21/11/2016 13:47 GMT+7

Xét tuyển thạc sĩ và những chuyện bi hài về “sĩ”

ThS TRƯƠNG KHẮC TRÀ
ThS TRƯƠNG KHẮC TRÀ

TTO - Từng trải qua kỳ thi đầu vào thạc sĩ, bạn đọc Trương Khắc Trà đã gởi đến Tuổi Trẻ Online bài viết cảnh báo những chuyện bi, hài về thực trạng thí điểm xét tuyển trong đào tạo trình độ thạc sĩ.

Cuộc khủng hoảng mang tên “sĩ” một lần nữa được dịp bung nụ nở hoa, đó là câu chuyện dài loằng ngoằng về chất lượng đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, mấy ngày qua dư luận đã “nóng” lên vì clip “tiến sĩ chửi bậy” và

Có thể ít liên quan đến hai sự kiện trên nhưng đề án “Thí điểm xét tuyển trong đào tạo trình độ thạc sĩ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2016-2020” cũng là chuyện không nhỏ trong ngành giáo dục, vì biết đâu được chỉ có “xét” rồi “tuyển” thì trong tương lai còn xuất hiện nhiều những câu chuyện bi hài về “sĩ”!

Vậy, phương thức xét tuyển thạc sĩ có khả thi không trong bối cảnh nền giáo dục VN đang “bấn loạn” về phương pháp đào tạo và  sử dụng nguồn lực qua đào tạo hiện nay?

Mặc dù trong đề án Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có đưa ra một số yêu cầu khi xét tuyển: tốt nghiệp ĐH chính quy loại khá trở lên, thời gian tốt nghiệp không quá ba năm tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển, nếu tốt nghiệp ở nước ngoài thì trường đó có nằm trong danh mục cho phép của bộ hay không, ngành đào tạo ĐH đúng với ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn…

Người viết không vơ đũa cả nắm nhưng chất lượng cử nhân ở VN đang có vấn đề, khó có thể đánh giá trình độ năng lực của cử nhân đã tốt nghiệp nếu chỉ xem các thông số như xếp loại tốt nghiệp, bảng điểm… bằng chứng là cử nhân loại giỏi, thạc sĩ loại ưu đang thất nghiệp tràn lan.

Thực ra, phương thức xét tuyển là kiểu sát hạch hiện đại, tiên tiến mà những nền giáo dục hàng đầu như Nhật Bản, Úc… đã áp dụng từ lâu, tuy nhiên sở dĩ họ xét tuyển được là vì chất lượng đầu vào ở đại học và cả giai đoạn phổ thông đã được đảm bảo.

Có nghĩa là nếu đã sở hữu được tấm bằng cử nhân thì không còn nghi ngờ gì nữa về trình độ, năng lực. Điều này lý giải một phần vì sao du học sinh VN ra nước ngoài học đa số là “hàng thật”.

Còn ở VN, theo người viết bài này, việc áp dụng xét tuyển đầu thạc sĩ và cả cử nhân là chưa phù hợp trong bối cảnh chất lượng con người được đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Chưa kể việc xét tuyển vô tình tạo điều kiện cho một bộ phận không nhỏ cử nhân bằng khá, giỏi đang thất nghiệp tiếp tục xét tuyển… để “rửa bằng”!

Bản thân người viết bài này từng trải qua kỳ thi đầu vào thạc sĩ thấy rằng kỳ thi này phải vượt qua 3-4 môn, trong đó có ngoại ngữ, việc học và thi những môn này ít ra cũng đọng lại cho người học một chút kiến thức về chuyên ngành lẫn trình độ ngoại ngữ và quá trình thi khá đảm bảo chọn được người có kiến thức, trình độ.

Bằng chứng là rất nhiều người dù tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi, Anh văn trình độ C hẳn hoi nhưng cũng trượt, có người ôn đi ôn lại ba, bốn lần.

Việc thi đầu vào khắt khe như thế nhưng chất lượng đào tạo còn chưa đảm bảo thì xét tuyển liệu có mang lại kết quả cao hơn? Vẫn biết chất lượng đào tạo là khâu quan trọng nhưng việc sàng lọc đối tượng học là yếu tố tiên quyết, nguyên liệu tốt mới có sản phẩm tốt.

Chắc rằng không ai có thể khẳng định cử nhân xét tuyển các hệ tại chức, từ xa chất lượng hơn cử nhân chính quy trải qua kỳ thi đại học.

Hiện nay, không ít người làm lâu năm trong khu vực nhà nước có thừa các điều kiện để xét tuyển thạc sĩ nhưng thi không đỗ vì không có thời gian ôn luyện và hạn chế khả năng ngoại ngữ mặc dù có chứng chỉ ngoại ngữ.

Bộ phận này rất có nhu cầu học thạc sĩ để nâng lương, “chạy ghế” cho nên phương thức xét tuyển đầu vào đối với họ là cơ hội ngàn vàng.

Theo thống kê, con số thất nghiệp ngày càng tăng ở bộ phận có bằng cấp cao (đại học và sau đại học) trong 418.000 người có trình độ từ trung cấp trở lên đang thất nghiệp thì cử nhân và thạc sĩ là 225.000 người, chiếm 53,82%, điều đáng nói là con số này tăng nhanh qua từng năm.

Phản ứng của thị trường lao động cho thấy rằng chưa thể “tiêu thụ” hết số lượng thạc sĩ, cử nhân, cho nên việc mở rộng đào tạo hiện nay đã là điều không hợp lý chứ đừng nói là xét tuyển để “mở toang” cánh cửa nâng cao bằng cấp.

Vậy nên, nhiệm vụ của nền giáo dục hiện nay là thu hẹp dần và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân, thạc sĩ, đồng thời đào tạo thợ giỏi chứ không phải là thầy kém.

Như đã phân tích, phương thức xét tuyển đối với giáo dục bậc cao là xu thế của các nền giáo dục tiên tiến, nhằm giảm bớt chi phí và các thủ tục rườm rà, nhưng với điều kiện là chất lượng đào tạo phải đảm bảo và đồng bộ ở các cấp học bậc học.

Từ đó, đối chiếu với thực trạng chất lượng giáo dục VN hiện nay thì việc áp dụng xét tuyển đầu vào thạc sĩ là điều cần tính toán.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Theo bạn, trong tình hình hiện nay VN có nên thí điểm xét tuyển đào tạo thạc sĩ? Giải pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học? Mời bạn chia sẻ ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi đến địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!

 

ThS TRƯƠNG KHẮC TRÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên