Tăng cường giáo dục ý thức cho cầu thủ, nâng cao vai trò quản lý và đẩy mạnh công tác xét nghiệm chất cấm trong thời gian tới là những biện pháp được nhắc đến.
Thách thức lớn
Các giải bóng đá do LĐBĐ VN (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) tổ chức và quản lý đang gặp thách thức lớn ở công tác kiểm tra, phòng chống doping cũng như các chất cấm và chất kích thích. Việc này vốn đã không được duy trì thường xuyên hoặc chưa đem lại hiệu quả vì cách làm còn hình thức.
Thạc sĩ - bác sĩ Trần Công Định, từng công tác ở Trung tâm bóng đá PVF, CLB Sài Gòn..., đánh giá công tác phòng chống doping, chất cấm trong bóng đá VN còn khá lơ là. Ông nói: "Hơn 10 năm làm trong ngành thể thao, tôi chưa có dịp đi họp hay nghe phổ biến về doping và chất cấm. Tôi cũng chưa bao giờ nghe CLB thông báo sẽ có kiểm tra doping, chất cấm với cầu thủ của đội mình". Bác sĩ Trần Công Định cho biết xét nghiệm duy nhất cho cầu thủ là giấy khám sức khỏe để nộp cho ban tổ chức giải vào đầu mùa giải. Tuy nhiên, thông tin trong giấy khám sức khỏe chỉ là những chỉ số sơ sài. Các thông số liên quan chất cấm hay doping không có trong giấy này. Điều này rõ ràng tiềm ẩn nguy hiểm cho đội bóng nếu có cầu thủ chơi ma túy.
Còn với cựu HLV Võ Đình Tân của CLB Khánh Hòa, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nhìn mặt "bắt bệnh" học trò thì chuyện kiểm tra doping hay chất cấm cần được đẩy mạnh. "Nếu viện lý do kiểm tra doping, chất cấm sẽ tốn nhiều kinh phí, khi xảy ra sự cố thì thiệt hại về mặt tài chính còn nhiều hơn. Nhiều CLB không muốn làm công tác này. Có đội còn giấu nhẹm việc này đi để chủ yếu là đạt mục đích chuyên môn", ông Tân nói.
CLB nên chủ động thực hiện kiểm tra
ThS.BS Nguyễn Văn Phú - trưởng phòng y học thể thao VFF - cho biết việc kiểm tra doping và nhóm chất gây nghiện đã được ban tổ chức tiến hành từ năm 2008. Nhưng đến năm 2018 thì gián đoạn do những thay đổi trong công tác tổ chức giải và ảnh hưởng của dịch COVID-19. Giờ đây, VFF và ban tổ chức giải sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra ở mùa giải 2024-2025.
Thay đổi đó mang tính tích cực cho bóng đá VN. Nhưng tại sao phải chờ đến mùa giải mới mà không bắt đầu thực hiện công tác kiểm tra toàn diện hoặc ngẫu nhiên ngay từ bây giờ? Bởi nếu có phát hiện thêm trường hợp nào nữa dù có đau cũng tốt cho bóng đá VN. Thực tế, nhiều HLV và các đội bóng đều ủng hộ đẩy mạnh kiểm tra doping hay chất cấm. HLV Phùng Thanh Phương của CLB TP.HCM chia sẻ: "Kiểm tra chất cấm là điều cần thiết và phải được làm ngay. Trong khi chờ ban tổ chức thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên, các CLB nên chủ động làm trước".
Thực tế, chuyện phát hiện cầu thủ dùng ma túy hay chất cấm không hề khó thực hiện thông qua việc quản lý sinh hoạt và xét nghiệm của CLB. Vấn đề là CLB có muốn làm điều đó hay không, nhất là các CLB nhỏ vốn eo hẹp về ngân sách hoạt động. Chi phí xét nghiệm liên quan đến chất cấm, chất gây nghiện theo quy trình chuẩn vào khoảng 2 triệu đồng/mẫu xét nghiệm. Một đội bóng đăng ký 30 cầu thủ sẽ tốn 60 triệu đồng, một mùa kiểm tra hai lần (đầu và giữa mùa) coi như mất 120 triệu đồng.
Chưa kể, việc làm xét nghiệm cũng khiến cầu thủ cảm thấy bị nghi ngờ, dẫn đến không được thoải mái tâm lý. "Nếu chi phí xét nghiệm không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách hoạt động của CLB, chúng ta cũng không nên làm liên tục mà nên làm định kỳ ngay đầu mùa giải hoặc với những tân binh gia nhập ở giữa mùa để không làm không khí trong đội ngột ngạt", HLV Phùng Thanh Phương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận