Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Trạm y tế phường Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG THÁI
Tại TP.HCM, sau 3 ngày triển khai khai báo y tế và xét nghiệm COVID-19 đối với người dân rời Đà Nẵng từ ngày 1-7, đã có khoảng 9.000 người khai báo y tế, trong đó có gần 600 người đã được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
TP.HCM: ưu tiên xét nghiệm người có triệu chứng...
Để tránh tình trạng tụ tập đông người lấy mẫu xét nghiệm tại các trạm y tế phường, xã như đã diễn ra trong những ngày qua, ông Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - khuyến cáo người dân cần trung thực khai báo y tế để nhân viên y tế dựa vào tờ khai, từ đó lọc ra những nhóm người nào được ưu tiên xét nghiệm COVID-19.
Trước mắt, TP.HCM sẽ ưu tiên xét nghiệm theo nhóm người gồm: người có triệu chứng liên quan đến COVID-19, người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19, người đi qua những địa điểm nguy cơ được Bộ Y tế thông báo và khu vực của 3 bệnh viện (Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng). Nếu kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính thì vẫn phải cách ly đủ 14 ngày theo quy định.
Ngoài ra, ông Dũng cũng yêu cầu trung tâm y tế tại 24 quận, huyện lên kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm cho người dân TP.HCM rời Đà Nẵng từ ngày 1-7. Còn tại các trạm y tế phường, xã cần lập danh sách người dân về từ Đà Nẵng trên địa bàn để thực hiện điều tra dịch tễ, khai báo y tế.
Danh sách này sẽ chuyển về trung tâm y tế quận, huyện để lên kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm, sau đó hẹn người dân địa điểm, thời gian lấy mẫu, tránh tình trạng tập trung đông người cùng một thời điểm dẫn đến cự cãi, chen lấn.
Tại TP.HCM, ông Dũng cho hay hiện TP.HCM có tổng cộng 13 đơn vị được phép xét nghiệm COVID-19. Năng lực xét nghiệm của tất cả đơn vị này lên tới 2.000 ca/ngày, nếu tăng cường có thể lên 3.000 ca/ngày.
Trong đợt phát dịch này, Bộ Y tế đã có chủ trương cho đơn vị tư nhân tham gia xét nghiệm COVID-19. Tại TP.HCM, ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết sở vừa đề xuất với Bộ Y tế về việc cho các đơn vị tư nhân tổ chức xét nghiệm COVID-19 có thu phí với khung định giá phù hợp.
Nhân viên y tế lấy dịch phếch mũi người dân TP.HCM từ Đà Nẵng trở về từ ngày 1-7 tại quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
Hà Nội sẽ xét nghiệm xong trong tuần
Với hơn 21.000 người từ Đà Nẵng về Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP chuyển ngay 80.000 mẫu test nhanh cho các quận, huyện để tổ chức test nhanh đúng quy trình.
Ông Chung yêu cầu các quận, huyện triển khai xét nghiệm nhanh cho hơn 21.000 người về từ Đà Nẵng, tới ngày thứ Bảy (1-8) phải hoàn thành. Trường hợp nào xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính sẽ được xét nghiệm khẳng định bằng PCR.
Ghi nhận ngày 30-7, nhiều quận, huyện ở Hà Nội đã triển khai xét nghiệm nhanh với người về từ Đà Nẵng.
Là địa phương có số lượng lớn người về từ Đà Nẵng, bà Trịnh Thị Dung - phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy - cũng cho biết quận đang quyết liệt triển khai xét nghiệm sàng lọc, phấn đấu ngay trong tuần xét nghiệm hết những trường hợp về từ Đà Nẵng.
Theo thống kê của UBND quận Cầu Giấy, trên địa bàn có gần 2.000 người từ Đà Nẵng về, các phường đã hoàn thành việc lập danh sách, chia đợt xét nghiệm nhanh trong những ngày tới. Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy đã triển khai lực lượng xét nghiệm nhanh tại 8 trạm y tế phường.
Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc - chánh văn phòng UBND quận Tây Hồ - cho biết quận này đã thống kê có 925 người từ Đà Nẵng về trên địa bàn quận. "Theo đúng chỉ đạo của TP, quận đã bố trí đủ lực lượng triển khai xét nghiệm nhanh trong những ngày tới.
Trong ngày 30-7 quận chưa triển khai xét nghiệm nhanh, chỉ tập trung xét nghiệm với 5 trường hợp có biểu hiện. Từ ngày 31-7 và 1-8, các lực lượng của quận sẽ triển khai đồng loạt xét nghiệm tại 8 phường của quận, thực hiện theo đúng tiến độ của UBND TP" - bà Ngọc cho hay.
Tại quận Ba Đình, ông Tạ Nam Chiến - chủ tịch UBND quận này - cho biết thống kê đến ngày 29-7 trên địa bàn quận có 915 người từ Đà Nẵng về, ở rải tác tại 14 phường trên địa bàn quận. Trung tâm Y tế quận Ba Đình đã thành lập 4 cụm điểm xét nghiệm nhanh cho người dân trên địa bàn quận về từ Đà Nẵng.
Không dám về nhà
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 30-7, một nhóm 28 người khách du lịch Đà Nẵng cho biết đoàn vừa trở về từ Đà Nẵng, đã khai báo y tế điện tử, đã thông báo cho quận nơi cư trú nhưng chưa được xét nghiệm.
"Quận báo chúng tôi cứ về nhà, xét nghiệm theo địa phương, nhưng chúng tôi là nhóm nguy cơ nên e ngại không dám về nhà" - đại diện nhóm cho biết.
Theo đoàn khách này, do lo ngại nguy cơ COVID-19 nên đoàn đã về công ty tự cách ly tập trung (trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội), sau đó khai báo y tế điện tử chứ chưa dám về nhà, cũng không dám ra ngoài.
Ông Khổng Minh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội - cho biết: "Chúng tôi đã chia việc sàng lọc, xét nghiệm theo địa phương, nếu xét nghiệm theo công ty sẽ dẫn đến nguy cơ sót lọt. Đoàn khách này có thể cứ về nhà nhưng có bảo hộ, đeo khẩu trang, xét nghiệm tại địa phương. Nỗ lực đến ngày 1-8 sẽ xét nghiệm xong toàn bộ nhóm này" - ông Tuấn cho biết. (L.ANH)
Nên gỡ vướng mắc xét nghiệm
Sáng 30-7, tôi và gia đình đến đăng ký kiểm tra và xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội). Bắt đầu làm việc từ 7h sáng, đến hơn 8h đã có gần 50 người có mặt tại khu vực được bệnh viện thiết lập dành riêng cho "người nghi nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp". Trong đó, có hơn chục người nước ngoài là giáo viên đang làm việc tại Việt Nam.
Trong lúc tôi đang xếp hàng, số người đến làm xét nghiệm ngày càng đông. Hầu hết là người có đi du lịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam trở về.
Có lẽ do bệnh viện chưa chuẩn bị cho tình huống số lượng người đến làm xét nghiệm COVID-19 tăng mạnh nên khu vực dành cho việc đăng ký, làm thủ tục, khai báo và chỉ định xét nghiệm vẫn vỏn vẹn trong căn phòng chừng 40m2.
Đồng thời, việc tổ chức tiếp nhận bệnh nhân, quy trình khai báo, phân loại... chưa được thiết lập quy củ nên càng thêm người đến càng rối ren. Người đến xét nghiệm thì loay hoay, không biết phải bắt đầu từ đâu, ai cũng muốn chen vào trong, trong khi các bác sĩ, y tá thì vất vả túi bụi vì thực sự quá tải.
Đến hơn 11h, chỉ tại địa điểm này đã có hơn 300 người làm thủ tục lấy máu xét nghiệm. Nhưng thay vì chờ khoảng một giờ sẽ được trả kết quả thì bệnh nhân phải chờ đến 2-3 tiếng.
Theo các cán bộ y tế ở đây, do hệ thống xét nghiệm bị quá tải, đến máy in phiếu kết quả xét nghiệm cũng không in kịp. Nhận xong kết quả đều là âm tính nhưng bệnh nhân cũng không được làm thủ tục hoàn tiền tạm ứng vì "quá đông, quá tải, không có người xử lý", khiến không ít người phản ứng khi được hẹn quay lại sau để lấy tiền tạm ứng thừa sau khi làm xét nghiệm.
Nếu không nhanh chóng có các thông báo, hướng dẫn, phân luồng những người cần làm xét nghiệm COVID-19 sớm cho người dân thì chính các điểm xét nghiệm sẽ là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh. (T.HÀ)
Kỳ vọng đến 12-8 kiểm soát được tốt
Với yêu cầu rà soát tất cả các trường hợp về từ Đà Nẵng, cập nhật, công khai các địa điểm Bộ Y tế khuyến cáo để người dân đối chiếu, xét nghiệm sàng lọc tất cả những người về từ Đà Nẵng, yêu cầu tự cách ly tại nhà, cách ly tập trung với tất cả các trường hợp F1, giám sát y tế hằng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng: "Nếu canh phòng tốt sau 14 ngày, đến ngày 12-8 kiểm soát được tốt thì sẽ yên tâm". (X.LONG)
Không loại trừ khả năng xét nghiệm cho toàn dân Đà Nẵng
"Nếu tình hình diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, không loại trừ khả năng xét nghiệm diện rộng cho toàn dân ở Đà Nẵng" - Sở Y tế TP Đà Nẵng khẳng định. Đà Nẵng đã lấy hơn 12.000 mẫu xét nghiệm COVID-19. Hiện có hai nhóm người được xét nghiệm trước là những người có biểu hiện của bệnh và nhóm dân cư nơi có ca dương tính với virus corona.
TRƯỜNG TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận