Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 là kỳ xét chọn lần thứ 9, đã ngày càng khẳng định vị thế là chương trình xúc tiến thương mại dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.
Nhận hồ sơ đăng ký xét chọn từ tháng 1-2024
Việc xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào các năm chẵn. Theo đó, để tham gia doanh nghiệp sẽ nộp 3 bộ hồ sơ đăng ký xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam trước ngày 31-3-2024 đến Bộ Công Thương.
Điểm khác biệt của chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, đó là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ.
Chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện.
Do đó, các sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia Việt Nam phải trải qua quá trình xét chọn nghiêm ngặt, chặt chẽ và minh bạch đã được quy định, gắn với hệ thống tiêu chí rõ ràng nên mức độ uy tín rất cao.
Đặc biệt, thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ mang đến cho các doanh nghiệp niềm tự hào và hãnh diện. Đó sẽ là đại diện cho hình ảnh Việt Nam - một quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hơn nữa, các hoạt động của chương trình luôn hướng tới mục tiêu đưa doanh nghiệp đến gần với 3 tiêu chí "Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong" trong quản lý và hoạt động kinh doanh.
Theo Bộ Công Thương, chương trình không phải là giải thưởng mà việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam chỉ là sự khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành đối tác của chương trình.
Nhà nước không làm thay cho doanh nghiệp, nhưng sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước, đẩy mạnh phát triển thương hiệu của mình ra thế giới.
Nâng cao tính cạnh tranh, giá trị thương hiệu
Với các ưu thế trên, Bộ Công Thương cho rằng việc tham gia chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất, kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của chương trình.
Trên cơ sở phát huy các giá trị này, doanh nghiệp có tiềm năng sẽ trở thành các đơn vị dẫn đầu trong ngành dựa trên việc không ngừng đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ).
Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia cũng sẽ được sử dụng biểu trưng thương hiệu quốc gia và hệ thống nhận diện thương hiệu quốc gia trong công tác quản trị kinh doanh và truyền thông thương hiệu theo đúng quy định.
Để thông tin rộng rãi hơn, Bộ Công Thương đang phối hợp các bộ ngành và địa phương nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu.
Đáng chú ý, tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của các kỳ xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Các hồ sơ đăng ký được đánh giá, thẩm định theo 3 tiêu chí: chất lượng, đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong với thang điểm đánh giá là 1.000 điểm. Tổng điểm quy định để một sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam là từ 650 điểm trở lên và điểm mỗi tiêu chí quy định đạt từ 60% trở lên.
Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ không giới hạn số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia xét chọn cũng như số lượng sản phẩm được công nhận đạt thương hiệu quốc gia. Bộ Công Thương luôn luôn khuyến khích các doanh nghiệp đạt đủ tiêu chí của chương trình đăng ký tham gia xét chọn
Năm 2022, chương trình thương hiệu quốc gia đã công nhận công nhận 172 doanh nghiệp trên tổng số hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia đạt sản phẩm thương hiệu quốc gia Việt Nam. Điểm đáng chú ý là sự tham gia ngày càng nhiều của các thương hiệu, dịch vụ mới và được công nhận là thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo nên sự đa dạng, tính cạnh tranh cao cho chương trình.
Doanh nghiệp gửi hồ sơ thế nào?
Việc gửi hồ sơ có thể qua đường bưu điện, trực tiếp tại trụ sở Bộ Công Thương hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương. Hồ sơ đăng ký xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ là các giấy tờ, tài liệu có liên quan (không cần chứng thực).
Bao gồm bản đăng ký tham gia xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam; thông báo của cơ quan thuế về việc xác nhận doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế; thông báo của cơ quan bảo hiểm xã hội về kết quả đóng bảo hiểm xã hội; thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động; báo cáo định kỳ kết quả quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật; bản sao báo cáo tài chính; văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ của sản phẩm đăng ký xét chọn còn hiệu lực; giấy tờ chất lượng của sản phẩm đăng ký xét chọn còn hiệu lực theo quy định của pháp luật; giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 hoặc bản sao giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tương đương; giấy chứng nhận ISO 14001, ISO 22000, ISO 17025, SA 8000, OHSAS 18001, HACCP, GMP, VietGap, Global Gap và các biên bản đánh giá giám định định kỳ hoặc tương đương; giấy chứng nhận các giải thưởng về chất lượng, uy tín thương hiệu…
Các giấy tờ trên là những bản sao có thời hạn trong vòng 2 năm liên tiếp gần nhất của kỳ xét chọn, được doanh nghiệp cung cấp là căn cứ xét chọn sản phẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận