Xét nghiệm nước bọt lấy mẫu nước bọt trong miệng - Ảnh: dhnet.be
Theo đề nghị của Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran, chính phủ Pháp quyết định ưu tiên thực hiện kỹ thuật xét nghiệm PCR để phát hiện virus SARS-CoV-2.
Xét nghiệm PCR (lấy mẫu bằng cách phết mũi hầu và phết họng) nhằm khuếch đại một đoạn ADN lên hàng trăm ngàn lần để phân tích gen.
Xét nghiệm nước bọt cho kết quả nhanh
Hôm 8-9 (giờ địa phương), phát biểu trên đài France Inter, Bộ trưởng Olivier Véran ghi nhận các phòng xét nghiệm đang thực hiện 1 triệu xét nghiệm mỗi tuần nhưng vẫn còn quá nhiều người chờ xét nghiệm.
Trong buổi điều trần trước ủy ban điều tra Thượng viện Pháp hôm 15-9, Chủ tịch Hội đồng Khoa học COVID-19 Jean-François Delfraissy thông báo cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10-2020 có thể cho phép thực hiện kỹ thuật xét nghiệm qua nước bọt.
Điều khác nhau duy nhất giữa xét nghiệm nước bọt với xét nghiệm PCR là vị trí lấy mẫu.
Xét nghiệm PCR lấy mẫu bằng cách phết mũi hầu và phết họng trong khi xét nghiệm nước bọt lấy mẫu nước bọt trong miệng.
Hai cách xét nghiệm đều cùng một kỹ thuật sàng lọc và cùng một công nghệ.
TS Franck Perez - giám đốc khoa sinh học tế bào và ung thư tại Viện nghiên cứu Curie, giải thích thậm chí có thể nhổ trực tiếp nước bọt vào ống để lấy mẫu.
Khi lấy mẫu xét nghiệm PCR, không hiếm trường hợp bệnh nhân ngọ nguậy từ chối hoặc kỹ thuật viên lấy mẫu không dám ngoáy sâu trong mũi vì sợ bệnh nhân đau.
Trong khi đó, xét nghiệm nước bọt dễ chịu hơn, vì vậy lấy mẫu không bao giờ bị lỗi.
Xét nghiệm nước bọt còn có thể được áp dụng cho mọi người và làm nhiều lần trong ngày. Thời gian cho ra kết quả chưa tới 1 tiếng.
Xét nghiệm PCR lấy mẫu bằng cách phết mũi hầu và phết họng - Ảnh: AFP
Xét nghiệm nước bọt đáng tin cậy không?
Trong xét nghiệm PCR có thể xảy ra nguy cơ như bệnh nhân bất chợt hắt hơi trong khi xét nghiệm nước bọt an toàn hơn cho kỹ thuật viên vì bệnh nhân có thể tự lấy nước bọt cho vào ống.
Về lý thuyết là thế nhưng Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sinh học quốc gia Pháp François Blanchecotte ghi nhận hiện tại chưa thể cho bệnh nhân tự lấy nước bọt vì xét nghiệm nước bọt đòi hỏi kỹ thuật cần thiết nên chỉ có thể do kỹ thuật viên thực hiện.
Đến thời điểm này, mức độ tin cậy của kỹ thuật xét nghiệm nước bọt đến đâu vẫn đang được nghiên cứu. Cần lưu ý nước bọt chứa ít virus hơn các dịch mũi họng.
Trả lời báo Le Figaro, TS Vincent Enouf - phó giám đốc Trung tâm Tham khảo quốc gia về virus đường hô hấp tại Viện Pasteur, cho biết phải xem nước bọt đủ hiệu quả để phát hiện virus SARS-CoV-2 hay không và các kỹ thuật phân tích hoạt động như thế nào.
Một số phòng thí nghiệm ở Pháp đang nghiên cứu phát triển kỹ thuật xét nghiệm nước bọt.
Phòng thí nghiệm Sys2diag thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) phối hợp với Bệnh viện Đại học Montpellier đã phát triển xét nghiệm EasyCov.
Theo kết quả ban đầu công bố vào cuối tháng 5-2020, EasyCov cho thấy độ đặc hiệu (độ tin cậy) đạt 95,7%.
Bộ trưởng Olivier Véran cho biết ông đang chờ đợi thử nghiệm kỹ thuật xét nghiệm nước bọt trên số lượng người tình nguyện nhiều hơn.
TS Franck Molina - giám đốc Sys2Diag, phòng thí nghiệm đang thử nghiệm kỹ thuật xét nghiệm nước bọt EasyCov - Ảnh: AFP
Ngoài xét nghiệm PCR và xét nghiệm qua nước bọt còn có nhiều cách khác như xét nghiệm nhanh kháng nguyên và xét nghiệm PCR gộp mẫu.
Xét nghiệm nhanh kháng nguyên: lấy mẫu trong mũi phân tích nhằm tìm kháng nguyên trên bề mặt virus SARS-CoV-2.
Xét nghiệm PCR gộp mẫu: lấy mẫu cả nhóm trộn lại một phần để phân tích. Nếu có kết quả dương tính sẽ xét nghiệm riêng rẽ từng mẫu trong nhóm liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận