18/08/2015 07:29 GMT+7

Xét tuyển kiểu tay ba và 5 nguyên nhân tuyển sinh rối rắm

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - TÂM AN
ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - TÂM AN

TTO - Còn khoảng hai ngày nữa là kết thúc xét tuyển đợt 1 của kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhưng khá nhiều thí sinh vẫn đang loay hoay với điệp khúc rút - nộp hồ sơ.

Phụ huynh cùng xếp hàng chờ rút hồ sơ với thí sinh - Ảnh: Phương Nguyễn

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, sáng 17-8 nhiều thí sinh và phụ huynh vẫn tất bật nộp - rút hồ sơ tại các trường ĐH. 

Thí sinh điểm cao “ra trận”, điểm trung bình thấp thỏm

Khá nhiều thí sinh đạt điểm cao cho biết thay vì nộp hồ sơ ngay từ đầu, họ chọn cách “nằm vùng” nắm tình hình và chỉ nộp hồ sơ khi hạn chót xét tuyển đợt 1 cận kề.

Minh Hoàng (18 tuổi) cho biết mình thi được 32 điểm khối D1 (đã nhân hệ số môn văn). Hoàng dự định nộp hồ sơ vào ngành ngôn ngữ học của Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM.

Tuy nhiên, “sợ năm nay các bạn điểm cao nên mình quyết định theo dõi tình hình trước. Đến ngày 15-8 thấy hình hình có vẻ khả quan, mình mới bắt đầu nộp hồ sơ” - Hoàng nói.

Cũng chung quan điểm, bạn Khánh Linh (19 tuổi) liên tục theo dõi thông tin trên các báo, ghi nhận ở các trường rồi phút cuối mới quyết định nộp hồ sơ. “Mình thấy các bạn chạy đi chạy lại nộp rồi rút hồ sơ vất vả quá, nhất là các bạn ở tỉnh” - Linh chia sẻ.

Đuối lắm mà chưa biết "số phận" ra sao

Thanh Tâm (18 tuổi, TP.HCM) chật vật nhiều ngày nay với quá trình nộp - rút hồ sơ tại các trường. Tâm cho biết có ý định đăng ký vào ba trường là ĐH KHXH & NV TP.HCM, ĐH Sư phạm và ĐH Huflit.

“Điểm số của mình chỉ ở mức khá nên mình không biết chọn trường nào. Ngay ngày xét tuyển đầu tiên, mình nộp đơn vào khoa báo chí Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM. Nhưng ngay đợt cập nhật đầu tiên mình đã bị trượt khỏi nhóm an toàn nên gia đình thúc giục mình rút hồ sơ chuyển sang trường khác" - Thanh Tâm kể lại.

Sau khi làm thủ tục chuyển hồ sơ sang Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thì số điểm của Tâm đang ở nhóm giữa nên cũng cảm thấy an tâm.

"Suốt quá trình đó, cả gia đình mất ăn mất ngủ cùng theo dõi. Lần cập nhật gần đây nhất ngày 14-8, bỗng nhiên có rất nhiều thí sinh điểm cao xuất hiện, tuy nhiên họ đều là các thí sinh “ảo” (đăng ký nguyện vọng 2, 3, 4) nhưng trường không sàng lọc nên mình bị đẩy xuống gần cuối. Tình thế này đúng là tiến thoái lưỡng nan vì không biết họ có trúng tuyển vào ngành mình đăng ký hay không. Sau thời gian cân nhắc, mình chọn phương án an toàn là rút hồ sơ để nộp vào Trường Huflit” - Tâm nói thêm.

Tâm cho biết để rút được hồ sơ ở Trường ĐH Sư phạm, Tâm cùng nhiều bạn phải chờ đợi rất lâu, xếp hàng lấy giấy hẹn hôm trước, hôm sau mới nhận được hồ sơ.

“Sau hai lần chuyển trường mình đã thấy đuối lắm rồi mà vẫn chưa biết “số phận” thật sự như thế nào. Tại sao không dùng hình thức xét tuyển trực tuyến để giảm số lượng thí sinh di chuyển? Cách xét tuyển như vậy khá bất lợi cho các thí sinh điểm khá, trung bình vì các thí sinh điểm cao nếu không đậu các trường top trên thì có cơ hội “tràn” xuống các trường top dưới, đẩy các thí sinh khác vào thế “không an toàn” - Thanh Tâm bức xúc.

Anh Huy Hùng (25 tuổi) đưa em đi rút hồ sơ tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng đánh giá dù cách xét tuyển năm nay để thí sinh tự chủ hơn trong việc chọn trường, nhưng lại làm mất đi tính công bằng giữa các thí sinh điểm cao và điểm thấp.

“Nếu như mọi năm sẽ xuất hiện các thí sinh điểm dù cao nhưng vẫn rớt do quyết định sai trong việc chọn trường. Điều đó cũng chính là bài học cho các em, thực lực mình giỏi nhưng phải có chiến thuật hợp lý. Năm nay xét tuyển hình thức này các thí sinh điểm cao đổ vào trường nào, thí sinh điểm thấp phải né ra nhường chỗ” - anh Hùng nói.

Phụ huynh cùng con rút hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp - Ảnh: Phương Nguyễn

Vì sao rối rắm, vất vả?

TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá hai nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng hỗn loạn, rối rắm trong tuyển sinh năm nay chính là chủ trương xét tuyển và các giải pháp kỹ thuật.

Về chủ trương, ông Nghĩa cho rằng như các năm trước, tất cả dữ liệu của thí sinh (điểm thi, hồ sơ giấy, các phiếu đăng ký nguyện vọng…) nhà trường đều nắm rõ.

Trong khi đó với cách xét tuyển như năm nay, các trường tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh nhưng không nắm được các dữ liệu liên quan.

Khi thí sinh đến đăng ký tại trường, nhà trường nhận được giấy chứng nhận kết quả thi bằng giấy, các phiếu đăng ký xét tuyển bằng giấy và một số giấy tờ khác chứ hoàn toàn không có hồ sơ gốc của thí sinh. Nhà trường hoàn toàn trông cậy vào dữ liệu do Cục Khảo thí quản lý.

Bên cạnh đó, theo ông Nghĩa, chính Cục Khảo thí đã tạo ra các mâu thuẫn và từ đó làm nảy sinh những rối rắm cho thí sinh, đặc biệt là các thí sinh có điểm cao. Mâu thuẫn đầu tiên là cho phép thí sinh có bốn nguyện vọng, nhưng về phía trường ĐH chỉ cho phép mỗi trường nhận một hồ sơ của thí sinh.

Thứ hai là nhà trường không được phép công bố điểm chuẩn trúng điểm tạm thời theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong khi thí sinh lại có nhu cầu rất cao trong việc xác định các em có khả năng đậu hay không.  

Các thí sinh có điểm thi rất cao sẽ tập trung xét tuyển tại các ngành hấp dẫn của các trường ĐH lớn ở những thành phố trung tâm và đẩy điểm tuyển sinh những ngành này lên rất cao.

“Như vậy, liệu các trường ĐH tại địa phương có còn giữ được những thí sinh giỏi như trước đây?” - ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Thí sinh chen lấn rút hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: Phương Nguyễn

Về phương diện kỹ thuật, TS Nguyễn Đức Nghĩa chỉ ra những bất cập của phần mềm xét tuyển.

“Phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT đưa ra chưa ổn định. Đến ngày 11-8, Bộ GD-ĐT mới công bố phần mềm xét tuyển đã hoàn chỉnh, trong khi quá trình xét tuyển bắt đầu từ trước đó 10 ngày, ngày 1-8. Tuy nhiên, quá trình thực tế vận hành cho thấy phần mềm này vẫn chưa hoàn chỉnh. Tình thế chưa có một phần mềm hoàn chỉnh để xét tuyển, buộc các trường ĐH-CĐ phải dùng phần mềm xét tuyển riêng. Trước đây khi còn kỳ thi ba chung, nhiều trường đã không tổ chức thi và nay họ phải bắt đầu tìm cho mình một phần mềm xét tuyển, dẫn đến hệ quả mỗi trường công bố thông tin trên mạng một kiểu” - ông Nghĩa nói.

Nếu như trước đây khi xét tuyển các trường ĐH-CĐ trực tiếp liên hệ với thí sinh thì nay mọi giao dịch đều phải qua “tay ba” là trường ĐH-CĐ, thí sinh và Cục Khảo thí. Như vậy chắc chắn việc xử lý xét tuyển sẽ chậm hơn.

TS Nguyễn Đức Nghĩa

Thêm nữa, các thông tin, dữ liệu của thí sinh đều do Cục Khảo thí quản lý. Do vậy, việc cập nhật thông tin thí sinh đăng ký vào trường cũng gặp rất nhiều trở ngại khi mạng hoạt động không ổn định. Có thể mất đến 1-2 ngày nhà trường mới truy cập được dữ liệu sau khi thí sinh nộp hồ sơ giấy về trường.

“Có rất nhiều thắc mắc tại sao nộp hồ sơ rồi vẫn không thấy tên trong danh sách xét tuyển của trường và khi rút hồ sơ ra thì đôi khi dữ liệu của các thí sinh nhà trường vẫn chưa kịp xóa để các em được nộp hồ sơ sang trường khác. Do đó khi rút hồ sơ ra thì thí sinh phải tiếp tục theo dõi việc mình đăng ký xét tuyển ở ngành mới, trường mới có được thực hiện hay chưa” - ông Nghĩa cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Dung lặn lội từ huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng xuống Trường ĐH Y dược TP.HCM rút hồ sơ cho con - Ảnh: Hải Quân

Bên cạnh đó, trước những thắc mắc của phụ huynh - học sinh về việc tại sao nhiều trường công bố điểm chuẩn ban đầu khá thấp, sau đó điểm chuẩn trúng tuyển tạm thời công bố lại quá cao làm nhiều thí sinh vừa nộp đã phải rút hồ sơ, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng việc không có đầy đủ  dữ liệu về phổ điểm của từng môn, từng tổ hợp theo từng vùng, từng địa phương sẽ gây khó cho thí sinh và cả các trường ĐH-CĐ trong việc dự đoán có bao nhiêu thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.

“Năm nay, biết kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển nên nhiều thí sinh có điểm cao ở các địa phương đổ dồn về các trường ĐH lớn, những ngành hấp dẫn. Do đó, các trường cũng không dám đưa ra điểm xét tuyển ban đầu quá cao” - ông Nghĩa nhận định.

5 nguyên nhân khiến tuyển sinh trở nên rối rắm hơn

1.       Việc công bố điểm chỉ tập trung về một đầu mối là Bộ GD & ĐT đã gây tâm lý căng thẳng không cần thiết. Sự việc có thể đã đơn giản hơn nếu cho phép các trường hay các cụm thi, thậm chí một số nhà mạng cung cấp kết quả cho thí sinh.

2.       Việc thiết kế và chuẩn bị hạ tầng hệ thống thông tin chưa lường hết số lượng truy cập của thí sinh và gia đình. Nếu chuẩn bị chu đáo hơn thì tình trạng này đã không xảy ra và không gây ức chế cho thí sinh và người thân.

3.       Việc công bố điểm qua mạng chưa lường hết việc ứng dụng CNTT ở các địa phương, đặc biệt vùng sâu vùng xa, gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh. Sự việc có thí sinh và phụ huynh phải đi rất xa đến các địa điểm có thể truy cập Internet để coi điểm cũng gây bất lợi cho họ.

4.       Giấy báo kết quả dùng để tuyển sinh là quá nhiều: Với 4 giấy báo kết quả thi và dùng xét tuyển làm chính thí sinh bối rối, các trường tuyển sinh cũng bối rối và lo lắng do lượng phiếu xét tuyển biến động và ảo khá lớn.

5.       Thời gian xét tuyển các đợt khá dài: Thời gian 20 ngày cho xét tuyển đợt 1 và việc cho phép thí sinh rút hồ sơ khá tự do dẫn đến rất nhiều khó khăn cho các trường tham gia tuyển sinh và căng thẳng cho học sinh. Việc biến động hồ sơ và cập nhật dữ liệu hồ sơ xét tuyển liên tục làm mệt mỏi cho cả các trường tuyển sinh và thí sinh. Đặc biệt thí sinh lo lắng, xem liên tục sự biến động của lượng hồ sơ để rút nộp.

TS LÊ HÙNG TIẾN

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa

>> Thí sinh Thanh Tâm

>> Phụ huynh

 

 

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - TÂM AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên