Về hành vi, lúc đầu ông Sơn bị truy tố về tội cố ý gây thương tích, đến khi ra tòa thì tòa cho rằng có dấu hiệu phạm tội cướp tài sản nên đã trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân thị xã để điều tra bổ sung. Nếu việc quy tội cố ý gây thương tích là không đúng thì liệu việc quy tội cướp tài sản đã chính xác?
Để có câu trả lời thỏa đáng thì các cơ quan pháp luật ở địa phương cần lưu ý đến mục đích, động cơ của các hành động mà bị can đã thực hiện.
Theo điều 133 Bộ luật hình sự thì dấu hiệu của tội cướp tài sản là “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Thế nhưng, như ông Sơn khai nhận, ông đã dùng tay đấm một cái vào ông Đỗ Đức Cảnh (đội phó đội thuế số 2 Chi cục Thuế thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) nhằm lấy lại 300.000 đồng nguyên là của ông mà theo ông là đã bị “thu thuế lụi”.
Sở dĩ có suy nghĩ này là do biên lai thu thuế có quá nhiều thiếu sót (mà chính ông Cảnh cũng đã thừa nhận), cách thực thi công vụ của ông Cảnh chưa tạo được sự tin cậy đúng ra phải có khiến cho những người dân như ông Sơn đâm ra nghi ngờ “bị lừa đảo” rồi dẫn đến những hành động sai.
Tính ra, hiểu nhầm của ông Sơn là có cơ sở, việc tấn công của ông Sơn xét phần nào đó là có thể cảm thông, ý thức chủ quan của ông Sơn không phải là muốn chiếm đoạt tài sản của cơ quan thuế. Vậy ông Sơn có đáng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản?
Về việc tạm giam, tuy bị khởi tố, truy tố về tội ít nghiêm trọng nhưng do bị cho là gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử nên bị can Sơn đã bị tạm giam.
Thế nhưng theo Bộ luật tố tụng hình sự thì thời hạn tạm giam trong trường hợp này tối đa chỉ là 3 tháng (đã có gia hạn), trong khi đó bị can đã bị tạm giam hơn 11 tháng. Do vậy, nếu thấy cần phải điều tra bổ sung theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân thị xã thì công an thị xã cứ tiến hành nhưng trước mắt cần thả ngay bị can.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận