thầy ạ!".

Rồi chị tâm sự: "Chị rất cảm ơn em đã quan tâm tới con chị. Chị hiểu tấm lòng của thầy chủ nhiệm khi nghĩ tới trường hợp của con. Việc nâng thêm chút điểm để đạt học sinh giỏi không có gì to tát, nhưng thôi. Chị nhờ thầy nói với con chị rằng học thế nào thì điểm thế ấy. Cháu biết lực học của mình mà cố gắng".

Phụ huynh nói thêm: "Chị biết nếu cháu xếp loại giỏi thì qua bên ấy sẽ học trường tốt hơn. Nhưng nếu giờ chị xin cho cháu một lần ở bên này thì qua bên ấy biết đâu lại diễn ra tương tự. Chị có thể theo sát cháu lúc này và ở Việt Nam, qua học kỳ II cháu ở bên đó làm sao chị theo sát được. Và cả cuộc đời của cháu, chị càng không thể lúc nào cũng bên cạnh. Cứ để điểm số như vậy để cháu biết giá trị, lấy đó mà vươn lên".

Từ chia sẻ của vị phụ huynh, Tuấn rất cảm kích và vô cùng ngạc nhiên trước quan niệm sống của chị. Sau khi kết thúc học kỳ I, học lực con chị chỉ xếp loại khá nhưng chị rất hài lòng. Chị đã đem quà tặng cho thầy cô và nói lời cảm ơn tới thầy cô đã dạy dỗ. Đó là tấm lòng chân thành của chị. "Thật đáng quý về quan niệm sống và cách ứng xử như thế" - Tuấn cảm thán.

Bài học quý cho con

Chuyện phụ huynh xin điểm để con đạt loại khá, loại giỏi không phải là hiếm. Vì muốn con mình "có giấy khen" nên họ đã đến gặp giáo viên chủ nhiệm (hoặc điện thoại) để xin điểm (trung bình xin lên khá, khá xin lên giỏi). Dẫu biết đó là giá trị ảo nhưng không ít bậc phụ huynh thích ảo như thế.

Giá trị ảo ấy từ bậc phụ huynh đã gieo cho con em mình nhiều thứ ảo khác trong học tập và trong cuộc sống. Có khi chính các em sẽ ỷ lại việc học bởi đã có cha mẹ "bao bọc" để rồi khi trở thành sinh viên đại học, việc gọi điện cho giảng viên xin điểm lại trở thành "chuyện bình thường". Bởi vậy, những quan niệm đúng là những bài học quý, bài học đáng trân trọng đối với những người gắn bó với sự nghiệp trồng người như chúng tôi.

Lớp có 42/43 học sinh giỏi: Lớp có 42/43 học sinh giỏi: 'Không có bệnh thành tích'

TTO - Ngày 31-5, kết quả chấm thẩm định của Phòng GD-ĐT TP Vũng Tàu cho thấy lớp khối 6 của Trường THCS Nguyễn Thái Bình có 42/43 học sinh đạt loại giỏi là 'phù hợp' và 'không có bệnh thành tích'.

THÁI HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên