Các ứng viên nhận giấy chứng nhận đạt chuẩn phó giáo sư - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Sau khi tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT giải quyết những vấn đề gây bức xúc, trong đó có chuyện xét phong giáo sư, phó giáo sư, chúng tôi nhận được ý kiến của một ứng viên xét phó giáo sư đợt rồi. Xin trích đăng:
Việc công nhận giáo sư, phó giáo sư là việc làm cần thiết để công nhận cống hiến của các nhà giáo có nhiều đóng góp cho khoa học. Tuy nhiên, cách làm như hiện nay rất không minh bạch, thiếu khoa học và tạo cơ hội cho tiêu cực.
Là một trong các ứng viên của đợt bình xét vừa qua, tôi phát hiện rất nhiều vấn đề cần phải thay đổi để những người xứng đáng được công nhận cảm thấy tự hào, không xấu hổ vì những lời đàm tiếu, mỉa mai như hiện tại chúng tôi phải gánh chịu.
Nghi ngờ tính minh bạch
Tiến trình xét giáo sư, phó giáo sư được trải qua ba cấp hội đồng, gồm: hội đồng cấp cơ sở (chuyên ngành), hội đồng cấp bộ (liên ngành) và hội đồng cấp nhà nước (chủ yếu là xét hồ sơ).
Với hội đồng cấp cơ sở và cấp bộ, hồ sơ mỗi ứng viên được gửi cho ba chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đọc để phản biện và chấm điểm. Như vậy, tổng cộng sáu chuyên gia hàng đầu phản biện/1 hồ sơ ứng viên.
Các phản biện sẽ xem xét, đánh giá và cho điểm ứng viên dựa trên các nội dung: tham gia đào tạo và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu khoa học, các công trình ấn phẩm khoa học được xuất bản, ứng dụng của các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, các giải thưởng.
Muốn được bảo vệ trước hội đồng hai cấp này, ứng viên phải đạt yêu cầu về phần cứng của sáu phản biện này và phải đạt số điểm tối thiểu theo quy định.
Sự không minh bạch nằm ở chỗ người được phân công phản biện biết rõ ứng viên vì tên tuổi, chức vụ được nêu rõ trong hồ sơ. Ngoài ra, mặc dù luôn nói là phản biện khuyết danh, nhưng ứng viên nào rồi cũng sẽ biết ai phản biện hồ sơ của mình không qua kênh này thì kênh khác, nửa bí mật nửa công khai.
Tại sao không thực hiện phản biện khuyết danh thực sự, nghĩa là cả người được phản biện và người phản biện đều không biết nhau. Chúng ta đang chấm điểm các đóng góp khoa học, đào tạo, nghiên cứu hay đang chấm điểm vị trí công tác và sự "biết điều" của ứng viên với phản biện và thành viên hội đồng?!
Không chuyên nghiệp, thiếu khoa học
Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước với thành phần là các giáo sư đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, có thể được xem là tập thể các nhà khoa học hàng đầu của nước nhà, nơi hội tụ tinh hoa khoa học.
Nhưng trong quá trình tôi tham gia bảo vệ vừa qua, tôi thấy thực tế không thể hiện được điều đó, thậm chí thể hiện sự không chuyên nghiệp và thiếu khoa học.
Việc chấm điểm hồ sơ ứng viên đã có sáu phản biện với chuyên môn rất sâu. Về lý thuyết, nếu điểm chấm của sáu phản biện này đạt, có nghĩa ứng viên đã đạt mọi tiêu chuẩn theo quy định. Bảo vệ ở hội đồng, theo logic đó, chỉ là nơi để kiểm tra trình độ tiếng Anh của ứng viên.
Nhưng trong hội đồng, kể cả cấp cơ sở và cấp bộ, tôi biết chắc chắn nhiều người không biết một từ tiếng Anh nào. Vậy lá phiếu và ý kiến của thành viên không biết tiếng Anh đó sẽ thể hiện điều gì?
Do có những kẽ hở và không minh bạch trong tiến trình xét duyệt, sẽ có ứng viên, kể cả ứng viên giỏi, phải "chạy" và "chăm sóc" hoặc "quan hệ" từ chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên phản biện, thư ký và thành viên hội đồng.
Thậm chí, việc nhận được các gợi ý, nhắc nhở với ứng viên sao không thấy quan tâm đến các thành viên có vai trò quan trọng và cả ủy viên hội đồng là điều quá bình thường với các ứng viên.
Bản thân tôi cũng nhận được lời nhắn từ ba phản biện (do tôi ra Hà Nội muộn hơn các ứng viên khác). Họ đã hỏi: ứng viên A (tên tôi) đó là anh nào mà phản biện và thành viên hội đồng chưa biết mặt mũi ra sao?
Nếu chúng ta minh bạch, trong sạch và khách quan, tại sao chúng ta phải biết mặt của ứng viên trước khi bảo vệ, hay đấy chỉ là cái cớ vừa như gợi ý, vừa như ép buộc ứng viên phải chạy chọt, xin xỏ và chăm sóc thành viên hội đồng?
Chăm sóc để được ưu tiên
Do chất lượng của ứng viên khác nhau, cả về chuyên môn và về ngoại ngữ, nên độ nặng nhẹ của việc "chăm sóc" các thành viên hội đồng cũng khác nhau. Từ đó xuất hiện việc "ưu tiên" cho ứng viên nào biết "chăm sóc" thành viên hội đồng tốt nhất.
Do đó mặc dù đã có danh sách và số thứ tự về thời gian bảo vệ (ngày, buổi, giờ) của từng ứng viên dán ngoài cửa ở phòng bảo vệ của hội đồng, nhưng thực tế tiến trình bảo vệ lại không theo danh sách đã được niêm yết. Các ứng viên trong nhóm "ưu tiên" sẽ được hội đồng gọi lên bảo vệ khi nhóm thanh tra của Bộ GD-ĐT chưa đến hoặc khi họ đi khỏi.
Bản thân tôi và một số ứng viên khác thuộc vào nhóm không được ưu tiên, nên mặc dù tên tuổi và thời gian đã niêm yết rõ ràng nhưng luôn bị đẩy, dời lịch bảo vệ. Mọi người luôn phải ở trong tư thế sẵn sàng và điều này tạo ra sự căng thẳng, mệt mỏi, ức chế rất lớn với cách thức tổ chức như vậy của hội đồng.
Rớt mà không biết lý do
Việc bỏ phiếu là minh chứng rõ nhất cho sự không minh bạch. Hội đồng cấp cơ sở có 11 thành viên, hội đồng cấp bộ có 12 thành viên (tùy chuyên ngành, có thể dao động). Chỉ cần có 1/4 phiếu chống ở hội đồng cấp cơ sở hoặc 1/5 phiếu chống ở hội đồng cấp bộ là ứng viên sẽ bị loại.
Mặc dù đã có thông tin và chấm điểm của sáu chuyên gia phản biện, nhưng tại sao ở hai hội đồng này lại bỏ phiếu kín và trên lá phiếu không công khai thông tin và chữ ký của người bỏ phiếu. Tại sao hội đồng không họp và thảo luận công khai? Ai không đồng ý và nêu lý do tại sao không đồng ý đều không được nêu rõ! Vì thế, ứng viên không đạt yêu cầu cũng chưa bao giờ được thông báo lý do tại sao mình không đạt để hoàn thiện hơn cho những lần sau. Hình thức bỏ phiếu kín và khuyết danh này làm rất nhiều người giỏi, thực tài bị đánh rớt (thậm chí là nhiều lần) mà không biết lý do là gì?!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận