TTCT - Vitamin D từ một chất được cơ thể tổng hợp nhờ ánh nắng mặt trời, bỗng được thổi phồng trở thành thần dược chữa bá bệnh, từ ung thư đến trầm cảm. Đã đến lúc chấm dứt huyền thoại không có căn cứ khoa học này. Ảnh: Yale MedicineBổ sung vitamin D không làm xương chắc hơn hoặc giảm nguy cơ gãy xương ở trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng này. Đây là kết luận của cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát về bổ sung vitamin D lớn nhất từng được thực hiện với trẻ em, vừa công bố kết quả tháng 12-2023 trên Lancet Diabetes & Endocrinology.Các nhà khoa học thuộc Đại học Queen Mary (Anh) kết hợp với Trường Y tế cộng đồng Harvard T.H. Chan tiến hành thử nghiệm trên 8.851 học sinh từ 6-13 tuổi ở Mông Cổ trong suốt 3 năm. Tại thời điểm trước can thiệp, 95,5% học sinh tham gia bị thiếu vitamin D; các em được cho uống vitamin D bổ sung mỗi tuần. Kết quả cho thấy mặc dù mức vitamin D trong cơ thể học sinh có tăng, sự bổ sung này không tác động gì đến nguy cơ gãy xương hoặc độ bền của xương.Theo các nhà nghiên cứu, kết quả thử nghiệm này có thể khiến giới khoa học, bác sĩ và chuyên gia y tế công cộng xem xét lại tác dụng được lan truyền rộng rãi của việc bổ sung vitamin D đối với sức khỏe của xương. Và không chỉ có xương; còn rất nhiều tính năng thần kỳ của vitamin D cần "xét lại". Vitamin D có hai dạng là vitamin D2 (ergocalciferon) và vitamin D3 (cholecalciferol). Năng lượng tia cực tím B (UVB) từ ánh nắng mặt trời kích hoạt chuyển đổi sterol trong da tạo thành vitamin D3. Đây là nguồn cung cấp vitamin D chính cho cơ thể.Vitamin D2 có nguồn gốc thực phẩm, được sản xuất bằng cách cho sterol thực vật tiếp xúc với UVB. Hai loại vitamin này có chức năng tương đồng nhau, đều được chuyển hóa tại gan, thận và tạo thành Calcitriol - dạng hoạt động của vitamin D để phát huy tác dụng. "Cường điệu hóa" kết quả nghiên cứuMối quan tâm đến việc bổ sung vitamin D tăng lên trong hai thập kỷ nay, khi nhiều nghiên cứu tuyên bố việc này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và một loạt tình trạng khác. Điều đáng nói là các bằng chứng chủ yếu đến từ các nghiên cứu quan sát, xem xét mối liên hệ - chứ không phải quan hệ nhân quả - giữa mức vitamin D và nguy cơ mắc bệnh hoặc so sánh lượng vitamin D ở người mắc bệnh và người không mắc bệnh, theo tạp chí Scientific American số tháng 1-2024.Ví dụ, năm 2008 một dự án phụ thuộc "siêu" nghiên cứu về tim Framingham (bắt đầu từ 1948 và vẫn đang diễn ra) đã theo dõi 1.700 người không mắc bệnh tim mạch trong 5 năm và phát hiện những người có lượng vitamin D thấp thì nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Hay một nghiên cứu công bố năm 2010, theo dõi 6.100 người ở Na Uy trong 11 năm cho biết tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 ít hơn ở những người có mức vitamin D cao hơn và ngược lại.Đây chỉ là tương quan - không phải vì thiếu vitamin D mà dẫn đến bị bệnh tim hay tiểu đường, và "nếu cải thiện mức vitamin D thì sẽ giải quyết được vấn đề", theo bác sĩ Leika Kahwati của Đại học North Carolina. Thực tế các nhà khoa học đã thử dùng vitamin D như biện pháp ngăn chặn các tình trạng trên, nhưng kết quả thất bại thảm hại. Với "cơ sở khoa học" như vậy, những công dụng thần kỳ của vitamin D mà các nghiên cứu vẽ nên trở thành hoang đường. Quan điểm cho rằng đang có tình trạng thiếu vitamin D rộng khắp cũng sụp đổ, bởi cái "thiếu" đó thật ra bắt nguồn từ hiểu biết mơ hồ ngay từ đầu, và hiểu sai sẽ dẫn đến áp dụng sai, theo giáo sư JoAnn Manso của Trường Y Harvard.Mơ hồ về thiếu hụtCó sự khác nhau, thậm chí là đối lập về ngưỡng thiếu hụt vitamin D giữa các tổ chức y tế uy tín. Điển hình như Viện y khoa Hoa Kỳ (IOM, từ 2015 đổi thành Học viện Y khoa quốc gia - NAM) năm 2011, đưa ra tiêu chuẩn bình thường của nồng độ tiền chất vitamin D trong máu là từ 12 -16 ng/ml và không có lợi ích gì khi ở mức trên 20ng/ml. Tuy nhiên, một số nhân viên y tế hiểu lầm 20 ng/ml là mức tối thiểu.Cùng thời điểm đó, Hiệp hội Nội tiết Mỹ đưa ra hướng dẫn cho các bác sĩ lâm sàng, mức dưới 20 ng/ml là thiếu hụt và mức 21 - 29 ng/ml là ranh giới. Do vậy, mọi người đều hiểu cần mức vitamin D từ 30 ng/ml trở lên.Thiếu hay đủ vitamin D cũng có thể khác biệt giữa người da trắng và người da đen, do liên quan đến biến thể gene. Ví dụ trong nghiên cứu trên tập san New England Journal of Medicine năm 2013, theo dõi 2.000 người cho thấy người da đen có lượng vitamin D thấp hơn nhưng lại có xương chắc và lượng canxi tốt hơn.Ngoài ra còn có vấn đề xung đột lợi ích trong các nghiên cứu y khoa. Hiện nay nhiều bác sĩ và nhà nghiên cứu cộng tác với các công ty dược phẩm, thiết bị y tế và công nghệ sinh học để phát triển sản phẩm, làm dấy lên lo ngại lợi ích tài chính sẽ ảnh hưởng đến các đánh giá chuyên môn.Michael Holick, tác giả chính các hướng dẫn nói trên của Hiệp hội Nội tiết, ủng hộ việc bổ sung vitamin D liều cao 2.000 - 3.000 IU/ngày so với mức 400 IU/ngày mà IOM đề nghị. Dựa vào một nghiên cứu quan sát (nhấn mạnh: quan sát) năm 2010 với 675 người tham gia, cho thấy người có mức vitamin D trên 30 ng/ml không có vấn đề về xương, Holick kết luận mức tối thiểu vitamin D là 30 ng/ml.Giới hạn này là cơ sở giúp các công ty cung cấp xét nghiệm và bán thực phẩm bổ sung tăng vọt doanh số, với hơn 10 triệu xét nghiệm được thực hiện hằng năm, mặc dù đã được các tổ chức y tế lớn khuyến nghị "không yêu cầu sàng lọc vitamin D dựa trên dân số" để tránh lãng phí.Holick phủ nhận các cáo buộc xung đột lợi ích. Trao đổi với Scientific American, ông thừa nhận đã nhận tiền từ ngành thực phẩm chức năng, nhưng "không liên quan gì đến vitamin D", mà đó là tiền để ông nói về sản phẩm mới của họ."Thực sự không có nghiên cứu tốt nào trên quy mô lớn về vitamin D mà không có xung đột lợi ích" - tiến sĩ Neha Vyas, đến từ Trung tâm y khoa Cleveland Clinic, nói với CNBC. Đây rõ ràng là vấn đề nhức nhối, không chỉ với vitamin D.Tìm kiếm bằng chứng tin cậyViết trên New England Journal of Medicine, bác sĩ nội tiết Clifford Rosen, đến từ Viện nghiên cứu thuộc Trung tâm y khoa Maine, kỳ vọng kết quả của VITAL - nghiên cứu sâu và rộng nhất về vitamin D - có thể là "phán quyết cuối cùng" cho những công dụng được bơm thổi của vi chất này.VITAL, khởi động năm 2009, là nghiên cứu do giáo sư Manso và các cộng sự tiến hành, với mục tiêu tìm kiếm câu trả lời rõ ràng hơn về việc liệu bổ sung vitamin D có thể ngăn ngừa bệnh tim, đột quỵ và ung thư hay không. Các tình nguyện viên - gồm 26.000 người trưởng thành (đồng đều nam và nữ, với 20% là người da đen) - được phân ngẫu nhiên thành nhóm nhận được 2.000IU vitamin D/người/ngày và nhóm dùng giả dược, sau đó được theo dõi trong hơn 5 năm. Kết quả đầu tiên được công bố vào năm 2019 gây bất ngờ lớn, khi không thấy sự giảm đáng kể nào về mặt thống kê đối với bệnh tim mạch, ung thư, cũng như bổ sung vitamin D không giúp cải thiện chức năng nhận thức, giảm rung tâm nhĩ, giảm tần suất đau nửa đầu, cải thiện kết quả đột quỵ, thậm chí giảm nguy cơ gãy xương. Nhiều thử nghiệm ngẫu nhiên khác cũng cho kết quả tương tự. Điều này đã khiến giới khoa học nghiêm túc đánh giá lại mức độ tin cậy về "bằng chứng khoa học" của các công trình ca ngợi vitamin D trước đó. "Bằng chứng ở đó, chỉ là người ta không muốn nhìn vào" - Rosen viết.Nghiên cứu VITAL, dù vậy, không phủ nhận hoàn toàn lợi ích của vitamin D. Thử nghiệm cho thấy với những người mảnh khảnh hoặc có cân nặng bình thường (BMI < 25 kg/m2), việc bổ sung vitamin D làm giảm nguy cơ bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, bệnh vảy nến khoảng 22% và ung thư tiến triển khoảng 17%. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu sâu hơn, bởi đây là kết quả của một phân tích nhỏ của nghiên cứu lớn và béo phì cũng là một một yếu tố nguy cơ gây ra ung thư và bệnh tự miễn. Hiện tại, Manso và các cộng sự đang tiến hành hai thử nghiệm ngẫu nghiên để làm rõ: liệu vitamin D liều cao có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh kéo dài và suy nhược do Covid hay không và liệu bổ sung vitamin D 1.000IU mỗi ngày có giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc mức độ nghiêm trọng của triệu chứng hay không. Sự hiểu biết về vitamin D, mối quan hệ phức tạp giữa vitamin với bệnh tật cần phải tiếp tục được kiểm chứng. Những khuyến nghị y tế được đưa ra cần đảm bảo tính trung thực của các cuộc điều tra, tính khách quan về chuyên môn, lợi ích sức khỏe của người bệnh và niềm tin của công chúng vào y học mà không chịu ảnh hưởng bởi các lợi ích thứ yếu bên ngoài. Điều đó sẽ giúp y học không ngừng phát triển và phục vụ lợi ích sức khỏe cho con người. Ai cần bổ sung vitamin D?Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến nghị trẻ bú sữa mẹ nên bổ sung vitamin D 400IU mỗi ngày. IOM khuyên bổ sung 600IU đến 800IU mỗi ngày cho người trên 70 tuổi. Người mắc bệnh đường ruột, bệnh gan, bệnh thận cần bổ sung theo lượng thiếu hụt.Do vitamin D tương đối an toàn, giá rẻ và được tiếp thị mạnh mẽ nên số người dùng tăng cao. Tuy nhiên bổ sung quá mức không chỉ lãng phí, mà còn gây ngộ độc với biểu hiện chán ăn, nhịp tim không đều, xơ cứng mạch máu và mô do nồng độ canxi tăng cao, dẫn đến tổn thương tim và thận.Những người khỏe mạnh không cần bổ sung thuốc vitamin D, mà có thể lựa chọn thêm từ các thực phẩm như sữa, ngũ cốc, cá béo, quan trọng nhất là tập thể dục ngoài trời như chơi thể thao hoặc đi bộ 15 phút vài lần mỗi tuần dưới ánh nắng mặt trời. Thậm chí, ngay cả khi tình cờ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như khi bạn đang chạy việc vặt thì cũng có lợi cho sức khỏe. Tags: Vitamin DBổ sung vitaminBổ sung vitamin DThực phẩm chức năngThực phẩm bổ sung
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình THẢO LÊ 23/12/2024 Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Sáng nay 20 độ C, người dân TP.HCM khoác áo ấm ra đường LÊ PHAN 23/12/2024 Sáng nay 23-12, thời tiết TP.HCM lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, người dân cảm nhận được cái lạnh rõ rệt dù trời có nắng.
Xe buýt lao qua đường tông xe máy và xe đạp, hai người nhập viện MINH HÒA 23/12/2024 Sáng 23-12, xe buýt chạy trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ lao qua làn đường ngược lại tông xe máy và xe đạp.