Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP |
Triệu tập Ngân hàng Nhà nước ra tòa
Trong số 158 cá nhân, tổ chức được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án gây thất thoát 9000 tỉ đồng, HĐXX đã triệu tập đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến dự tòa.
Theo đó, ông Đào Văn Hiệp, giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An đã có mặt tại phiên tòa.
Ngoài ra, còn có đại diện của Hội đồng định giá tài sản của các địa phương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, theo thông báo từ thư ký phiên tòa thì chỉ có 98 người có quyền và nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa sáng 19-7.
Hiện tại, HĐXX đang kiểm tra sự có mặt của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Gần 50 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ quyền và nghĩa vụ cho những người liên quan. Theo đó, bị cáo Phạm Công Danh có 5 người bào chữa.
8 bị cáo bị tạm giam và 28 bị cáo được tại ngoại đều có mặt tại phiên tòa.
Qua phần xét căn cước cho thấy, ngoài ông Phạm Công Danh là Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh còn có nhiều người nguyên là nhân viên tập đoàn này (trong đó có những người chỉ là bảo vệ, rửa xe, nhân viên bình thường) nhưng được nhận lương để làm giám đốc các doanh nghiệp và trực tiếp ký hồ sơ vay tiền của VNCB, gây thất thoát hơn 2000 tỉ đồng cho ngân hàng này.
Trước khi bắt đầu phiên xử, thẩm phán chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Phạm Công Danh có đủ sức khỏe để dự phiên tòa hay không. Trước đó, sức khỏe của bị cáo bị suy giảm và phải vào bệnh viện cấp cứu.
Luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh đã có kiến nghị về vấn đề này nhưng với sự khẳng định của bác sĩ khám cho bị cáo, HĐXX cho rằng bị cáo này vẫn đủ sức khỏe để dự tòa.
Ngoài ra, trước khi phiên xét xử diễn ra, các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cũng gửi kiến nghị cho HĐXX đề nghị xem xét nhiều khía cạnh của vụ án, đánh giá lại hậu quả thiệt hại và vấn đề định giá tài sản đối với khối tài sản của Phạm Công Danh.
Sau khi nhận được các kiến nghị của luật sư, chủ tọa phiên tòa là ông Phạm Lương Toản, Chánh tòa hình sự, TAND TP.HCM đã có công văn trả lời các luật sư, khẳng định sẽ triệu tập đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện các hội đồng định giá tài sản ra tòa để làm rõ một số tình tiết theo yêu cầu của luật sư.
2 năm, gây thiệt hại hơn 9000 tỉ đồng
Theo cáo trạng, trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Phạm Công Danh là Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh, một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề. Phạm Công Danh nhận tái cấu trúc lại ngân hàng TrustBank khi đang làm ăn thua lỗ và đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (VNCB).
Tuy nhiên, sau khi tái cấu trúc ngân hàng, ngân hàng này lại từng bước đi xuống.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, do hành vi phạm tội của Phạm Công Danh và đồng phạm, trong đó hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi Phạm Công Danh lập hồ sơ khống để thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking để rút 63,2 tỉ đồng của VNCB; ký các hợp đồng khống để thuê mặt bằng tại đường Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh, sau đó lấy 581 tỉ đồng từ VNCB trả cho các hợp đồng khống này để trả lãi cho các công ty thuộc tập đoàn Thiên Thanh và một số khoản nợ khác.
Sau đó, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu tập đoàn Thiên Thanh và bán 900 trái phiếu (trị giá 900 tỉ) này cho 3 công ty từ nguồn tiền của VNCB rồi chuyển tiền cho Danh sử dụng.
Ngoài ra, Phạm Công Danh còn rút 5490 tỉ đồng từ tiền gửi của khách hàng vào VNCB mà không có chữ ký của khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, gây thiệt hại cho VNCB.
Các bị cáo có mặt tại phiên tòa - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP |
Ngoài tội danh trên, Phạm Công Danh và đồng phạm còn bị truy tố về tội Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong đó, vì cần tiền trả nợ, Phạm Công Danh đã ký các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu khống để rút 4700 tỉ đồng của VNCB để trả nợ cho nhiều nhóm khác nhau.
Như vậy, theo quy kết của cáo trạng, chỉ trong 2 năm (từ năm 2012 đến 2014) tổng số tiền mà Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB đến thời điểm khởi tố vụ án là hơn 9000 tỉ đồng.
Phiên tòa với hàng trăm người có quyền và nghĩa vụ liên quan
Dự kiến, phiên tòa sẽ được đưa ra xét xử từ 19-7, kéo dài đến 18-8 do ông Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM làm thẩm phán chủ tọa.
Ngoài 36 bị cáo bị truy tố vì gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng, còn có 130 cá nhân, tổ chức là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có những doanh nhân: ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích, Trần Uyên Phương; bà Nguyễn Thị Như Loan; ông Nguyễn Quốc Cường...
Tính đến thời điểm có quyết định đưa vụ án ra xét xử đã có 5 luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh và hàng chục luật sư khác bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
11g30 sau khi xác nhận sự có mặt của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan, phiên tòa tạm nghỉ. 14g chiều cùng ngày sẽ tiếp tục.
Kiểm tra an ninh những người được triệu tập tham dự phiên tòa - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận