Ngôi biệt thự sang trọng đang bắt đầu được tháo dỡ - Ảnh: Hữu Khá |
Sau khi có quyết định của UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), gia đình thiếu tướng Phan Như Thạch (nguyên giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam) đã chấp hành tháo dỡ hoàn toàn. Còn ông Ngô Văn Quang (giám đốc Công ty TNHH khai thác vàng Phước Minh) tháo dỡ một phần, phần còn lại đang xin chuyển sang khai thác làm du lịch.
Sáng 18-3, đại diện UBND quận Liên Chiểu cho biết từ ngày ban hành quyết định xử phạt, quận luôn cử cán bộ theo dõi vụ việc. Đến thời điểm này hai cá nhân vi phạm bước đầu đã thực hiện nghiêm túc quyết định xử phạt, buộc tháo dỡ công trình.
“Ông Thạch đã tự nguyện tháo dỡ hoàn toàn căn biệt thự như vậy là rất nghiêm túc. Còn ông Quang trong hai quyết định xử phạt thì ông đã chấp hành nghiêm một quyết định. Tức là ông đã tháo dỡ một căn nhà bằng bêtông theo đúng yêu cầu của UBND quận” - vị đại diện UBND quận Liên Chiểu nói.
Chiều 18-3, ông Võ Văn Thương, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP Đà Nẵng, cho biết hiện UBND TP đã nhận được đơn của ông Quang. Sau khi nhận đơn, TP đang giao cho các ngành chức năng kiểm tra rà soát lại và hiện tại TP vẫn chưa có ý kiến chính thức là có xem xét đơn của ông Quang hay không. |
Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, hiện theo quyết định xử phạt số 705 của UBND quận Liên Chiểu, ông Ngô Văn Quang đã tháo dỡ ngôi nhà kết cấu móng, trụ, dầm, sàn bằng bêtông cốt thép đang thi công dở dang trên phần đất thuộc dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Làng Vân.
Tuy nhiên với quyết định xử phạt số 707 buộc phải hoàn trả nguyên trạng diện tích đất rừng 1.411m² (tại khu vực đồi Chim Chim, phường Hòa Hiệp Bắc, nằm ngoài ranh giới quy hoạch khu du lịch nghỉ dưỡng Làng Vân) thì ông Quang đang có đơn gửi UBND TP Đà Nẵng xin giữ lại các hạng mục công trình trên khu đất này để làm du lịch sinh thái, tâm linh.
Theo lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu, quyết định xử phạt hành chính có thời hiệu trong vòng một năm, trong thời gian đó người dân có quyền làm đơn xin cứu xét. Trường hợp người dân làm đơn cứu xét mà chính quyền không chấp nhận thì quận buộc hộ dân phải chấp hành. Và nếu sau một năm mà họ không chấp hành thì quận mới ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ.
“Thật tình việc khó nhất là tháo dỡ nhà biệt thự họ đã chấp hành rồi, còn việc buộc họ trả lại gần 1.500m² đất rừng nguyên trạng là không khó. Tuy nhiên chính quyền cũng không thể buộc họ làm ngay được mà mình phải ứng xử theo quy định của pháp luật. Nếu chiếu theo các quy định hiện tại của Chính phủ thì phần đất mà ông Quang xin chuyển đổi, giữ một số công trình bằng gỗ làm du lịch là được phép làm du lịch.
Tuy nhiên, lỗi của ông Quang là trước đây khi xây dựng công trình làm du lịch ông chưa làm các thủ tục, hợp đồng với ban quản lý rừng mà tự ý xây, chứ nếu họ có hợp đồng đàng hoàng thì được phép làm. Hiện đơn cứu xét của họ đang đợi UBND TP trả lời, nhưng theo tôi được biết thì việc này TP đang giao cho các ngành xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật” - vị này cho biết.
Trong khi đó trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Văn Quang cho biết: “Do nhận thấy khu đất trên có nhiều cảnh quan đẹp nên từ năm 2009 đến nay tôi đã mạnh dạn đầu tư tài chính để xây dựng một số hạng mục như nhà rường, nhà lục giác, ao cá với mong muốn tạo nên một khu du lịch sinh thái làm điểm nhấn của quận Liên Chiểu nằm dưới chân núi Hải Vân.
Thực tế năm 2011 tôi có làm các thủ tục, hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất giao khoán để trồng rừng và phát triển kinh tế vườn cho phù hợp với quy hoạch và xây dựng khu du lịch sinh thái. Hồ sơ lúc đó đã được UBND TP Đà Nẵng tiếp nhận và gửi các sở ngành nghiên cứu tham mưu nhưng chưa có phản hồi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận