Trong tổng số 27 trường đại học đào tạo ngành y ở Việt Nam, hiện đã có bốn trường dùng tổ hợp có môn văn để xét tuyển, gồm Trường đại học Văn Lang, Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Trường đại học Võ Trường Toản Hậu Giang và Trường đại học Tân Tạo, Long An.
Có phù hợp tương lai?
TS Nguyễn Hùng Vĩ, trưởng khoa y Trường đại học Văn Lang, cho biết nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một tăng, do đó bác sĩ không chỉ đảm nhận vai trò khám chữa bệnh, mà còn là quản lý, tư vấn, bảo vệ sức khỏe, vì vậy tổ hợp môn xét tuyển ngành y cũng có thay đổi.
Với bác sĩ gia đình tương lai phục vụ tuyến y tế cơ sở cần phải tiếp xúc người dân, chia sẻ, động viên, tư vấn nhiều chiều thì bác sĩ giỏi văn là rất phù hợp.
"Các bác sĩ theo định hướng bác sĩ gia đình đòi hỏi những con người phải thực sự tâm huyết, khéo léo, nói năng dễ nghe, thuyết phục được cộng đồng, đồng thời cũng phải có tâm, y đức...", TS Vĩ cho hay.
Là giảng viên tại Đại học Y Hà Nội, TS Trần Thanh Tùng lại bày tỏ không đồng tình việc xét tuyển sinh viên y khoa bằng môn văn. Văn học có thể cần thiết trong cuộc sống hằng ngày, đối với các chuyên ngành khác nhưng đối với ngành y thì môn văn là không quá cần thiết.
"Học sinh đã giỏi khối A và khối B có khả năng dùng từ ngữ linh hoạt, diễn đạt rất tốt, kinh nghiệm giảng dạy tôi thấy rõ được điều này. Ngược lại, đối với môn văn hay các học sinh giỏi các môn xã hội thì khó có thể giỏi được môn tự nhiên.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường có thể tự chọn khối xét tuyển. Tuy nhiên ngành y là ngành đặc thù, sinh viên ngành y đòi hỏi rất cao và vất vả, đầu vào của ngành y cũng thường cao hơn so với những ngành học khác", TS Tùng nêu.
Nhiều người cho rằng học giỏi văn sẽ giúp các y bác sĩ tương lai có thể giao tiếp, thấu hiểu tốt hơn người bệnh.
TS Tùng cho rằng điều này phụ thuộc vào đạo đức, không phụ thuộc có học giỏi môn học nào đó hay không. Sau này các em sẽ được giáo dục về y đức để chia sẻ, giao tiếp với người bệnh một cách đúng mực.
Tránh lạm dụng
PGS Đỗ Văn Dũng - nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Y Dược (TP.HCM) - cho biết việc sử dụng môn ngữ văn trong tổ hợp xét tuyển ngành y là một ý tưởng phù hợp, tuy nhiên cũng cần một số điểm lưu ý để việc xét tuyển có hiệu quả.
Việc sử dụng nhiều môn học để xét tuyển sẽ chọn lựa các học sinh có các năng khiếu đa dạng hơn, hình thành cộng đồng bác sĩ, nhân viên y tế có năng lực toàn diện.
PGS Dũng kể ông từng nói chuyện với một giáo sư ở Hoa Kỳ xuất thân là cử nhân vật lý, sáng chế thiết bị laser điều trị bướu máu. Với năng lực vật lý ông ta biết bước sóng nào tác động vào mạch máu mà không ảnh hưởng đến mô liên kết hay dòng máu, trong khi ở Việt Nam người giỏi vật lý mà không giỏi sinh học sẽ không thi đậu vào trường y khoa.
Như vậy, việc đưa môn ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển ngành y là hướng đi tốt nhưng cần lưu ý một số điểm.
"Đầu tiên là khả năng lạm dụng. Một số trường do muốn tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhưng e ngại điểm tuyển sinh thấp, nếu cùng tổ hợp tuyển sinh sẽ bị so sánh với các trường khác nên sử dụng các tổ hợp các môn khác biệt.
Vấn đề thứ hai là việc đánh giá năng lực môn ngữ văn chưa chuẩn hóa. Trong trường hợp làm một bài toán thì đáp số chỉ có một. Nhưng trong môn ngữ văn ít nhiều cũng có sự chủ quan hơn.
Cuối cùng, do môn ngữ văn là môn học mới, giá trị của điểm số môn ngữ văn trong việc tiên đoán năng lực học tập y khoa và khả năng hành nghề sau này còn chưa rõ", PGS Dũng nêu.
Bộ Y tế nói gì việc dùng môn văn xét tuyển ngành y
Trước tranh luận về việc một số trường dùng môn văn xét tuyển ngành y, Bộ Y tế cho hay việc đưa môn văn vào xét tuyển đào tạo đại học lĩnh vực sức khỏe thuộc quyền hạn của các cơ sở đào tạo.
Cơ sở đào tạo cần phân tích, giải trình rõ ràng, thuyết phục về căn cứ khoa học, thực tiễn về sự cần thiết, lý do phải đưa môn văn vào xét tuyển đào tạo đại học lĩnh vực sức khỏe. Trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm theo đúng yêu cầu.
Cơ sở đào tạo xem xét việc đưa môn văn vào xét tuyển phải được phân tích cho từng mã ngành cụ thể của lĩnh vực sức khỏe, cân nhắc đến quy định của Luật Khám chữa bệnh về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề áp dụng đối với một số chức danh, đặc biệt là về nội dung và hình thức kiểm tra (trắc nghiệm) để xem xét việc đưa môn văn vào tổ hợp xét tuyển.
DƯƠNG LIỄU
Xét tuyển y khoa bằng môn văn, nên chăng?
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, hiện có rất nhiều phương thức tuyển sinh.
Trong đó có một số ngành y, trường y xét tuyển học bạ, xét tuyển điểm tốt nghiệp theo tổ hợp môn hoặc một số phương thức khác như kết quả thi đánh giá năng lực.
Trong bài thi đánh giá năng lực gồm nhiều khối kiến thức khác nhau, bao gồm tiếng Việt. Quan điểm cho rằng ngành y xét tuyển môn văn là bất hợp lý liệu có quá cứng nhắc hay không?
Đó là chưa kể năm 2025, học sinh chương trình giáo dục phổ thông mới tốt nghiệp, liệu khi đó còn có các môn lý, hóa, sinh để xét tuyển hay không?
Hiện các trường xét tuyển theo tổ hợp ba môn, ngoài văn có toán và một môn khoa học tự nhiên khác. Chúng ta hay nghĩ ngành y phải tuyển toán - hóa - sinh nhưng thực ra nhiều trường đã bổ sung nhiều tổ hợp khác chẳng hạn toán - lý - hóa, toán - hóa - Anh...
Trước đây khi ngành y lần đầu tuyển toán - lý - hóa cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Tuyển sinh là tuyển người đủ năng lực học đại học.
Tôi cho rằng các trường tuyển ngành y bằng tổ hợp có môn văn không bất hợp lý vì kiến thức các môn khác các em đã được học ở bậc phổ thông. Nếu nói rằng ngành y đặc thù, vậy thì phải có những môn thi, hình thức thi đặc thù, chuyên biệt.
Ý kiến đưa môn văn vào cho dễ tuyển sinh, tôi nghĩ chưa hợp lý lắm. Môn văn thường có điểm thấp hơn các môn khác.
Cũng có học sinh học đồng đều các môn tự nhiên và xã hội nhưng thông thường học sinh giỏi tự nhiên thì điểm môn xã hội sẽ không cao bằng. Tôi biết một số bác sĩ tư vấn sức khỏe nhiều trên các phương tiện truyền thông, họ có khiếu ăn nói, cũng là rất tốt.
MINH GIẢNG
Hàn thi ngữ văn bắt buộc, Mỹ kiểm tra khả năng biện luận
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, quốc ngữ (tức ngữ văn) là môn bắt buộc trong kỳ thi đại học, cùng với toán, tiếng Anh và lịch sử. Các môn này chiếm 75% tổng số điểm, 25% còn lại là các môn tự chọn. Thí sinh cũng có quyền lựa chọn giữa ngoại ngữ thứ hai và Hán văn.
Ở Mỹ, môn ngữ văn thực sự xuất hiện khi thi đầu vào các trường y khoa, nhưng chỉ tập trung vào phân tích và đọc hiểu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Mai Trà (25 tuổi), một nữ y tá người Mỹ gốc Việt, hiện đang công tác tại một bệnh viện ở Lincoln, bang Nebraska (Mỹ), cho biết có các kỳ thi khác nhau với mỗi ngành.
Cụ thể ngành bác sĩ sẽ tham gia kỳ thi MCAT (kéo dài bảy tiếng rưỡi); ngành dược dự thi PCAT; ngành điều dưỡng thi HESI A2. Điểm chung của các kỳ thi này là kiểm tra kỹ năng suy luận và phản biện, trong đó có vận dụng kiến thức văn học.
Khi dự thi HESI A2, chị Mai Trà nhận đề bài phân tích một đoạn văn mà chị đánh giá là "xoắn não", dùng nhiều từ tiếng Anh "dài miên man".
Trong kỳ thi MCAT, tiến sĩ Jacob M. Appel từ Trường Y khoa Icahn (bang New York, Mỹ) chia sẻ ông đã được yêu cầu phân tích về một cuốn sách đã đọc. Ông cũng nêu quan điểm "trường y nên chọn những người đọc tốt".
Tiến sĩ Appel đánh giá việc biết cách truyền đạt, đọc hiểu tài liệu sẽ giúp ích cho các bác sĩ tương lai, nhất là trong việc kết nối với bệnh nhân.
THANH HIỀN - UYÊN PHƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận