Phóng to |
Ngồi xuống chiếc ghế dài để giữa phòng, ngắm cả bốn thảm tranh, một cảm giác bềnh bồng như trên thuyền nhỏ giữa một hồ nước đầy bông súng. Màu sắc thật dịu dàng khiến cho lòng mình lắng đọng. Đứng dậy, đến gần một bức tranh mới thấy bức vẽ lớn quá, tranh đặt sát chân tường mà phải ngước cổ thật cao mới nhìn hết. Nhìn kỹ thì thấy được mối ráp của các mảng vải ghép lại với nhau thành một thảm tranh dài. Bước chầm chậm rảo quanh phòng, thỉnh thoảng dừng chân. Bông súng và hoa, bập bềnh trên mặt hồ, những cây liễu rủ lá lung linh soi bóng nước, lòng cảm thấy an bình, lặng lẽ.
Kế tiếp là một phòng y hệt, từ kiến trúc cho đến cách bố trí. Ánh sáng thiên nhiên tràn đầy trên bốn bức tranh cùng cỡ với các tranh ở phòng bên. Lại lặng người trước nghệ thuật trải lòng vào thiên nhiên của họa sĩ Ấn tượng Claude Monet. Lòng lâng lâng khó tả. Les Nymphéas (Bông Súng) gồm tám bức tranh thật lớn (chiều cao 2 mét, nếu để khít nhau thì có chiều dài tổng cộng là 91 mét), tên rất nên thơ Buổi sáng, Mây trời, Soi bóng màu xanh, Hoàng hôn, Cây Soi bóng, Buổi sáng với các cây liễu rủ và Hai cây liễu rủ, vẽ trong khoảng 1914-1918.
Năm 1999, tôi chỉ có dịp thăm nhanh bảo tàng Vườn Cam (le musée de l’Orangerie) vì đến giờ đóng cửa. Bao nhiêu là tiếc nuối, bao nhiêu là mong ước thăm lại nơi này. Năm 2004 tôi lại đến, Vườn Cam còn đang sửa chữa. Năm nay 2007, tôi mới thật có duyên được chiêm ngưỡng kiệt tác của Claude Monet tại vòm Sistine của hội họa Ấn tượng.
Từ quảng trường Concorde, vào cửa vườn Tuileries, rồi ngoặt qua bên phải: Vườn Cam nằm ở góc phải, cạnh bờ sông Seine, cảnh trí u nhàn, bên cạnh sự ồn ào náo nhiệt của quảng trường la Concorde.
Vườn Cam được xây năm 1852 vào thời Đế chế thứ hai để thay thế vườn cam của cung điện Louvre. Với nhiều cửa rộng, nơi này được dùng làm nhà giữ ấm các cây cam vào mùa đông, các cây này sẽ được chuyển ra ngoài trời vào những tháng ấm hơn. Sau này, từ ước muốn của Claude Monet, thủ tướng Georges Clemenceau, bạn thân của họa sĩ đã quyết định dùng Vườn Cam làm nơi trưng bày các bức tranh Bông Súng.
Phóng to |
Trong thập niên 1920, Nhà nước Pháp xây hai phòng hình bầu dục tại Viện Bảo tàng Vườn Cam để dành riêng cho tám bức tranh tường vĩ đại les Nymphéas của họa sĩ sáng lập trường phái Ấn tượng (Impressionisme), từ Ấn tượng xuất phát từ bức tranh “Impression, soleil levant” (Ấn tượng, mặt trời mọc) của Claude Monet. Triển lãm đầu tiên cho công chúng được mở vào ngày 16 tháng 2 năm 1927, chỉ vài tháng sau cái chết của họa sĩ thiên tài.
Rồi có lúc, Vườn Cam và các tranh Bông Súng khổng lồ cũng phải chịu nhiều long đong. Viện bảo tàng ngày càng nhận nhiều danh họa hiến tặng, không gian trở nên chật chội, các Bông Súng chịu số phận hẩm hiu, phải dời vào phòng trưng bày ở tầng dưới.
Năm 2000, Nhà nước Pháp mới có kế hoạch hiện đại hóa tòa nhà và trả vị trí xứng đáng cho các Bông Súng. Phải đến năm 2006, Vườn Cam mới được mở lại và các tranh Bông Súng lại được ánh nắng từ trên trần rọi xuống. Các khách đến ngắm tranh có cảm tưởng là mình đi bách bộ ở khu vườn của Monet có hồ nước trồng bông súng tại Giverny, vùng Normandie, bên bờ sông Seine.
Chuyện kể là tình cờ Claude Monet dự một cuộc triển lãm cây bông súng do Latour - Marliac tổ chức vào năm 1889, thấy loại bông súng này hết sức kỳ diệu và rất bắt mắt họa sĩ bèn cho xây hồ nước trong vườn nhà để trồng bông súng. Vào thời đó, ở châu Âu chỉ có giống súng trắng, chính Latour - Marliac cho lai tạo giống súng trắng với vài loại súng rừng ở Bắc Mỹ và vài nơi khác để có được loại bông súng có màu vàng lợt đến màu đỏ sẫm. Monet là người đầu tiên vẽ loại bông súng này. “Hốt nhiên tôi thấy ra là cái hồ nước của tôi thật kỳ diệu. Từ đó hiếm khi tôi lấy cái gì khác làm mẫu vẽ”.
Ba mươi năm cuối đời mình, ông đã để hết tâm trí vẽ Bông súng trong hồ nước vườn nhà. Ông đã vẽ gần 250 bức tranh bông súng. Năm 1922, ông hiến tặng tám bức tranh khổng lồ Nymphéas cho tổ quốc Pháp. Họa sĩ đã vẽ các Bông Súng từ trên chiếc thuyền neo ở giữa hồ.
Phóng to | |
Tầng hầm Bảo tàng Vườn Cam với bộ sưu tập của Jean Walter và Paul Guillaume |
Phóng to |
Trong hai gian phòng trưng bày hình bầu dục tại Viện Bảo tàng Vườn Cam ở Paris, các bức tường đã được những bức họa phủ lên và người xem chia sẻ được cảm hứng của người vẽ. Ông đã quên đi vẻ bên ngoài của hiện thực để thâm nhập vào chiều sâu thăm thẳm, nắm bắt cấu trúc phức tạp của nó và khám phá sự trôi chảy của thời gian. Monet đã dồn hết sức lực để khám phá mọi dáng vẻ của nước hồ, sự soi bóng và lắng sâu của nó, đời sống các cây cỏ chằng chịt bên bờ hồ. Ông đã diễn tả điều gì? Tính chảy mềm của sự vật, vẻ đẹp cốt yếu mà con người sống với nó, vũ trụ mênh mang giúp con người thời đại mới có thể quên đi nỗi ám ảnh bởi sự căng thẳng tơi bời về tinh thần.
Ở tầng hầm của Viện bảo tàng có bộ sưu tập rất lớn và quý giá của Jean Walter và Paul Guillaume: 144 họa phẩm của Cézanne, Renoir, Manet, Picasso, Matisse, Modigliani và Soutine… Paul Guillaume là nhà sưu tập mỹ thuật nổi tiếng về tranh ấn tượng và hậu ấn tượng. Khi ông chết vào năm 42 tuổi, bà vợ góa Domenica xinh đẹp lấy ông trùm quặng mỏ Jean Walter, sau đó tặng sưu tập mỹ thuật này cho viện bảo tàng. Chính bộ sưu tập này có lúc ở tầng trên và che ánh mặt trời của các Bông Súng.
Phóng to |
Vừa ra khỏi cửa Vườn Cam, lòng còn vấn vương, tôi chợt thấy một bức tượng đôi nam nữ rất lớn ngay trước tòa nhà. Tôi lặng người trước le Baiser (Nụ hôn), tượng nổi tiếng Rodin, nhà điêu khắc lừng danh với tượng Người suy tư (le Penseur). Nụ hôn là bức tượng nhỏ nhắn nằm trong sưu tập ở Viện Bảo tàng Rodin. Sao Nụ hôn lại ở đây, to như thế này. Chúng tôi ghi hình đủ mọi góc.
Tượng đẹp quá, dễ thương quá. Trong Vườn Cam tôi có thấy tượng Clemenceau của Rodin, điều này hiểu được vì không có vị thủ tướng bạn của Monet thì les Nymphéas tuyệt vời không thể được tôn vinh như vậy. Còn Nụ hôn trước cửa bảo tàng, sự hiện diện thú vị quá, đối với tôi lại rất ngọt ngào, tôi mê nhất tác phẩm điêu khắc này của Rodin. À, Rodin cũng có phong cách “Ấn tượng”.
Từ khoảng tuổi năm mươi, Claude Monet mê mải với les Nymphéas. Tiếng Pháp les Nymphéas cũng tương tự Les Nénuphars (Bông Súng), nhưng có chút thi vị hơn, kỳ bí hơn (Nymphes, những nàng con gái huyền thoại của những mùa xuân và rừng cây). Claude Monet sống đủ lâu (86 tuổi) để cống hiến cho đời những tác phẩm mỹ thuật vượt thời gian. Ông vẽ không mệt mỏi cho đến năm cuối của đời ông (1926). Bị cườm mắt, ông vẫn vẽ, màu thiên nhiên đã bị biến đổi qua mắt ông. Đâu có sao! Tranh ông lại độc đáo hơn, ấn tượng hơn. Và khi ông được mổ cườm rồi thì màu sắc lại đổi thay! Ông vẫn vẽ.
Thật đúng như mong ước tha thiết của ông: les Nymphéas được ngắm như ở ngoài trời từ trên con thuyền neo giữa hồ, tại bảo tàng Orangerie trong vườn Tuileries giữa lòng Paris.
Paris, ngày 4 tháng 10 năm 2007
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận