Ông Nguyễn Chiến Thắng - cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - trả lời trong phần xét hỏi tại tòa - Ảnh: P.S.N.
Trong buổi xét xử chiều nay, tòa tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Chiến Thắng - cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và bị cáo Lê Mộng Điệp - cựu giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Khánh Hòa - liên quan đến sai phạm tại dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự.
"Tôi không giải thích được"
Tiếp tục xét hỏi ông Thắng, hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát và các luật sư tập trung vào tình tiết vì sao ngày 30-6-2014, ông Lê Mộng Điệp ký tờ trình gởi UBND tỉnh Khánh Hòa để tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh ký quyết định giao đất mở rộng diện tích dự án Cửu Long Sơn Tự từ 123ha lên 513ha, và ngay trong ngày 30-6-2014, ông Thắng ký quyết định giao 513ha đất có thu tiền sử dụng đất cho chủ đầu tư là Công ty Khánh Hòa.
Nhưng theo dấu công văn đến tại Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, thì tờ trình do ông Điệp ký ngày 30-6-2014 này mãi ngày 20-8-2014 mới đến UBND tỉnh. Phải chăng ông Thắng đã ký quyết định giao đất trước khi tờ trình của giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường đến?
Ông Thắng lắng nghe đại diện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa xét hỏi - Ảnh: DUY THANH
Ông Thắng nói vì hồ sơ trình rất dày, "nếu đọc 5 ngày chắc không xong", ông tin tưởng hoàn toàn vào sự tham mưu của cấp sở, phòng xây dựng nhà đất của Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra rồi văn thư mới trình cho ông.
Ông Thắng cũng nói ông không thể nhớ ngày ký được vì số công văn, ngày ký là do Văn phòng UBND tỉnh ghi. Do vậy, ông nói "tôi không giải thích được" việc vì sao quyết định ông ký ngày 30-6-2014, trong khi ngày tờ trình đến Văn phòng UBND tỉnh lại là 20-8-2014.
"Cái đó cần phải làm rõ, để xử lý những người tráo trở" - ông Thắng nói tại phiên tòa.
Tương tự, khi được hỏi về ngày ký tờ trình để tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa giao tổng cộng 513ha đất trên núi Chín Khúc, cho Công ty Khánh Hòa làm dự án Cửu Long Sơn Tự, ông Lê Mộng Điệp nói ông có cả bộ máy tham mưu để làm dự thảo, ông kiểm tra nội dung và ký, còn ngày tháng và số công văn là do Chi cục Quản lý đất đai chuyển cho văn phòng sở để lấy số, ghi ngày tháng.
Có luật sư đề nghị triệu tập đại diện Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa và một số sở ngành liên quan đến tòa, nhưng hội đồng xét xử cho rằng không cần thiết.
Tòa hỏi vì sao biết đất trong dự án quy hoạch rừng sản xuất mà lại cho có đất ở nhằm làm khu nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua, ông Thắng nói khi nhà đầu tư đề xuất chuyển 7.500m2 đất ở thì ông không nghĩ là kinh doanh bất động sản vì quá ít so với tổng diện tích đất trồng rừng, du lịch tâm linh.
"Trước đó tôi cũng ký cho chuyển một số diện tích đất rừng ở khu Bắc Hòn Ông hay ở núi Cô Tiên thành đất ở nông thôn, chủ yếu là để doanh nghiệp họ cho thuê và bán gì đó thôi" - ông Thắng nói.
Theo ông, dự án này chủ yếu là trồng rừng, bảo vệ phát triển rừng kết hợp du lịch tâm linh chứ không có ý đồ "phân lô bán nền". Ông cũng cho rằng khi làm việc với lực lượng của Bộ Công an, cơ quan điều tra Công an tỉnh, ông hiểu rằng đất mà ông ký quyết định cấp cho dự án này có phần sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt, thấy mình phạm tội.
Tuy nhiên, sau này tiếp cận các thông tin, tài liệu liên quan đến Luật bảo vệ và phát triển rừng, thấy có các quy định cho sử dụng không quá 25% đất để xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái trong rừng, một số bộ cho thực hiện các dự án, công trình trên đất rừng sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lớn hơn Khánh Hòa, nhưng được Thủ tướng chỉ đạo là cho cập nhật vào quy hoạch giữa kỳ, không xử lý hình sự.
Ông Thắng nói rằng nếu áp dụng những quy định ấy thì giảm bớt tội của ông.
Sở không tham mưu dự án này cho tỉnh
Ông Lê Mộng Điệp trả lời xét hỏi của tòa vào chiều 4-4 - Ảnh: DUY THANH
Trong khi ông Thắng nói trước tòa rằng tất cả các văn bản quyết định liên quan đến lĩnh vực đất đai trong dự án này đều do Sở Tài nguyên và môi trường Khánh Hòa tham mưu để ông ký, thì ông Lê Mộng Điệp đáp lại rằng "rất thất vọng với ông Thắng" khi nói như vậy.
Ông Điệp xác định trong dự án Cửu Long Sơn Tự, ông ký 3 tờ trình cho UBND tỉnh, gồm các tờ trình tăng diện tích từ 75ha lên 123ha, trong đó có 1,74ha đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; tờ trình giao thêm 390ha đất, nâng tổng diện tích dự án lên 513ha, trong đó nâng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp lên 3,5ha và cuối cùng là tờ trình nâng diện tích loại đất phi nông nghiệp trong dự án này lên hơn 5,2ha.
Ông Điệp cho biết dự án này được Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa trình Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cho chủ trương đồng ý. Đây là dự án trồng rừng, bảo vệ rừng nên chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT, Sở Kế hoạch và đầu tư cùng các địa phương đánh giá hiện trạng.
Sở NN&PTNT có thẩm định thiết kế cơ sở về trồng rừng, loại đất… và ghi là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường không đề xuất về dự án này, mà chỉ tham mưu, làm dự thảo các văn bản thủ tục hành chính về đất đai cho UBND tỉnh.
Ông Điệp thừa nhận nếu áp dụng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lúc đó thì việc cho một diện tích đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp ở dự án này là không đúng.
Dù vậy, ông nói Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng không quá 25% diện tích để thực hiện xây dựng cơ bản trong đất rừng, nên ông đã tham mưu loại đất phi nông nghiệp phục vụ du lịch sinh thái để nhà nước thu được thuế, đồng thời tỉ lệ đất này trong dự án chỉ khoảng 1% tổng diện tích…
"Thời điểm đó tôi nhận thức mình làm đúng nên mới tham mưu, chứ nếu biết sai thì nhất định không tham mưu. Giờ thì tôi nhận là có sai" - ông Điệp nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận