09/01/2018 14:13 GMT+7

Xét xử ông Đinh La Thăng: Phiên tòa không vành móng ngựa

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TTO - Không chỉ sắp xếp lại phòng xử án mà mô hình thẩm vấn xét hỏi tranh tụng cũng được áp dụng mới trong phiên tòa xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm.

Xét xử ông Đinh La Thăng: Phiên tòa không vành móng ngựa - Ảnh 1.

Bị cáo Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị PVN, trả lời hội đồng xét xử sáng 8-1 và bị cáo Trịnh Xuân Thanh (ngồi hàng ghế sau), nguyên chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc PVC - Ảnh: TTXVN

Thời điểm mở phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm cũng là thời gian Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã có hiệu lực pháp luật nên phòng xử của TAND TP Hà Nội đã được sắp xếp lại. 

Theo đó, vành móng ngựa đã được bỏ đi và thay bằng bàn khai báo dành cho bị cáo. Vị trí ngồi của kiểm sát viên tham gia phiên tòa được đặt ở bàn ngang bằng với vị trí luật sư, vị trí ngồi của hội đồng xét xử cũng cao hơn những vị trí còn lại.

Xét xử ông Đinh La Thăng: Phiên tòa không vành móng ngựa - Ảnh 2.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Thay đổi có ý nghĩa lớn

luatsu

Luật sư TRương Anh Tú

Trước đây bị cáo đứng trước vành móng ngựa để khai báo thì nay không còn vành móng ngựa nữa, mà thay vào đó là bục khai báo.

Việc thay đổi này hoàn toàn phù hợp với các quy định của Hiến pháp và nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng hình sự, đó là nguyên tắc suy đoán vô tội.

Theo đó, sẽ không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Điều này phù hợp với xu hướng chung của tố tụng hình sự thế giới và thể hiện tính nhân văn trong hoạt động xét xử.

Khi buộc bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa như các phiên tòa trước đây, hình ảnh này tạo cảm giác bị cáo đang đứng sau những tấm song sắt của nhà tù và cách ly khỏi xã hội.

Do vậy, bỏ vành móng ngựa và thay bằng bục khai báo để cụ thể hóa một cách toàn diện nguyên tắc suy đoán vô tội trên thực tế.

Tôi cho rằng đây là một thay đổi nhỏ trong tổng thể chiến lược cải cách tư pháp, tuy nhiên thay đổi nhỏ này mang lại một ý nghĩa vô cùng lớn lao và cần được phát huy nhân rộng sang các hoạt động khác trong tố tụng hình sự.

Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư Hà Nội

Không nhất thiết phải còng tay bị cáo

Cũng tại phiên tòa sáng 8-1, khi dẫn giải các bị cáo từ xe chuyên dụng lên phòng xử tại tòa, các bị cáo (trong đó có bị cáo Đinh La Thăng) đều bị còng tay.

Hình ảnh này khiến nhiều bạn đọc bình luận rằng cùng với việc cải cách tư pháp theo hướng tôn trọng quyền con người, việc còng tay bị cáo để dẫn giải như vậy đã nhân văn chưa.

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên phó chánh án TAND tối cao, cho rằng việc dẫn giải bị cáo hoàn toàn là việc của lực lượng cảnh sát tư pháp, tuy nhiên có những tội phạm nguy hiểm thì người dẫn giải lo lắng cho việc bị cáo bỏ chạy hoặc có hành vi khó kiểm soát.

Nhưng cũng có những bị cáo, bị can phạm tội kinh tế không có dấu hiệu bỏ trốn thì không cần thiết phải còng tay.

"Còn còng tay là còn chưa tôn trọng đầy đủ quyền con người của bị can, bị cáo", ông Độ nói.

Một lãnh đạo tòa tối cao cho rằng đến nay ngành tư pháp đang nỗ lực cải cách bằng nhiều hành động khác nhau: thay đổi vị trí ngồi trong phòng xử, phiên tòa thân thiện tại tòa gia đình và người chưa thành niên hay các thẩm phán khi xét hỏi phải tôn trọng bị cáo trong cách xét hỏi, đảm bảo phiên tòa tranh tụng, tòa chỉ tuyên án khi đủ căn cứ buộc tội cho bị cáo...

Do đó, vị lãnh đạo này nói việc cơ quan cảnh sát khi dẫn giải vẫn còng tay bị cáo nhằm để đảm bảo việc áp giải không xảy ra những sự cố đáng tiếc.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên