Bộ dụng cụ xét nghiệm máu ẩn trong phân. Ảnh: rarefilm.org
Xét nghiệm máu ẩn trong phân là xét nghiệm có thể phát hiện một lượng nhỏ máu lẫn trong phân, không nhìn thấy bằng mắt thường. Xét nghiệm này thường được dùng để giúp chẩn đoán các rối loạn chảy máu trong đường tiêu hóa (thường là dạ dày và ruột).
Tại sao xét nghiệm máu ẩn trong phân cần được thực hiện?
Có một số bệnh có thể gây chảy máu trong đường tiêu hóa như loét dạ dày, loét tá tràng, ung thư dạ dày, viêm loét đại tràng, polyp đại tràng và ung thư đại tràng. Nếu tình trạng chảy máu nghiêm trọng thì phân sẽ có màu đỏ như máu hoặc rất đen. Tuy nhiên, thỉnh thoảng những bệnh đó chỉ gây chảy một ít máu. Nếu chỉ có một lượng máu nhỏ trong phân, màu sắc phân trông sẽ bình thường. Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân sẽ giúp phát hiện ra sự hiện diện của máu. Chính vì vậy, xét nghiệm này có thể được yêu cầu thực hiện nếu bạn có triệu chứng bất thường như đau bụng dai dẳng. Xét nghiệm này cũng được thực hiện để tầm soát ung thư đường tiêu hóa trước khi xuất hiện triệu chứng.
Chú ý: Xét nghiệm này chỉ có thể nói lên rằng bạn đang bị chảy máu từ một nơi nào đó trong đường tiêu hóa. Xét nghiệm này không cho biết chính xác vị trí chảy máu. Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính (tức bạn có chảy máu đường tiêu hóa) thì những xét nghiệm như nội soi dạ dày hoặc nội soi đại tràng có thể được chỉ định sau đó để tìm nơi chảy máu.
Xét nghiệm máu ẩn trong phân được thực hiện như thế nào?
Bạn lấy mẫu phân bằng cách dùng một que gạt để lấy ít phân ra khỏi giấy vệ sinh mà bạn vừa dùng khi đi vệ sinh. Mẫu phân nhỏ đó sẽ được trải đều trên một tấm giấy. Người kiểm nghiệm sẽ thêm một chất hóa học vào đó và quan sát sự thay đổi màu sắc. Sự thay đổi màu sắc đồng nghĩa với sự hiện diện của máu trong phân.
Có một số bộ dụng cụ xét nghiệm (kit) mà bạn có thể mua ở nhà thuốc để làm xét nghiệm này tại nhà. Một số người được phát những kit này để làm ở nhà.
Thông thường xét nghiệm này được thực hiện hai hoặc ba lần, trên hai hoặc ba mẫu phân khác nhau lấy trong những ngày khác nhau. Đó là do sự chảy máu đường tiêu hóa có thể chỉ xảy ra vào một thời điểm nào đó nên việc lấy mẫu một lần sẽ có thể không phát hiện ra máu trong phân (âm tính giả). Việc lấy mẫu nhiều lần trong các ngày khác nhau sẽ giúp phát hiện chảy máu đường tiêu hóa chính xác hơn.
Có một số thực phẩm và thuốc có thể ảnh hưởng lên kết quả xét nghiệm này, làm cho kết quả dương tính trong khi thực tế là không có chảy máu (dương tính giả). Việc ăn tiết canh (máu động vật) cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Tầm soát ung thư đại trực tràng
Tầm soát có nghĩa là tìm kiếm những dấu hiệu sớm của một một bệnh cụ thể nào đó trong khi bệnh nhân vẫn đang khỏe mạnh và không có bất kỳ triệu chứng nào. Tầm soát ung thư đại trực tràng được thực hiện để phát hiện ung thư trong giai đoạn sớm, khi mà cơ hội chữa trị còn cao.
Vì ung thư đại trực tràng rất phổ biến ở người già, nhiều nước khuyến khích người dân trong độ tuổi 40-75 thực hiện xét nghiệm máu ẩn trong phân để tầm soát ung thư đại trực tràng. Một số cơ sở y tế cũng bao gồm xét nghiệm này trong các chương trình tầm soát kiểm tra sức khỏe. Hãy hỏi các cơ sở y tế gần nơi bạn sống để biết thêm chi tiết.
Nếu kết quả là bình thường, bạn có thể yên tâm nhưng nên nhớ rằng vẫn có trường hợp âm tính giả. Hơn nữa, vì đây là xét nghiệm để tìm ung thư trên người không có triệu chứng, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến đường tiêu hóa, như thay đổi thói quen đi tiêu, thay đổi kích thước phân, tiêu chảy, đau bụng kéo dài hoặc sút cân thì đừng chần chừ mà hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận