Phân bổ mảng xanh chưa đều
Dù đã có quy hoạch, chủ trương nhưng phát triển, quản lý công viên cây xanh tại TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn như quy hoạch, quỹ đất, quy định pháp luật. Do đó diện tích đất công viên cây xanh trên đầu người ở TP.HCM vẫn còn thấp.
Mở đầu câu chuyện, tiến sĩ Đinh Quang Diệp - Đại học Nông Lâm TP.HCM (một chuyên gia lâu năm về cây xanh) - đặt vấn đề ngành công viên cây xanh thành phố cần phải làm gì để đất cây xanh công viên đô thị đạt tiêu chuẩn 7m2/người của một đô thị loại đặc biệt như TP.HCM?
Ông Diệp cũng đánh giá hiện nay phân bổ mảng xanh không đồng đều, các quận nội thành, trung tâm là nơi có số lượng, diện tích công viên lớn hơn các quận mới, các huyện ngoại thành. Đây là nghịch lý, phải chăng là vấn đề về quy hoạch?
Theo ông Đặng Phú Thành - phó giám đốc Sở Xây dựng, hiện toàn thành phố có khoảng 11.369ha đất công viên cây xanh.
"Năm 2019, thành phố đã tổ chức hội thảo, thông qua góp ý các chuyên gia, sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn giai đoạn 2020-2025.
Trong đó đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 tăng thêm 150ha đất công viên công cộng. Diện tích công viên công cộng trên đầu người tăng lên 0,65m2/người (hiện nay 0,55m²/người, thấp nhất trong các đô thị của cả nước - theo báo cáo Bộ Xây dựng - PV).
Đồng thời sẽ tăng thêm 10ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh… nhằm tăng tỉ lệ phủ xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp", ông Thành nói.
Đối với vấn đề mảng xanh phân bố không đều, ông Nguyễn Thanh Nhã - giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc - nói công viên, cây xanh đã quy hoạch trải đều khắp các quận, huyện. Có tổng cộng 600 đồ án quy hoạch phân khu toàn thành phố đều chú ý yếu tố công viên cây xanh.
Tuy nhiên ông Nhã thừa nhận có quy hoạch nhưng chưa triển khai ra thực địa nên chưa đạt yêu cầu. Trước nay thường ưu tiên dân cư ở đâu thì hạ tầng đi đến đó (giao thông, xã hội). Thời gian tới ngoài ưu tiên phát triển hạ tầng để phục vụ dân cư thì cần chú ý thêm mảng xanh để yếu tố này phân bố đều hơn.
Tỉ lệ đất công viên cây xanh các TP lớn, TP.HCM thua Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng
Thành phố | Diện tích đất cây xanh |
TP.HCM | 0,55m²/người |
Hà Nội | 2,06m²/người |
Đà Nẵng | 2,4m²/người |
Hải Phòng | 3,41m²/người |
Chưa thể xã hội hóa
Tại chương trình, cử tri đặt vấn đề tại sao không huy động, kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng công viên, cây xanh để giảm gánh nặng cho ngân sách. Vướng mắc, khó khăn là gì?
Trả lời, ông Đặng Phú Thành cho biết việc này còn vướng luật. Cụ thể việc huy động xã hội hóa đầu tư công viên cây xanh không nằm trong danh mục của Luật Đầu tư công. Do đó phát triển công viên cây xanh chủ yếu bằng nguồn ngân sách.
Trước nhận định của Sở Xây dựng TP.HCM, tiến sĩ Đinh Quang Diệp cho rằng có những vướng mắc khách quan, nhưng cũng có những vướng mắc chủ quan từ phía cơ quan nhà nước. Vậy cách giải quyết là gì?
Ông Thành giải đáp: "Như đã trình bày, việc phát triển công viên cây xanh chủ yếu từ vốn ngân sách.
Kế hoạch của thành phố giai đoạn 2020-2025 thành phố sẽ đầu tư thêm 150ha diện tích công viên cây xanh. Tuy nhiên qua rà soát thì dự kiến 2025 chỉ đạt trên 100ha, được 75% kế hoạch đặt ra. Sở sẽ phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương tham mưu UBND thành phố về phát triển cây xanh".
Nói thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Vân - trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố - cho biết sẽ đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để tổ chức thực hiện đề án trồng 1 tỉ cây xanh của Chính phủ, kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh của thành phố.
Giải quyết bài toán về nguồn vốn, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cân đối, tham mưu bổ sung hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 để Sở Xây dựng tổ chức thực hiện các dự án phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố theo quy định, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65m2/người.
UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện rà soát các khu đất công được quy hoạch đất cây xanh nhưng đang sử dụng vào mục đích khác. Qua đó thu hồi, đầu tư xây dựng công viên công cộng theo đúng quy hoạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận