Nhân viên y tế phường 3, quận Bình Thạnh (TP.HCM) lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại chung cư Miếu Nổi - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong buổi họp trực tuyến của Thủ tướng với Hà Nội, TP.HCM, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hôm qua 11-9, một lần nữa Thủ tướng lưu ý các địa phương phải thần tốc xét nghiệm, bảo đảm nhanh hơn tốc độ lây nhiễm của dịch.
Trước đó vào tối 8-9, khi kiểm tra trực tuyến việc thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 với một số địa phương, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phải hoàn thành mục tiêu xét nghiệm toàn dân trước ngày 15-9 để loại trừ nguồn lây ra khỏi cộng đồng.
Thời hạn đó đang đến gần, cần xét nghiệm thế nào cho hiệu quả?
Xét nghiệm diện rộng khi nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Bộ Y tế đánh giá hiện đang có 2 trường phái trong chống dịch, một trường phái là xét nghiệm diện rộng, "zero F0"; trường phái còn lại là đẩy nhanh tiêm chủng, chỉ xét nghiệm ở vùng trọng điểm, đẩy nhanh các điều kiện để có thể "chung sống an toàn với dịch bệnh".
Vị này cho rằng tại một số tỉnh thành, biện pháp xét nghiệm diện rộng đã có hiệu quả, như ở Bắc Ninh đã thực hiện xét nghiệm diện rộng và hiệu quả chống dịch đã rõ. Ở giai đoạn gần đây, Cần Thơ cũng xét nghiệm trên phạm vi khá rộng và cũng có những hiệu quả nhất định, số ca cộng đồng hằng ngày đã giảm hẳn, tổng số ca nhiễm cũng giảm.
"Trường phái nào cũng được nhưng phải nhất quán theo trường phái đó, nếu zero F0 thì phải bỏ tiền để xét nghiệm rộng, còn nếu không thì phải chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế, cơ sở y tế để cấp cứu người bệnh và phải đẩy nhanh tiêm chủng" - chuyên gia này đánh giá.
Việc áp dụng xét nghiệm rộng hay không cũng nên tùy theo địa phương, nên áp dụng ở những địa phương có diện tích vừa phải, ít giao lưu đi lại. Và ngay cả trường phái zero F0 cũng không phải xét nghiệm toàn dân, như ở Cần Thơ vừa qua chỉ xét nghiệm 300.000 dân/tổng số 1,2 triệu dân. Chỉ xét nghiệm những xã phường trong 14 ngày gần đây có ca bệnh, nếu không có ca bệnh mới thì không cần thiết.
Cũng theo chuyên gia này, nếu xét nghiệm vòng 1 ổn thì vòng 2 sẽ giảm đi, chỉ xét nghiệm ở những nơi có ca mới. Trong lúc xét nghiệm kết hợp với tiêm chủng là quá tốt, nhưng nếu chưa có vắc xin đầy đủ thì giảm ca mắc thông qua xét nghiệm, phát hiện sớm là biện pháp tốt.
Đà Nẵng đã phân vùng bằng xét nghiệm thế nào?
Đến nay, sau thời gian "ai ở đâu ở yên đó" (thực hiện nghiêm việc giãn cách) kết hợp với xét nghiệm, đến nay bản đồ dịch ở Đà Nẵng đã phân chia được các vùng nguy cơ nhỏ tới cấp tuyến đường, tổ dân phố.
Trong 10 ngày đầu "ai ở đâu ở yên đó", Đà Nẵng đã làm 3 đợt xét nghiệm đại diện hộ gia đình toàn thành phố vì đánh giá nguy cơ một người mắc sẽ lây cho các thành viên trong gia đình là rất cao. Như vậy trung bình mỗi hộ gia đình có 3 lần được xét nghiệm, qua đó lộ dần các vùng nguy cơ cao. Trên cơ sở này, Đà Nẵng tiến hành cách ly, phong tỏa và điều chỉnh tần suất triển khai xét nghiệm với từng khu vực.
Theo đó, đối với vùng nguy cơ cao, Đà Nẵng chống dịch tương tự việc cách ly F1, việc xét nghiệm tần suất 3 ngày/lần cho 100% đối tượng trong vùng. Riêng vùng vàng xét nghiệm 100% đại diện hộ gia đình, vùng xanh xét nghiệm 50% đại diện hộ gia đình.
Bà Trần Thanh Thủy, phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết để đảm bảo khoanh vùng, làm sạch cộng đồng hướng đến mục tiêu không để dịch COVID-19 lây lan, thành phố tiếp tục có kế hoạch xét nghiệm trong 15 ngày sau thời điểm "ai ở đâu ở yên đó".
Theo đó, từ ngày 5 đến 20-9, tại khu vực vùng đỏ, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần cho toàn bộ người dân. Tại vùng vàng, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm đại diện hộ gia đình, vùng xanh xét nghiệm đại diện 50% hộ gia đình với tần suất 7 ngày/lần.
Ngoài ra, tùy theo một số hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng hàng hóa được phép hoạt động, Đà Nẵng xét nghiệm theo tần suất riêng. Cụ thể với doanh nghiệp, đơn vị cung ứng lương thực, cửa hàng tiện lợi, xét nghiệm 7 ngày/lần. Riêng nhân viên giao hàng, shipper công nghệ, tiểu thương nhiều nguy cơ hơn sẽ xét nghiệm 3 ngày/lần.
Những trường hợp được phép hoạt động theo quyết định mới nhất về biện pháp chống dịch ở Đà Nẵng thì thực hiện xét nghiệm tối thiểu 50% lao động có cùng nguy cơ lây nhiễm với tần suất 3-5 ngày/lần.
Trong 20 ngày "ở đâu ở yên đó", Đà Nẵng tăng năng lực lấy mẫu và xét nghiệm, trung bình 100.000 lượt người/ngày. Nhờ vậy, địa phương này có thời gian chăm chút cho việc xét nghiệm ở vùng nguy cơ cao. Như đến từng tổ dân phố để lấy mẫu xét nghiệm theo hình thức cuốn chiếu, với hẻm ở vùng đỏ, lực lượng lấy mẫu "đi từng ngõ, gõ từng nhà".
Bà Trần Thanh Thủy cho biết đối với các khu vực "điểm nóng", nhất là tại các hẻm ở phường Tam Thuận (quận Thanh Khê), ngành y tế đã thành lập tổ công tác đặc biệt hỗ trợ chống dịch để người dân không phải ra khỏi nhà. "Tổ này triển khai xét nghiệm 2 ngày/lần tại phường này theo mẫu gộp hộ gia đình và lấy mẫu tại nhà" - bà Thủy nói.
TP.HCM: một số quận huyện còn chậm
Theo Sở Y tế TP.HCM, đến ngày 11-9, TP đã cơ bản hoàn thành xét nghiệm đợt 2; một số quận huyện đã hoàn thành xét nghiệm đợt 3. Tuy nhiên, một số quận huyện còn chậm tiến độ, tỉ lệ hoàn thành xét nghiệm tại vùng xanh còn thấp, dưới 80%.
Do đó, Sở Y tế đề nghị các quận huyện tăng tốc việc lấy mẫu xét nghiệm; đến ngày 15-9, người dân ở vùng đỏ, vùng cam được xét nghiệm ít nhất 3 lần; người dân ở các vùng còn lại được xét nghiệm ít nhất 1 lần hoặc mỗi hộ gia đình được xét nghiệm ít nhất 2 lần.
Mầm bệnh không dễ triệt tiêu hết
Bà Trần Thanh Thủy cho biết sau mỗi đợt xét nghiệm đại diện hộ gia đình, số ca mắc cộng đồng giảm xuống, tuy nhiên, qua đó cho thấy nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn. Qua các đợt xét nghiệm lại phát hiện một số ca mắc không rõ nguồn lây. Ngoài việc làm sạch COVID-19 từ bên trong, TP Đà Nẵng cũng xác định nguồn lây COVID-19 có thể xâm nhập từ bên ngoài.
Theo đó triển khai xét nghiệm nhanh miễn phí với tất cả người đi vào nội ô thành phố ngay tại chốt kiểm soát. Kể cả các tài xế có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, Đà Nẵng cũng xét nghiệm lại. Trong thời gian hơn 20 ngày triển khai xét nghiệm nhanh tại chốt kiểm soát cửa ô, Đà Nẵng phát hiện hơn 10 trường hợp lái xe có đăng ký lộ trình vào nội ô thành phố dương tính với COVID-19.
Xét nghiệm rộng: 3 điểm cần trao đổi
Nhân viên y tế lấy mẫu test nhanh cho người dân tại nhà ở phường 12, quận Bình Thạnh (TP.HCM) vào sáng 9-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, nguyên tổng biên tập báo Sức Khỏe & Đời Sống, đã chia sẻ ý kiến về việc Hà Nội quyết định xét nghiệm diện rộng. Bác sĩ Tuấn nói:
Hà Nội bước vào chiến dịch xét nghiệm toàn thành phố chưa từng có cho toàn bộ cư dân, với mong muốn bóc tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng. Đã có ý kiến cho rằng việc này không cần thiết, tốn kém.
Để làm rõ điều này, tôi sẽ đi vào 3 vấn đề:
1. Tại sao phải xét nghiệm?
Với COVID-19, chúng ta chỉ có thể phát hiện và khẳng định ai bị nhiễm khi xét nghiệm. Và khi phát hiện ra sớm thì chúng ta mới thần tốc truy vết, khoanh vùng diện hẹp, dập dịch. F0 khi được phát hiện sẽ cách ly ngay để chặt đứt nguồn lây và điều trị sớm nhằm hạn chế tử vong.
Một trong những nguyên nhân dịch bùng phát mạnh như hiện nay tại một số nơi là do chúng ta chậm xét nghiệm, không phát hiện sớm nguồn lây, ổ dịch để sớm khống chế. Biến chủng Delta với R0 = 7 (1 người có thể lây cho 7 người) và chu kỳ quá ngắn chỉ có 2 ngày nên từ một nguồn lây ban đầu, sau một tháng đã có hàng chục nghìn ca F0 rồi, nếu như ta không khống chế và dập dịch kịp thời.
Vì vậy xét nghiệm là rất cần thiết, nếu như ta không thể bóc tách hết F0 ra khỏi cộng đồng thì cũng khống chế không để dịch bùng phát rộng dẫn đến thảm họa kể cả về kinh tế lẫn tính mạng của nhân dân như nhiều nơi hiện nay.
2. Có cần thiết phải xét nghiệm 100% cư dân Hà Nội không?
Theo tôi, không cần thiết. Với biến chủng Delta, một người nhiễm lây cho cả gia đình nên trừ những nơi dịch diễn biến phức tạp, ta xét nghiệm 100%, còn những vùng khác mỗi gia đình chỉ chọn một người có nguy cơ nhất để xét nghiệm. Làm theo cách này chỉ cần 1/3 số người Hà Nội phải xét nghiệm là đủ, vừa tiết kiệm được chi phí, thời gian và nhân lực mà vẫn đạt được mong muốn là phát hiện các F0.
3. Phương pháp tiến hành
Rất nhiều ý kiến đã chỉ ra một số hạn chế khi tổ chức xét nghiệm như tụ tập đông người, thực hiện chưa thật tốt 5K ở các địa điểm xét nghiệm, nhân viên y tế chưa thay găng tay sau mỗi lần lấy mẫu. Đặc biệt chú ý tay áo của nhân viên y tế gí sát vào mũi và miệng hết người này đến người khác trong quá trình thực hiện thì lây nhiễm chéo là điều rất khó tránh.
Vì vậy nên hướng dẫn người dân tự lấy mẫu, tổ COVID-19 cộng đồng sẽ thực hiện việc này. Thực hiện theo phương pháp này vừa tiết kiệm được thời gian, nhân lực, kể cả kinh phí, đặc biệt tránh được lây nhiễm chéo cho cả người dân và nhân viên y tế.
Có người cho rằng chúng ta phải sống chung với COVID-19 vì không thể loại bỏ hoàn toàn virus, nhưng theo tôi, trong quá trình buộc phải sống chung đó, phải tìm mọi cách để tồn tại bằng xét nghiệm, phát hiện sớm để khống chế dịch.
LAN ANH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận