Đó là nội dung được nêu tại hội nghị giao ban chuyên đề giữa thường trực Thành ủy với thường trực các Quận ủy, Huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy tổ chức sáng 17-10.
Hội nghị bàn về “giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện kết luận số 100 của Ban Bí thư khóa 11 về việc đổi mới và nâng cao chất lượng điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.
Tại hội nghị, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nhìn nhận là một đô thị đặc biệt, TP.HCM luôn là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá bằng những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Việc này đòi hỏi Đảng bộ TP cấp ủy, chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, tầm quan trọng của công tác dư luận xã hội.
Những năm qua, công tác nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội trên địa bàn TP đã được các cấp ủy quan tâm, từng bước đi vào nề nếp, đảm bảo tính kịp thời, chính xác, khách quan.
Từ đó giúp cơ quan lãnh đạo có thêm thông tin nhằm nhận định, đánh giá đúng hơn, sát thực hơn tình hình tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn có hạn chế, yếu kém trong công tác này như tính kịp thời, nhanh nhạy chưa đảm bảo; thiếu tính sắc bén. Việc huy động, sử dụng và phát huy tối đa các lực lượng cho công tác này có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả...
Thời gian tới, các cấp ủy cần tiếp tục tăng cường thực hiện hiệu quả kết luận 100, chỉ thị số 12, thông báo kết luận số 455 và quy định số 1374. Tạo sự thống nhất trong nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu dư luận xã hội.
Đề ra các chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt xem trọng công tác nắm tình hình dư luận xã hội đối với các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn công nghệ thông tin và xây dựng chế độ cho cán bộ phụ trách công tác.
Tận dụng truyền thông hiện đại trong công tác nắm bắt dư luận
Báo cáo tại hội nghị, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Ngô Thanh Sơn cho biết hiện việc nắm dư luận xã hội trong hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP được thực hiện với các phương pháp: Xây dựng mạng lưới thông tin rộng khắp (tổ chức các cuộc họp dân, khảo sát, hội nghị nhân dân, tiếp xúc cử tri).
Sử dụng các công cụ truyền thông hiện đại (tận dụng mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến để nắm bắt thông tin). Phân tích, đánh giá dư luận.
Với việc định hướng dư luận, tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh lan tỏa các thông tin chính thống, thông tin tích cực trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Dù vậy, hiện dư luận xã hội rất đa dạng, phức tạp, khó nắm bắt và định hướng, công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội còn nhiều hạn chế.
Theo lãnh đạo MTTQ TP hiện nay Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai phần mềm lắng nghe mạng xã hội (HCMC Social Beat).
Đây là một công cụ để TP nắm bắt được tổng quan, thông tin đầy đủ, đa chiều về ý kiến, suy nghĩ và trào lưu trên không gian mạng.
Quá trình tổng hợp được thực hiện bởi công cụ trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin; tuy nhiên việc phân tích, đánh giá tình hình phải do con người cảm nhận và thực hiện mới sát với thực tiễn.
Do đó, kiến nghị TP chia sẻ dữ liệu để các cơ quan thực hiện công tác nắm bắt dư luận theo các giới để có nhận định và đưa ra phương thức định hướng hiệu quả nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận