Xếp hạng đại học toàn cầu: những xu hướng mới

TTCT - Việc xếp hạng đại học (ĐH) đã có từ lâu (thực hiện lần đầu tiên trên thế giới từ năm 1870, được biết đến rộng rãi từ năm 1983 với bảng xếp hạng của US News và World Report). Gần đây, các bảng xếp hạng ĐH trở thành một hiện tượng có ảnh hưởng mạnh mẽ, không ngừng gây tranh cãi và cũng không ngừng biến đổi (*).



Với khủng hoảng tài chính, ngân sách nhà nước cấp cho các trường ĐH công đang giảm sút ngày càng nghiêm trọng. Ở Hoa Kỳ, ngân sách nhà nước cấp chỉ còn chiếm 10% tổng kinh phí hoạt động của trường công. Ngân sách suy giảm nghiêm trọng đã thúc đẩy sự dịch chuyển của giới hàn lâm, chẳng những từ trường này sang trường khác, từ khu vực công sang khu vực tư, mà còn từ nước này sang nước khác.

Do vậy, cuộc cạnh tranh nguồn lực và tranh giành tài năng ngày càng khốc liệt, diễn ra trên quy mô toàn cầu, khiến bức tranh giáo dục ĐH toàn cầu khác đi rất nhiều so với 5, 10 năm trước.

Xu hướng đặt gánh nặng tài chính lên vai người học ngày càng tăng, thay vì do nhà nước chi trả phần lớn như trước. Ở Mỹ, học phí đã tăng gấp năm lần trong vòng 30 năm qua. Số tiền nợ mà sinh viên Mỹ đang gánh chịu hiện nay đã lên đến hàng ngàn tỉ đôla.

Điều này đặt ra hai vấn đề: Một là “lợi ích công” của giáo dục ĐH phải được định nghĩa lại như thế nào khi gánh nặng học phí và nợ nần khiến giáo dục ĐH trở thành chủ yếu là đầu tư của cá nhân cho lợi ích riêng. Hai là câu hỏi về tính thiết thực của việc học được đặt ra gay gắt hơn bao giờ hết.

Chính trong xu hướng đó, ngày càng nhiều các tổ chức giáo dục ĐH vì lợi nhuận xuất hiện, tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ, với mô hình quản trị như một doanh nghiệp, nhanh chóng đáp ứng những đòi hỏi của thị trường. Bối cảnh này khiến tiếng nói của giới hàn lâm bị coi nhẹ và tự do học thuật đang ngày càng phải chịu thỏa hiệp nhiều hơn. Những biến đổi đó khiến ngay cả những trường đang ngự trị trên đỉnh tháp của thang bậc học thuật cũng phải chịu đựng sự đe dọa không còn giữ vững được vị trí và phẩm chất của mình (Philip Altbach, Boston College, Hoa Kỳ).

Trong lúc đó, các nước mới nổi và giành được một số thành tựu về kinh tế thì nhìn các trường ĐH đẳng cấp quốc tế như biểu tượng cho sự thành công về kinh tế và là nguồn lực cho nền kinh tế tri thức. Nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ... trong thập kỷ qua đã và đang dành những nguồn lực to lớn của quốc gia cho việc xây dựng những trường ĐH nghiên cứu đẳng cấp quốc tế.

Liệu các nước nhỏ có cần hay có nên xây dựng những trường ĐH đẳng cấp quốc tế trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp của mình hay không? Câu trả lời là có, bởi vì trường ĐH là nơi tốt nhất để thực hiện hoạt động nghiên cứu và đào tạo thế hệ làm khoa học kế thừa. Các nước nhỏ và đang phát triển cần một nơi như thế để duy trì mối quan hệ tương tác với giới hàn lâm quốc tế và hiểu biết về những tiến bộ mới nhất trong khoa học.

Thứ hạng trên bảng xếp hạng không phải là vấn đề, càng không phải là mục tiêu. Điều chính yếu là những trường ĐH nghiên cứu hàng đầu của những nước này phải gắn với đời sống học thuật trên thế giới và phục vụ cho những ưu tiên của quốc gia, đồng thời là nơi đào tạo những người tài trở thành tầng lớp tinh hoa cả trong giới khoa học lẫn giới chính trị.

Ảnh hưởng của các bảng xếp hạng

Tác động của các bảng xếp hạng lên chiến lược và hành vi của các chính phủ, các trường là điều khá dễ thấy: các trường ở Saudi Arabia tuyển dụng những giáo sư có tỉ lệ trích dẫn cao từ khắp thế giới đến làm việc cho họ với mức lương hấp dẫn. Các trường ĐH Úc tuyển dụng các nhà quản lý chuyên trách việc nâng hạng trường mình. Ở Anh, 70% hiệu trưởng ĐH muốn trường mình phải nằm trong top 10% trong nước và 25% trên bảng xếp hạng quốc tế.

Tuy nhiên, có một thực tế là tất cả các trường đang bị xem xét và đánh giá bằng những tiêu chí chỉ thích hợp cho một số rất ít trường tinh hoa (chiếm khoảng 4-6% trên toàn cầu). Việc xếp hạng đã tạo ra một mô hình khiếm khuyết dẫn tới cuộc chạy đua cải thiện thứ hạng của hầu hết các trường...

Các bảng xếp hạng còn tác động mạnh mẽ đến chính phủ các nước, ảnh hưởng đến những quyết định về phân bổ nguồn lực cũng như xác định ưu tiên của quốc gia. Sinh viên, cha mẹ học sinh, các nhà lãnh đạo và quản lý ĐH, giảng viên, giới doanh nghiệp, tất cả đều đang bị thứ hạng của trường ám ảnh, chi phối.

Ý nghĩa tích cực của các bảng xếp hạng là không thể phủ nhận. Nó cung cấp thông tin cho người học, cho các chính phủ, kích thích việc thu thập dữ liệu vốn rất cần cho việc quản lý hệ thống, và quan trọng hơn là nâng cao ý thức của các trường trong việc cải thiện hoạt động. Tuy thế, khiếm khuyết của các bảng xếp hạng và tác động tiêu cực của nó cũng ngày càng bộc lộ rõ.

Rõ nhất là nó kích thích các trường chạy theo vị trí xếp hạng và coi nhẹ những sứ mạng quan trọng khác đối với người học và đối với xã hội. Xét về mặt hệ thống, việc đầu tư một nguồn lực khổng lồ cho một số ít trường tinh hoa nhằm tạo ra sự xuất sắc đã lấy đi những khoản đầu tư đáng lẽ có thể dành cho việc cải thiện chất lượng đào tạo của số đông. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi một bộ phận giới hàn lâm, kể cả lãnh đạo ĐH, có thái độ phản kháng đối với việc xếp hạng.

GS Ellen Hazerlkorn (Viện Công nghệ Dublin, Ireland) nhấn mạnh rằng việc xếp hạng ĐH ngày nay đang xa dần mục tiêu ban đầu của nó: ngày càng ít nhắm vào cung cấp thông tin giúp sinh viên lựa chọn trường, mà tập trung chủ yếu vào việc khẳng định vị trí địa chính trị. Trong quá trình đó, cả một ngành công nghiệp xếp hạng đã được tạo ra.

Những xu hướng mới

Do những hạn chế đã nêu trên, các hệ thống xếp hạng đều đang nỗ lực cải thiện phương pháp của mình, từ xây dựng tiêu chí đến thu thập và xử lý dữ liệu. Có thể ghi nhận một số xu hướng mới trong việc xếp hạng ĐH toàn cầu:

Một là, bổ sung những tiêu chí và trọng tâm đang thiếu hay khiếm khuyết trong các bảng xếp hạng hiện nay, chẳng hạn những tiêu chí nhằm đo lường giá trị gia tăng mà nhà trường mang lại cho sinh viên - điều này đặc biệt quan trọng khi tính thích đáng hay thiết yếu của giáo dục ĐH đang bị nhiều người ngờ vực, trong bối cảnh chi phí cho việc học không ngừng tăng. Ngoài ra, sẽ có thêm các bảng xếp hạng theo vùng, chẳng hạn giữa các trường châu Á hay giữa các nước BRICS.

Hai là, hướng tới đối sánh hơn là xếp hạng. Thứ hạng cao thấp đã kích thích các trường chạy đua theo các chỉ báo (thường là phiến diện) của các bảng xếp hạng mà quên đi những hoạt động trọng yếu khác của nhà trường. Điều đó không giúp các trường tốt hơn, có ích hơn đối với người học và xã hội. Xu hướng về đối sánh đang hình thành nhằm so sánh hoạt động của các trường với những “đối thủ” cạnh tranh cùng loại, hay với những kinh nghiệm tốt của trường khác, với mục đích hiểu rõ chỗ yếu của mình nhằm cải thiện hoạt động.

Ba là, xếp hạng đa chiều. Đây là một xu hướng đặc biệt quan trọng, phản ánh năm khía cạnh chính của đời sống ĐH. Cách tiếp cận này giúp phản ánh được đặc điểm các trường theo sứ mạng và đặc điểm đa dạng của họ. Các chỉ báo được đề nghị là:

1) Về dạy và học (tỉ lệ chi tiêu dành cho hoạt động giảng dạy, tỉ lệ tốt nghiệp, các chương trình liên ngành, tỉ lệ sinh viên tìm được việc làm...);

2) Về nghiên cứu (kết quả nghiên cứu, chi phí cho nghiên cứu, tỉ lệ trích dẫn, số lượng công bố quốc tế, giải thưởng quốc tế, khả năng cạnh tranh các quỹ tài trợ nghiên cứu...);

3) Về chuyển giao tri thức và công nghệ (chính sách khích lệ hoạt động chuyển giao tri thức, tài trợ nghiên cứu do các tổ chức, doanh nghiệp đem lại, số bằng sáng chế, quy mô của các tổ chức chuyển giao công nghệ...);

4) Về định hướng quốc tế hóa (số chương trình dạy bằng tiếng nước ngoài, số giảng viên/nghiên cứu viên là người nước ngoài/được đào tạo ở nước ngoài, các chương trình liên kết quốc tế...);

5) Sự gắn kết với khu vực (có sinh viên trong khu vực đến học và thực tập, các hợp đồng, hợp tác nghiên cứu trong khu vực...).

Xếp hạng đa chiều là một dự án do Ủy ban châu Âu tài trợ, được khởi động từ Hội thảo Dublin 2009, dự kiến đến năm 2014 sẽ công bố bảng xếp hạng đầu tiên gồm 500 trường, do một nhóm gồm 15 tổ chức nghiên cứu giáo dục ĐH thực hiện.

Bốn là, xếp hạng hệ thống, không chỉ xếp hạng từng trường. Một kết quả nghiên cứu đăng trên The Economist tháng 4-2013 cho thấy số sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, hoặc trong tình trạng bị động, đang tăng một cách đáng ngại, nhất là ở Đông Á.

Trong lúc đó, các bảng xếp hạng hiện nay chỉ tập trung vào một số rất ít trường tinh hoa (khoảng 500 trường/khoảng 16.000 trường ĐH trên thế giới), tạo ra một hiệu ứng không có lợi cho người học, khi số lớn các trường này theo đuổi mục tiêu nâng hạng thay vì tập trung cải thiện chất lượng dạy và học, gắn kết nhà trường với thế giới việc làm và mang lại những giá trị gia tăng tích cực hơn cho người học.

Bảng xếp hạng đối sánh hệ thống giáo dục ĐH đầu tiên ra đời năm 2012 do ĐH Melbourne (Úc) thực hiện, dựa trên bốn bộ tiêu chí để đánh giá: nguồn lực, môi trường, sự nối kết và kết quả hoạt động.

Do mục đích đối sánh hơn là xếp hạng, nhìn vào danh sách các trường hàng đầu trong danh sách top 500 của ARWU ta sẽ thấy Hoa Kỳ dẫn đầu về số lượng, nhưng nếu so sánh với tương quan dân số thì mật độ trường được xếp hạng của Hoa Kỳ còn thua xa nhiều nước.

Lấy đơn vị đo mật độ là số trường được xếp hạng trong top 500 trên 1 triệu dân thì đứng đầu là Phần Lan, tiếp đó là Thụy Điển, New Zealand, Thụy Sĩ... với mật độ tương ứng là 18,3; 17,9; 16,0; 14,6... trong lúc Hoa Kỳ là 6,8 và Trung Quốc là 0,3, còn chót bảng là Ấn Độ với mật độ 0,02 (Benoit Millot, Salmi, World Bank).

Một ý tưởng xuyên suốt của giới hàn lâm, giới lãnh đạo ĐH và giới làm chính sách hiện nay là cần thay đổi mô hình trường ĐH đẳng cấp quốc tế, đưa nó trở thành những trường ĐH hoa tiêu của hệ thống, và thay đổi mục tiêu giành vị trí trên bảng xếp hạng sang mục tiêu trở thành một tổ chức thiết yếu cho quốc gia - đặt nền tảng trên việc phục vụ những nhu cầu của quốc gia, bao gồm những trách nhiệm và đặc điểm khó mà xếp hạng.

 Đã có một hội nghị bàn tròn các lãnh đạo ĐH ở Pháp năm 2010 với tiêu đề “Quên đi Thượng Hải” (vì Bảng xếp hạng ĐH thế giới - viết tắt là ARWU - còn được gọi là Bảng xếp hạng Thượng Hải). James Cook University ở Úc đang tẩy chay ARWU. Ở Hoa Kỳ, Annapolis Group đang tẩy chay US News và World Report Ranking. Một số trường ĐH ở Canada từ chối tham gia bảng xếp hạng Maclean.

Ở Đức, nhiều tổ chức nghề nghiệp như Sociologists, Historians, Chemists, Educationists đã kiến nghị tẩy chay CHE Ranking. Bốn trường ĐH Đức (Hamburg, Leipzig, Cologne, Hagen) tuyên bố từ nay sẽ không nộp bất cứ dữ liệu nào cho mục đích xếp hạng. 

 



(*): Ghi nhận tại Hội thảo đẳng cấp quốc tế lần thứ 5 (từ ngày 3 đến 6-11-2013) và Hội thảo U21: Đối sánh các hệ thống giáo dục đại học - vấn đề tiêu chí đánh giá (ngày 7-11-2013) tại Thượng Hải (Trung Quốc).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận