Các trường xét điểm thi đánh giá năng lực ra sao?
Không quy định điểm sàn thi đánh giá năng lực
Theo TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm nay trường dành 38 - 50% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
"Trường không quy định điểm sàn đối với phương thức này. Điểm chuẩn đánh giá năng lực các ngành của trường năm ngoái từ 610 - 900 điểm. Do vậy, thí sinh muốn xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực phải đạt ít nhất từ mức điểm này trở lên mới có cơ hội trúng tuyển vào trường" - ông Hạ lưu ý.
ThS Cù Xuân Tiến - trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết: "Năm nay trường không quy định điểm sàn đối với phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực. Thí sinh chỉ cần có kết quả bài thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2023 (lấy điểm cả hai đợt thi), không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng có phân biệt thứ tự nguyện vọng. Trường dành 40 - 60% tổng chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức này".
Tương tự, ThS Phùng Quán (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay trường xét điểm thi năng lực không giới hạn số nguyện vọng. Nếu thí sinh đăng ký nhiều hơn hai nguyện vọng vào các ngành/nhóm ngành của trường thì các nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Ngoài ra, thứ tự ưu tiên nguyện vọng từ cao xuống thấp cũng được tính đến nếu thí sinh đăng ký nhiều trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Điểm chuẩn đánh giá năng lực năm trước vào các ngành của trường từ 610 - 1001.
Xét điểm thi đánh giá năng lực từ cao xuống thấp
Trong khi đó, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM hoặc ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trường xét theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của hai đại học quốc gia từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu từng ngành. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2023 với 45% chỉ tiêu từng ngành. Điều kiện đăng ký xét tuyển phương thức này ngoài điểm bài thi năng lực, thí sinh phải có học lực giỏi năm lớp 12, riêng ngành điều dưỡng cần có học lực năm lớp 12 loại khá trở lên.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - năm 2023 trường dành hầu hết chỉ tiêu xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí: kết quả thi đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm học THPT, năng lực khác (chứng chỉ, giải thưởng) 60 - 90% tổng chỉ tiêu.
Phân tích dữ liệu của thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức kết hợp năm 2022, có 43,2% thí sinh đạt điểm thi đánh giá năng lực ≥ 800, 43% thí sinh đạt điểm thi tốt nghiệp THPT (theo tổ hợp môn xét tuyển) ≥ 26.
"Từ năm nay, trường xác định kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM là kỳ thi quan trọng trong công tác tuyển sinh tại trường. Đối với phương thức xét tuyển kết hợp, kết quả thi đánh giá năng lực chiếm trọng số cao nhất, 70% tiêu chí học lực. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh đạt điểm thi đánh giá năng lực càng cao thì càng có lợi thế trong xét tuyển...", ông Thắng nhấn mạnh.
Điểm chuẩn năm trước từ 550 - 950
Theo quy định đối tượng và điều kiện đăng ký của ĐH Quốc gia TP.HCM, đối với phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực: điều kiện chung để được xét tuyển vào ĐH Quốc gia TP.HCM là thí sinh đã tốt nghiệp THPT và việc xét tuyển sẽ thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau, trong đó có kết quả thi đánh giá năng lực.
Thí sinh dự thi và có kết quả thi bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2023 được công nhận và có giá trị dùng để đăng ký xét tuyển trong tuyển sinh năm nay (không sử dụng kết quả năm 2022 trở về trước). Thông tin ưu tiên (khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên) trên hồ sơ thi đánh giá năng lực được thực hiện theo quy chế tuyển sinh năm 2023 của Bộ GD-ĐT.
Đối với các trường đại học, cao đẳng ngoài ĐH Quốc gia TP.HCM không tham gia hệ thống đăng ký xét tuyển trực tuyến, thí sinh cần xem thông tin xét tuyển trên website của các trường. Năm ngoái, điểm chuẩn đánh giá năng lực các trường từ 550 - 950 điểm. Trong đó, phần lớn các ngành ở nhiều trường có điểm chuẩn từ 600 trở lên.
Mức 800 điểm ở các ngành công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, quản trị kinh doanh, digital marketing... Riêng khối ngành sức khỏe và khoa học giáo dục có mức điểm chuẩn cao hơn, từ 650 - 900 điểm.
Đăng ký xét tuyển từ ngày 5-4
Sau khi có kết quả thi đánh giá năng lực đợt 1-2023, từ ngày 5-4 đến 28-4, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ bắt đầu mở cổng trực tuyến tại địa chỉ: http://thinangluc.vnuhcm.edu.vn/ để thí sinh đăng ký thi đợt 2.
Cùng thời gian trên, tất cả thí sinh đã thi ở đợt 1 và chuẩn bị thi đợt 2 sẽ được đăng ký xét tuyển từ kết quả kỳ thi này vào các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM. Thí sinh có thể dự thi cả hai đợt thi, kết quả đợt nào cao hơn sẽ được sử dụng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm nay.
Vẫn được đăng ký các phương thức khác
TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM - cho hay: "Chúng tôi vẫn triển khai hệ thống xét tuyển chung cho các đơn vị trong và ngoài hệ thống. Thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển trong một đợt, được điều chỉnh và không giới hạn nguyện vọng.
Nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất. Sau khi kết quả thi được công bố, thí sinh có thể đăng ký bổ sung và sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng xét tuyển. Nếu tham gia kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh sẽ có thêm cơ hội để xét tuyển vào các đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM. Thí sinh vẫn được quyền đăng ký thêm các hình thức xét tuyển khác".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận