Hằng năm những người có trách nhiệm cũng có những thay đổi khi xét công nhận giáo sư, phó giáo sư, nhưng chỉ là những thay đổi bên ngoài, còn bản chất vẫn giữ nguyên.
Rớt mà không hiểu tại sao
Kể ra thì nhiều khâu chưa hợp lý. Một trong số đó là "bỏ phiếu kín" ba vòng. Để được là GS, PGS ứng viên phải đảm bảo một loạt tiêu chuẩn cứng như thời gian giảng dạy, số điểm công trình công bố, số học viên cao học, NCS hướng dẫn thành công, trình độ ngoại ngữ… Các tiêu chuẩn này được định lượng thành các con số, rõ ràng chi tiết đến 0,25 điểm.
Lẽ ra việc xét diễn ra công khai, thảo luận có mặt cả ứng viên. Nếu ứng viên đủ tiêu chuẩn thì được nhận quyết định công nhận của cấp có thẩm quyền. Nhưng oái oăm ở chỗ có đủ tiêu chuẩn nhưng ứng viên có qua hay không hoàn toàn phụ thuộc vào xét kín và bỏ phiếu kín. Ứng viên phải được sự nhất trí của 2/3 thành viên hội đồng (hội đồng liên ngành dao động từ 12 đến 14 thành viên).
Đây chính là điểm mờ hay điểm đen nhất của toàn bộ quá trình xét duyệt. Để được 2/3 thành viên đồng ý, ứng viên phải vận dụng tổng lực vật chất, tinh thần, các mối quan hệ để chắc chắn nhận được lá phiếu đồng ý của thành viên hội đồng. Có không ít người rớt mà không hiểu lý do tại sao. Có người cay cú quá đến… phát bệnh.
Tiêu chuẩn quan trọng chưa được đề cập
Cũng cần nói thêm rằng, các tiêu chuẩn chức danh GS, PGS có vẻ chi tiết và chặt chẽ nhưng những tiêu chuẩn quan trọng chưa được đề cập.
Trong bộ tiêu chí không có một dòng nào nói đến sự đóng góp của ứng viên đó cho công cuộc phát triển đất nước.
Đành rằng việc đào tạo, viết bài báo cũng có ý nghĩa. Nhưng một giáo sư viết vài chục bài báo quốc tế chưa chắc đã có ý nghĩa so với một nhà khoa học có những sáng kiến, sáng chế làm thay đổi đời sống xã hội, những đề xuất chính sách làm thay đổi đường lối và thực thi nó trong đời sống. Lạ nữa là có những vị GS chuyên gia về dân tộc ít người, lẽ ra tiêu chí là phải biết tiếng K'hor, tiếng Ê
Đê. Dù tiếng Anh cũng cần nhưng GS về tộc người mà không biết tiếng dân tộc thì nghiên cứu cái gì?
Cũng cần nói thêm cách thức tổ chức các hội đồng như hiện nay là quá xưa. Thế giới đang có xu hướng liên ngành thì lại giữ chuyên ngành rất hẹp và không cập nhật thông tin mới.
Vì thế có chuyện gần đây nhiều ứng viên tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng nhưng khi làm hồ sơ không nơi nào nhận mà cứ "đá qua đá lại". Chẳng hạn như các ngành "phát triển học", "phát triển quốc tế", "đô thị học", "phát triển bền vững", "sức khỏe cộng đồng", "quy hoạch xã hội"...
Giáo sư là chức danh nghề nghiệp
Trên thế giới, GS là một chức danh nghề nghiệp do một trường đại học nào đó công nhận và bổ nhiệm. Do vậy GS của một trường đại học chứ không là GS nhà nước, GS của tất cả các trường như ở Việt Nam. Và cũng không có chuyện là GS suốt đời, khi nào hết giảng dạy (nghỉ hưu hay bị thôi việc) thì không còn là GS nữa. Những người có công lao lớn thì được phong GS danh dự suốt đời (số này ít lắm).
Bất kỳ trường đại học nào cũng có quyền công nhận, bổ nhiệm giáo sư. Tùy thuộc vào nhu cầu, quy mô, cấp độ của từng ngành, từng khoa, từng bộ môn mà hội đồng trường đưa ra các tiêu chí và số lượng tuyển GS từng năm.
Giá trị của một vị GS tùy thuộc vào danh tiếng của trường mà GS phục vụ. Tất nhiên GS của ĐH Harvard, ĐH Stanford (Mỹ) cao hơn hẳn GS của một trường cộng đồng.
Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm điều này không phải bao giờ cũng đúng. Bởi có nhiều vị GS ở trường nhỏ nhưng lại được kính nể vì là chuyên gia đầu ngành quý hiếm của một khoa học mà ở các thành phố lớn, các trường lớn không có.
Có người cho rằng nếu tất cả các trường có quyền phong GS thì sẽ loạn. Xin chớ lo vội, khi mà GS gắn với tên tuổi, thương hiệu của mỗi trường thì tự khắc họ sẽ biết sử dụng sao cho việc phong GS tôn vinh trường lên chứ không dại gì tự hạ thấp xuống. Họ sẽ không dại gì phong tặng GS, PGS vô tội vạ vì kèm theo trách nhiệm, nghĩa vụ là quyền lợi và chế độ lương bổng mà phần tài chính đó trường phải gánh.
"Việc xét chức danh GS, PGS rắc rối, nhiêu khê, tốn công, tốn của, hao tổn danh dự nên nhiều vị rất giỏi, thừa tiêu chí không tham gia cuộc đua. Ngược lại nhiều vị bằng mọi giá phải có tước hiệu này nên gian dối học thuật, mua bán bài báo quốc tế, lấy công trình của sinh viên, đạo văn, chạy cửa sau làm cho mỗi mùa xét duyệt là một mùa khuấy động".
Chuyện ở Thái Lan
Trong thời gian làm việc ở trường Chulalongkorn (Thái Lan), tình cờ tôi được chứng kiến (ai cũng được tham dự) buổi xét duyệt ứng cử viên chức danh GS của khoa quy hoạch đô thị. Tất cả mọi chuyện đều minh bạch, các tiêu chuẩn rất cao và rất chặt chẽ, ứng viên và hội đồng khoa học tranh luận công khai từng tiêu chuẩn, từng bài báo. Ai hội đủ tiêu chuẩn sẽ được làm thủ tục công nhận là GS của trường và có thư chúc mừng của hoàng gia.
Diễn đàn "Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư nên ra sao?"
Loạt bài "Gian dối trong công bố bài báo quốc tế" của ứng viên GS, PGS trên báo Tuổi Trẻ thu hút sự quan tâm, bàn luận của bạn đọc. Mong muốn nhận thêm ý kiến, gợi mở giải pháp xung quanh việc xét duyệt GS, PGS, báo Tuổi Trẻ mở Diễn đàn "Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư nên ra sao?". Bài tham gia diễn đàn gửi về [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận